Tiết 6: Con người (355-384)

Số
Mục lục
Tra cứu
Câu
Mục lục
Tra cứu

Mục lục

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT

TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM

LỜI MỞ ĐẦU (1-25)

PHẦN THỨ NHẤT (26-1065)

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐOẠN THỨ NHẤT: “TÔI TIN” - “CHÚNG TÔI TIN” (26-184)

CHƯƠNG I: CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (27-49)

CHƯƠNG II: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (50-141)

Mục 1: Mặc Khải của Thiên Chúa (51-73)

Mục 2: Sự lưu truyền Mặc Khải của Thiên Chúa (74-100)

Mục 3: Thánh Kinh (101-141)

CHƯƠNG III: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (142-184)

Mục 1: Tôi tin (144-165)

Mục 2: Chúng tôi tin (166-184)

TÍN BIỂU

ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO (185-1065)

CHƯƠNG I: “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA” (198-421)

Mục 1: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” (199-421)

Tiết 1: Tôi tin kính Đức Chúa Trời (199-231)

Tiết 2: Chúa Cha (232-267)

Tiết 3: Đấng Toàn Năng (268-278)

Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Tiết 5: Trời và đất (325-354)

Tiết 6: Con người (355-384)

Tiết 7: Sự sa ngã (385-421)

CHƯƠNG II: TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (422-682)

Mục 2: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi” (430-455)

Mục 3: Chúa Giê-su Ki-tô “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (456-570)

Tiết 1: Con Thiên Chúa làm người (456-483)

Tiết 2: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (484-511)

Tiết 3: Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô (512-570)

Mục 4: Chúa Giê-su Ki-tô đã “chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)

Tiết 1: Chúa Giê-su và Ít-ra-en (574-594)

Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Tiết 3: Chúa Giê-su Ki-tô được “táng xác” (624-630)

Mục 5: Chúa Giê-su Ki-tô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (631-658)

Tiết 1: Đức Ki-tô “xuống ngục tổ tông” (632-637)

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)

Mục 6: Chúa Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)

CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)

Mục 9: “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” (748-975)

Tiết 1: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (751-780)

Tiết 2: Hội Thánh - Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần (781-810)

Tiết 3: Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (811-870)

Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Tiết 5: “Các Thánh thông công” (946-962) [1474-1477]

Tiết 6: Đức Ma-ri-a - Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh (963-975)

Mục 10: “Tôi tin phép tha tội” (976-987)

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

“Amen” (1061-1065)

PHẦN THỨ BA (1691-2557)

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THẦN KHÍ (1699-2051)

CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ (1700-1876)

Mục 1: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (1701-1715)

Mục 2: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng vinh phúc (1716-1729)

Mục 3: Sự tự do của con người (1730-1748)

Mục 4: Tính luân lý của các hành vi nhân linh (1749-1761)

Mục 5: Tính luân lý của các đam mê (1762-1775)

Mục 6: Lương tâm luân lý (1776-1802)

Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)

Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI (1877-1948)

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)

Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)

Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)

Mục 3: Hội Thánh, Mẹ và Thầy (2030-2051)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN (2052-2557)

CHƯƠNG I: “NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI” (2083-2195)

Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)

Mục 2: Điều răn thứ hai (2142-2167)

Mục 3: Điều răn thứ ba (2168-2195)

CHƯƠNG II: “NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH” (2196-2557)

Mục 4: Điều răn thứ tư (2197-2257)

Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)

Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)

Tra cứu

3551700, 343

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Con người có một địa vị độc tôn trong công trình tạo dựng: con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” (I); trong bản tính riêng của mình, con người kết hợp thế giới thiêng liêng và thế giới vật chất (II); con người được tạo dựng “có nam có nữ” (III); Thiên Chúa cho con người sống thân mật với Ngài (IV).

