Lược sử hình thành lời kinh và chuỗi hạt Mân Côi

Khi tìm hiểu nguồn gốc ra đời và quá trình hình thành Kinh Mân Côi cùng với chuỗi hạt mà chúng ta đang có ngày nay, chắc chắn không có nhà sử học nào đủ khả năng để vẽ ra một biểu đồ rõ ràng với các mốc thời gian được xác định cụ thể. Tuy nhiên, bằng cách lần theo dấu vết của những nguồn cảm hứng đã tạo nên các lời kinh và phương pháp cầu nguyện trong Giáo Hội, chúng ta sẽ thu được một số thông tin thực sự hữu ích.

Mẹ Ma-ri-a và Chuỗi Mân Côi
Mẹ Ma-ri-a và Chuỗi Mân Côi

1. Cầu nguyện với chuỗi hạt

Trước hết, có thể thấy người Công Giáo chúng ta thường có thói quen cầu nguyện bằng cách đọc liên lỉ nhiều lần một kinh nguyện ngắn gọn nào đó, chẳng hạn như Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng hay các lời nguyện tắt “Giê-su, Ma-ri-a, Giu-se, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn,…”. Trong các dòng tu chuyên về chiêm niệm, các tu sĩ hẳn cũng rất quen với chỉ dẫn của Thánh Gio-an Cassianô (Conference 10,10) về việc lặp đi lặp lại câu: “Lạy Chúa Trời, xin đến cứu con, muôn lạy CHÚA, xin mau phù trợ!” (Tv 69,2), hay lời khuyên “Breathe Christ always” (Luôn thì thầm Danh Đức Ki-tô) của Thánh A-tha-na-si-ô.

Khi cầu nguyện như vậy, một yêu cầu hết sức tự nhiên sẽ nảy sinh, đó là cần phải đưa ra con số cụ thể về số lần đọc cho mỗi lời kinh, thay vì cứ lặp đi lặp lại mà không biết bao giờ sẽ kết thúc. Để giải quyết vấn đề này, các vị tu sĩ và ẩn sĩ tiên khởi đã nghĩ ra một số phương pháp đơn giản, chẳng hạn như thu thập các viên sỏi rồi thả xuống từng viên sau mỗi lời cầu nguyện, cử chỉ sùng kính hoặc làm Dấu Thánh Giá. Cách làm tương tự cũng được áp dụng đối với quả mọng, xương động vật, đá cuội, các nút thắt của một sợi dây và sau cùng là xâu các hạt nhỏ lại với nhau thành một chuỗi cố định. Theo dòng thời gian, cấu trúc của các chuỗi hạt như vậy dần dần phát triển và đạt tới cấu trúc giống như Chuỗi Mân Côi mà chúng ta đang có ngày nay. Cấu trúc này được xác định là bắt nguồn từ Giáo hội Đông phương. Theo Từ điển bách khoa Công giáo (ấn bản năm 1913), Chuỗi Mân Côi được trao cho các tu sĩ Hy-lạp cùng với áo choàng (mandya) trong lễ thụ y của họ, chúng là một phần trong tu phục đầy đủ và được trao vào giai đoạn thứ hai của đời sống tu trì; với họ, Chuỗi Mân Côi này còn được gọi là một thanh gươm tinh thần. Về sau, cách gọi ấy đã được phản ánh rõ hơn trong thực hành của Giáo hội Tây phương, với việc các tu sĩ thường đeo một số kiểu chuỗi hạt ở thắt lưng bên trái – cùng một phía mà các nhà quý tộc thường dành để đeo gươm.

2. Kinh Lạy Cha thay thế cho Thánh Vịnh

Ngoài phương pháp sử dụng chuỗi hạt như vừa nêu, các tu sĩ ở thời kỳ Giáo Hội sơ khai còn có một thực hành khác là cầu nguyện hàng ngày với đầy đủ 150 bài của Sách Thánh Vịnh, đây cũng là thói quen được duy trì và trở thành truyền thống trong các tu viện ở cả Đông phương lẫn Tây phương.

Đến thời Trung Cổ, một hình thức cầu nguyện chung như thế đã được khuyến khích rộng rãi hơn đối với cả anh chị em giáo dân. Nhưng vì không phải ai cũng có đủ tiền để mua Sách Thánh Vịnh hay biết đọc chữ, nên họ được phép sử dụng Kinh Lạy Cha để thay thế. Một ví dụ về điều này được đưa ra trong cuốn Ancient Customs of Cluny (Những truyền thống cổ xưa ở Tu viện Cluny) do một tác giả có tên Udalrio biên soạn vào năm 1096, trong đó, khi có tin về cái chết của bất kỳ anh em nào ở xa, mọi linh mục trong tu viện đều phải dâng Thánh lễ, đồng thời, tất cả mọi người không phải là linh mục sẽ đọc đầy đủ 50 bài Thánh Vịnh hoặc Kinh Lạy Cha. Vào thế kỷ XII, các Hiệp sĩ Dòng Đền cũng đọc lời kinh này 150 lần mỗi ngày trong một tuần, khi có một Hiệp sĩ trong số họ qua đời. Vì thế, suốt nhiều thế kỷ, chuỗi hạt dùng để cầu nguyện còn có một tên gọi khác là “Paternosters” – chuỗi Kinh Lạy Cha.