I. “Theo hình ảnh của Thiên Chúa” (356-361)

3561703, 2258, 225, 295

Trong tất cả các thụ tạo hữu hình, chỉ con người có khả năng “nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa của mình”;216 là “thụ tạo duy nhất trên trái đất Thiên Chúa dựng nên vì chính họ”;217 chỉ con người được kêu gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, bằng sự nhận biết và tình yêu. Con người được tạo dựng vì mục đích ấy, và đó là lý do căn bản của phẩm giá con người:

“Vì lý do nào Chúa đã đặt con người vào một phẩm giá cao trọng như vậy? Chính tình yêu khôn tả đã khiến Chúa nhìn đến thụ tạo của Chúa nơi chính Chúa, Chúa đã ‘say mê’ nó; vì tình yêu Chúa đã dựng nên nó, vì tình yêu Chúa đã cho nó hiện hữu, để nó nếm được sự Tốt lành vĩnh cửu của Chúa.”218

3571935, 1877

Mỗi cá nhân con người, bởi vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá của một ngôi vị: không chỉ là một sự vật nào đó, nhưng là một ai đó. Con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, làm chủ mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào sự hiệp thông với những ngôi vị khác; nhờ ân sủng, mỗi nguời được kêu gọi vào Giao ước với Đấng Tạo Hóa của mình, để dâng lên Ngài một lời đáp lại của đức tin và tình yêu, mà không ai khác có thể thay thế chỗ của mình được.

358299, 901

Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự cho con người;219 còn con người được tạo dựng để phục vụ Thiên Chúa và yêu mến Ngài và dâng lên Ngài toàn thể thụ tạo:

“Vậy ai được tạo dựng sau cùng và được vinh dự dường ấy? Thưa đó là con người, một sinh vật cao cả và kỳ diệu, và đối với Thiên Chúa, nó quý giá hơn mọi thụ tạo; vì con người mà trời, đất, biển và toàn thể thụ tạo được hiện hữu: Thiên Chúa đã tha thiết muốn cứu độ con người, đến nỗi đã không buông tha Con Một của Ngài vì họ: Thiên Chúa cũng không ngừng vận dụng mọi cách để nâng con người lên đặt ở bên hữu Ngài.”220

3591701, 388, 411

“Quả thật, chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, mà mầu nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ”:221

“Thánh Phao-lô cho chúng ta biết có hai người là nguồn gốc của nhân loại, là ông A-đam và Đức Ki-tô… A-đam đầu tiên được tạo dựng là một người lãnh nhận sự sống. Còn A-đam cuối cùng là Đấng thiêng liêng ban sự sống. Người đầu tiên được tạo dựng bởi Đấng cuối cùng, do Đấng này, người đầu tiên lãnh nhận linh hồn để được sống… Khi tạo dựng A-đam đầu tiên, A-đam cuối cùng đã khắc ghi hình ảnh mình trong đó. Từ đó A-đam cuối cùng đã nhận lấy vai trò và tên gọi của A-đam đầu tiên, để không bỏ mất những gì đã được tạo dựng theo hình ảnh của mình. A-đam đầu tiên, A-đam cuối cùng: A-đam đầu tiên có khởi đầu, A-đam cuối cùng không có kết thúc, bởi vì Đấng cuối cùng này mới thật sự là Đấng đầu tiên, như chính Người đã nói: ‘Ta là Đầu và là Cuối’.”222

360225, 404, 775, 831, 842

Vì cùng xuất phát từ một nguồn gốc chung, tất cả mọi người làm thành một loài người duy nhất. “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại” (Cv 17,26):223

“Cái nhìn kỳ diệu khiến chúng ta có thể chiêm ngắm nhân loại trong sự thống nhất vì cùng có chung một nguồn gốc bởi Đấng Tạo Hóa; trong sự thống nhất về bản tính vì mọi người đều được tạo dựng như nhau, gồm một thân xác vật chất và một linh hồn thiêng liêng bất tử; trong sự thống nhất về mục đích mà mọi người cùng theo đuổi, về nhiệm vụ phải đảm nhận trong cuộc sống này; trong sự thống nhất về nơi cư ngụ là trái đất với những tài nguyên, mà mọi người, do quyền tự nhiên của mình, đều có quyền sử dụng để nuôi dưỡng và phát triển sự sống; sau cùng, trong sự thống nhất về cùng đích siêu nhiên, là chính Thiên Chúa, Đấng mà tất cả đều phải quy hướng về; trong sự thống nhất về những phương thế để đạt tới cùng đích đó; trong sự thống nhất về ơn Cứu chuộc mà Đức Ki-tô đã thực hiện cho mọi người.”224

3611939

Quy luật “của sự con người cần đến nhau và của đức mến”,225 bảo đảm cho chúng ta rằng mọi người thật sự đều là anh em, tuy không loại trừ sự khác biệt rất nhiều giữa các cá nhân, các nền văn hóa, và các dân tộc.

II. “Một hữu thể có xác có hồn” (362-368)

3621146, 2332

Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vừa có yếu tố thể xác lại vừa có yếu tố tinh thần. Trình thuật Thánh Kinh diễn tả thực tại đó bằng một ngôn ngữ biểu tượng khi khẳng định rằng “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Như vậy, con người toàn diện được dựng nên do ý muốn của Thiên Chúa.

3631703

Trong Thánh Kinh, từ linh hồn thường chỉ sự sống con người226 hoặc toàn bộ nhân vị.227 Nhưng từ đó cũng dùng để chỉ cái thâm sâu nhất trong con người,228 giá trị nhất trong con người,229 nhờ đó con người là hình ảnh của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn: “linh hồn” là nguyên lý tinh thần trong con người.

3641004, 2289

Thân xác của con người được dự phần vào phẩm giá là “hình ảnh của Thiên Chúa”: nó là thân xác nhân linh (corpus humanum) chính vì được linh hồn thiêng liêng làm cho sinh động, và toàn bộ nhân vị được đặt định trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, trong Thân Thể Đức Ki-tô.230

“Là một thực thể có xác có hồn, con người, nhờ chính điều kiện có xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của thế giới vật chất, cho nên, nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, con người không được khinh miệt sự sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và sẽ được sống lại trong ngày sau hết.”231

365

Sự thống nhất xác hồn thâm sâu đến độ linh hồn phải được coi là “mô thể” của thân xác;232 nghĩa là, nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác, vốn được cấu tạo bằng vật chất, là một thân xác nhân linh (corpus humanum) và sống động; tinh thần và vật chất nơi con người không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất.

3661005, 997

Hội Thánh dạy rằng mỗi linh hồn thiêng liêng được tạo dựng trực tiếp bởi Thiên Chúa233 chứ không phải do cha mẹ “sinh sản”; Hội Thánh cũng dạy chúng ta rằng, linh hồn thì bất tử;234 linh hồn không hư hoại khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp với thân xác trong ngày sống lại sau hết.

3672083

Đôi khi linh hồn được phân biệt với tinh thần. Chẳng hạn thánh Phao-lô cầu nguyện để trọn con người chúng ta: “tinh thần, linh hồn và thân xác” được gìn giữ, “không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm” (1 Tx 5,23). Hội Thánh dạy rằng sự phân biệt này không đem lại sự nhị phân trong linh hồn.235 Từ “tinh thần” muốn nói là con người, ngay từ khi được tạo dựng, đã được quy hướng về cùng đích siêu nhiên của mình,236 và linh hồn của con người có khả năng được nâng lên cách nhưng không để hiệp thông với Thiên Chúa.237

368478, 582, 1431, 1764, 2517, 2562, 2843

Truyền thống linh đạo của Hội Thánh cũng nhấn mạnh đến trái tim, mà theo ý nghĩa của Thánh Kinh, là nơi “thâm sâu thân mật” (“trong đáy lòng”: Gr 31,33), đó là nơi con người quyết định theo hoặc không theo Thiên Chúa.238

III. “Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ” (369-373)
Thiên Chúa muốn con người bình đẳng nhưng khác biệt nhau (369-370) [2331-2336]

369

Người nam và người nữ được tạo dựng, nghĩa là họ hiện hữu do ý muốn của Thiên Chúa: một đàng, họ hoàn toàn bình đẳng với tư cách là những nhân vị; đàng khác, họ là nam và là nữ theo cách hiện hữu riêng. “Là người nam”, “là người nữ”, đều là thực tại tốt lành do ý muốn của Thiên Chúa: người nam và người nữ có một phẩm giá không thể mất được, do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, trực tiếp ban cho họ.239 Người nam và người nữ, với cùng một phẩm giá, đều là “hình ảnh của Thiên Chúa.” “Là người nam” hay “là người nữ”, họ đều phản ánh sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Đấng Tạo Hóa.

37042, 239

Đừng diễn tả Thiên Chúa theo hình ảnh loài người. Ngài không là nam, cũng không là nữ. Thiên Chúa là thuần túy thiêng liêng, trong tính thiêng liêng đó không có chỗ cho sự phân biệt phái tính. Nhưng “những nét hoàn hảo” của người nam và người nữ phản ánh một chút nào đó sự trọn hảo vô biên của Thiên Chúa: những hoàn hảo của người mẹ,240 của người cha và người chồng241 cũng vậy.