3. Kinh Kính Mừng dần được hoàn thiện

Song song với Kinh Lạy Cha, có một kinh nguyện khác cũng được các tín hữu sử dụng ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội và dần dần được đưa vào chuỗi hạt, đó chính là Kinh Kính Mừng. Mặc dù có nội dung hết sức ngắn gọn, ít ai biết quá trình hoàn thiện lời kinh này lại mất tới 15 thế kỷ, với 5 lần chỉnh sửa nội dung:

  1. Phiên bản đầu tiên của nó chỉ đơn giản là lời chào mà sứ thần Gáp-ri-en gửi tới Mẹ Ma-ri-a trong biến cố Truyền Tin: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” (x. Lc 1,28).
  2. Năm 1050 (chiếu theo tài liệu cổ nhất được tìm thấy), tức là sau khoảng 10 thế kỷ, nó mới được bổ sung nội dung lần thứ nhất bằng lời chào của Thánh Ê-li-sa-bét trong Lc 1,42: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và con lòng Bà gồm phúc lạ”.
  3. Năm 1261, Đức Giáo Hoàng Urban IV (1195-1264) quyết định điền tên của Chúa Giê-su vào phần cuối của lời chào này, khiến nó trở thành: “và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ”.
  4. Năm 1555, trong Sách Giáo Lý mới do cha Thánh Phê-rô Ca-ni-si-ô S.J. (1521-1597) biên soạn, một lời nguyện mới đã được viết thêm: “Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội.”
  5. 11 năm sau, vào năm 1566 và cũng là lần chỉnh sửa cuối cùng, sách Giáo lý Rô-ma của Công đồng Tren-tô, dựa trên bản kinh của cha Ca-ni-si-ô, đã hoàn thiện nội dung của Kinh Kính Mừng bằng câu kết: “Khi nay và trong giờ lâm tử. A-men.”  Phiên bản này được chính thức chấp thuận năm 1568 và lưu truyền cho tới ngày nay.

Xuyên suốt quá trình hoàn thiện lâu dài này, Kinh Kính Mừng đã được đọc một cách liên lỉ khi lần chuỗi bởi cả các tu sĩ (sau mỗi Thánh Vịnh) và giáo dân (sau mỗi Kinh Lạy Cha). Đến đầu thế kỷ XV, một tu sĩ Dòng Carthusian là Henry Kalkar (1328-1408) đã chia 150 Kinh Kính Mừng thành 15 chục, với mỗi chục được mở đầu bằng 1 Kinh Lạy Cha.

4. Tên gọi “Rosarius” và “Mân Côi”

Trong giai đoạn thế kỷ XII-XV, hình thức cầu nguyện với chuỗi hạt đã trở nên rất phổ biến và bắt đầu được gọi là “rosarius”. Trong tiếng La-tinh, từ này có nghĩa là “vòng hoa” hoặc “bó hoa”. Đó là một từ thích hợp để chỉ một bó hoa cầu nguyện dâng lên Chúa.

[Còn theo cách gọi của tín hữu Công Giáo Việt Nam, từ “Mân” theo gốc Hán là tên của một loại đá rất đẹp, bên ngoài có vân như ngọc, còn “Côi” có nghĩa là hiếm, quý, lạ. Như vậy, chuỗi Mân Côi có thể hiểu là một chuỗi của những viên đá quý.]

5. Suy ngẫm về các Mầu nhiệm

Khi Kinh Kính Mừng dần được đưa vào sử dụng trong việc lần chuỗi, một thực hành khác đã nảy sinh và phát triển trong các tu viện, đó là suy niệm về cuộc đời Chúa Giê-su trong lúc đọc kinh này. Ở một số nơi, sau mỗi Thánh Vịnh, các tu sĩ đọc lại một câu có ý nghĩa liên kết giữa Thánh Vịnh đó với cuộc đời Chúa Giê-su hoặc Mẹ Ma-ri-a. Kết hợp lại với nhau, chúng tạo ra một bản tóm lược ngắn gọn về cuộc đời của các Ngài.

Cho tới đầu thế kỷ XV, thực hành này đã được áp dụng cho đầy đủ 150 Kinh Kính Mừng – tương ứng với 150 câu suy niệm. Tuy nhiên, vì đa số tín hữu không có khả năng nhớ được đầy đủ nếu không có Kinh Thánh, nên chúng đã được đơn giản hóa bằng cách giảm số lượng xuống còn 15 – tương ứng một câu suy niệm với mỗi chục Kinh Kính Mừng.

Bước sang thế kỷ XVI, 15 Mầu nhiệm được chia làm 3 bộ Vui, Thương, Mừng đã bắt đầu xuất hiện; đồng thời, cấu trúc chuỗi 150 hạt cũng được rút gọn xuống còn 50, cũng chính là hình thức chuỗi hạt mà chúng ta đang có ngày nay.