“Cho nhau” – “Tuy hai mà một” (371-373)

3711605

Người nam và người nữ, được tạo dựng đồng thời, được Thiên Chúa muốn là người này phải sống cho người kia. Lời Chúa muốn chúng ta hiểu điều đó qua nhiều câu Thánh Kinh: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Không một con vật nào có thể là “tương xứng” với con người.242 Thiên Chúa lấy xương sườn người nam tạo thành người nữ và dẫn đến cho người nam; vừa trông thấy người nữ, người nam phải thốt lên một tiếng thán phục, một lời reo mừng của tình yêu và của sự hiệp thông: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Người nam nhận ra người nữ như một “cái tôi” khác của cùng bản tính nhân loại.

3721652, 2366

Người nam, và người nữ được tạo dựng “người này cho người kia”: không phải Thiên Chúa đã tạo dựng họ “chỉ có một nửa” và “không đầy đủ”; Thiên Chúa đã tạo dựng họ để họ hiệp thông các ngôi vị, trong đó mỗi người có thể thành “sự trợ giúp” cho người kia, bởi vì một đàng, họ là những nhân vị bình đẳng với nhau (“xương bởi xương tôi…”) và đàng khác, là người nam và là người nữ, họ bổ túc cho nhau.243 Trong hôn nhân, Thiên Chúa đã kết hợp họ đến độ, một khi nên “một xương một thịt” (St 2,24), họ có thể lưu truyền sự sống con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1,28). Người nam và người nữ, với tư cách là đôi vợ chồng và cha mẹ, khi lưu truyền sự sống con người cho dòng dõi mình, một cách độc đáo, cộng tác vào công trình của Đấng Tạo Hóa.244

373307, 2415

Trong kế hoạch của Thiên Chúa, người nam và người nữ có ơn gọi để làm chủ trái đất245 với tư cách là “những người quản lý” của Thiên Chúa. Quyền làm chủ này không được trở thành một sự thống trị độc đoán và phá hoại. Vì là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, “Đấng yêu thương mọi loài hiện hữu” (Kn 11,24), người nam và người nữ được kêu gọi tham dự vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với các thụ tạo khác. Do đó, họ có trách nhiệm về trần gian mà Thiên Chúa đã giao phó cho họ.

IV. Con người trong vườn địa đàng (374-379)

37454

Con người đầu tiên không những được tạo dựng là tốt lành, mà còn được sống trong tình thân nghĩa với Đấng Tạo Hóa của mình, trong sự hài hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh. Tình thân nghĩa và sự hài hòa này chỉ thua kém vinh quang của công trình tạo dựng mới trong Đức Ki-tô.

3751997

Hội Thánh, khi giải thích một cách chính thống ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Kinh dưới ánh sáng của Tân Ước và Truyền Thống, dạy rằng: nguyên tổ chúng ta, ông A-đam và bà E-và, đã được tạo dựng trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy.246 Ân sủng của sự thánh thiện nguyên thủy đó là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.247

3761008, 1502

Mọi chiều kích của đời sống con người được củng cố bằng sự rạng ngời của ân sủng này. Bao lâu còn sống thân mật với Thiên Chúa, con người sẽ không phải chết,248 cũng không phải đau khổ.249 Sự hài hòa nội tâm nơi mỗi nhân vị, sự hài hòa giữa người nam và người nữ,250 và cuối cùng là sự hài hòa giữa đôi vợ chồng đầu tiên với toàn thể thụ tạo, tạo nên tình trạng được gọi là “sự công chính nguyên thủy.”

3772514

“Quyền làm chủ” trần gian mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ lúc đầu, được thực hiện trước tiên nơi chính con người, là việc làm chủ chính bản thân mình. Con người còn nguyên vẹn và có trật tự trong chính bản thân, vì còn tự do đối với ba thứ dục vọng251 khiến con người quy phục các lạc thú của giác quan, sự ham mê của cải trần thế và đề cao chính mình, đi ngược lại những lệnh truyền của lý trí.

3782415, 2427

Dấu chỉ của sự thân thiện của con người với Thiên Chúa là việc Thiên Chúa đặt con người trong vườn địa đàng.252 Con người sống ở đó “để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15): lao động không phải là một hình khổ,253 nhưng là sự cộng tác của người nam và người nữ với Thiên Chúa trong việc kiện toàn công trình tạo dựng hữu hình.

379

Toàn bộ sự hài hòa của tình trạng công chính nguyên thủy này, mà kế hoạch của Thiên Chúa nhắm dành cho con người, đã bị mất đi vì tội của nguyên tổ chúng ta.

Tóm lược (380-384)

380

“Lạy Cha, Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha, và trao cho việc trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Đấng Tạo Hóa, con người cai quản mọi loài thụ tạo.”254

381

Con người được tiền định để họa lại hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người – “Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) để Đức Ki-tô trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.255

382

Con người là “một hữu thể có xác có hồn.”256 Giáo lý đức tin xác quyết rằng linh hồn thì thiêng liêng và bất tử, được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp.

383

“Thiên Chúa không tạo dựng con người đơn độc: ngay từ đầu, ‘Ngài sáng tạo con người có nam có nữ’ (St 1,27), sự chung sống của họ đã tạo nên hình thức đầu tiên của sự hiệp thông giữa các ngôi vị.”257

384

Mặc khải cho chúng ta biết tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy của người nam và người nữ trước khi phạm tội: do tình thân nghĩa của họ với Thiên Chúa mà cuộc sống của họ trong vườn địa đàng được hạnh phúc.


Chú thích

216 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1966) 1034.

217 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 24: AAS 58 (1966) 1045.

218 Thánh Catarina thành Siêna, II dialogo della Divina provvidenza, 13: ed. G. Cavallini (Roma 1995) 43.

219 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1966) 1034; Ibid., 24: AAS 58 (1966) 1045; Ibid., 39: AAS 58 (1966) 1056-1057.

220 Thánh Gio-an Kim khẩu, Sermones in Genesim, 2, 1: PG 54,587-588.

221 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

222 Thánh Phê-rô Kim ngôn, Sermones, 117, 1-2: CCL 24A, 709 (PL 52,520).

223 X. Tb 8,6.

224 ĐGH Pi-ô XII, Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939) 427; x. CĐ Va-ti-ca-nô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 1: AAS 58 (1966) 740.

225 ĐGH Pi-ô XII, Thông Điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939) 426.

226 X. Mt 16,25-26; Ga 15,13.

227 X. Cv 2,41.

228 X. Mt 26,38; Ga 12,27.

229 X. Mt 10,28; 2 Mcb 6,30.

230 X. 1 Cr 6,19-20; 15,44-45.

231 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 14: AAS 58 (1966) 1035.

232 X. CĐ Vienna (năm 1312), Hiến chế Fidei catholicae: DS 902.

233 X. ĐGH Pi-ô XII, Thông điệp Humani generis (năm 1950): DS 3896; ĐGH Phao-lô VI, Sollemnis Professio fidei, 8: AAS 60 (1968) 436.

234 X. CĐ La-tê-ra-nô (năm 1513), Tông sắc Apostolici regiminis: DS 1440.

235 X. CĐ Constantinôpôli IV (năm 870), canon 11: DS 657.

236 X. CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 2: DS 3005; CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042-1043.

237 X. ĐGH Pi-ô XII, Thông điệp Humani generis (năm 1950): DS 3891.

238 X. Đnl 6,5; 29,3; Is 29,13; Ed 36,26; Mt 6,21; Lc 8,15; Rm 5,5.

239 X. St 2,7.22.

240 X. Is 49,14-15; 66,13; Tv 131,2-3.

241 X. Hs 11,1-4; Gr 3,4-19.

242 X. St 2,19-20.

243 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông thư Mulieris dignitatem, 7: AAS 80 (1988) 1664-1665.

244 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 50: AAS 58 (1966) 1070-1071.

245 X. St 1,28.

246 X. CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canon 1: DS 1511.

247 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 5-6.

248 X. St 2,17; 3,19.

249 X. St 3,16.

250 X. St 2,25.

251 X. 1 Ga 2,16.

252 X. St 2,8.

253 X. St 3,17-19.

254 Kinh nguyện Thánh Thể IV, 118: Sách Lễ Rô-ma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 467.

255 X. Ep 1,3-6; Rm 8,29.

256 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 14: AAS 58 (1966) 1035.

257 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1966) 1034.

Scroll to Top