Năm 1569, Đức Giáo Hoàng Piô V (1504-1572) chấp thuận việc lần chuỗi Mân Côi theo hình thức bao gồm 15 chục Kinh Kính Mừng, trong đó, mỗi chục kinh được bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha và kết thúc bằng Kinh Sáng Danh.

7. Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Trong suốt chiều dài lịch sử thăng trầm của Giáo Hội, thực hành lần chuỗi Mân Côi đã được khuyến khích và thúc đẩy nhiều lần bởi các vị Giáo Hoàng, cách đặc biệt sau những lần lời kinh này biểu dương sức mạnh.

Năm 1571, trong bối cảnh quân đội Hồi Giáo Ottoman lớn mạnh đang chuẩn bị tấn công qua đường biển nhắm vào các quốc gia Ki-tô Giáo, Đức Giáo Hoàng Piô V đã tổ chức một hạm đội dưới sự chỉ huy của tướng quân Gio-an người Áo (1547-1578). Trong khi công việc chuẩn bị cho trận chiến đang được tiến hành, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu tất cả các tín hữu lần chuỗi Mân Côi và khẩn thiết nài xin Đức Ma-ri-a – dưới tước hiệu Đức Mẹ Chiến Thắng – cầu bầu, để Thiên Chúa ban thắng lợi cho các Ki-tô hữu. Mặc dù hạm đội Hồi Giáo đông hơn nhiều so với Công Giáo cả về quân số cũng như số lượng tàu chiến, nhưng trong hải chiến Lepanto ngày 07/10/1571, họ đã thảm bại hoàn toàn. Chỉ một năm sau đó, Đức Piô V đã thiết lập Lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 07/10 để ghi nhớ chiến thắng này.

Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, Kinh Mân Côi vẫn tiếp tục duy trì vị trí đặc biệt trong đời sống đức tin của người Công Giáo và là thực hành cầu nguyện quan trọng hàng đầu. Nhờ lời kinh này, không ít tội nhân đã được ơn hoán cải và có nhiều phép lạ đã được thực hiện nơi các cá nhân và cộng đoàn khác nhau.

8. Năm Sự Sáng

Tuy nhiên, khi xã hội dần phát triển theo xu hướng tục hóa và trọng vật chất, con người ta cũng dần thờ ơ với đời sống sùng kính nói chung và việc cầu nguyện nói riêng. Trong quá trình tìm cách giới thiệu Chúa Ki-tô cho con người hiện đại, nhất là sau Công đồng Va-ti-ca-nô II (1962-1965), nhiều nhà thần học và triết gia Công Giáo đã lợi dụng xu hướng cải cách và đổi mới trong Giáo Hội nhằm hạ thấp, đả kích và tiến tới bãi bỏ các thực hành của lòng đạo đức bình dân, trong đó, có việc Lần Chuỗi Mân Côi. Sau khoảng 3 thập kỷ kể từ khi kết thúc Công đồng, những cố gắng đáng ngờ trong việc giảng dạy và truyền bá tư tưởng của họ đã gây ra những hậu quả nặng nề, khiến đời sống đức tin của các tín hữu ngày một xuống cấp. Chính vì vậy, ngay từ thời Đức Phao-lô VI cho đến nay, các Đức Giáo Hoàng đã không ngừng kêu gọi các tín hữu duy trì, tái khám phá và trở lại với Kinh Mân Côi.

Ngày 16/10/2002, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II cho ban hành Tông thư Rosarium Virginis Mariae về Kinh Mân Côi và ấn định Năm Mân Côi, bắt đầu từ tháng 10/2002 đến hết tháng 10/2003. Cũng trong Tông thư này, ngài đã bổ sung 5 Mầu nhiệm mới vào 15 Mầu nhiệm đã có từ trước và gọi các Mầu nhiệm mới này là “Mầu nhiệm Sự Sáng”, bao gồm các chặng chính trong sứ vụ công khai của Chúa Giê-su: Chịu phép rửa trên sông Gio-đan – Làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na – Rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối – Biến hình trên núi – Lập Bí tích Thánh Thể. Đức Giáo Hoàng giải thích rằng: Các Mầu nhiệm của Kinh Mân Côi được coi là Bản tóm lược các Sách Phúc Âm. Vì thế, việc thêm 5 Mầu nhiệm mới là để Bản lược tóm này được đầy đủ hơn.

9. Lời nguyện Fatima

Sau cùng, còn có một lời nguyện nữa mà chúng ta vẫn luôn đọc sau khi kết thúc Kinh Vinh Danh lúc lần hạt, đó chính là Lời nguyện Fatima. Đây là lời nguyện được Mẹ Ma-ri-a dạy cho ba trẻ chăn chiên trong lần hiện ra vào ngày 13/07/1917 tại làng Fatima, Bồ Đào Nha. Theo đó, Mẹ dạy các trẻ nhỏ đọc lời cầu nguyện này sau mỗi chục hạt khi lần chuỗi Mân Côi và khuyến khích các em duy trì thói quen lần chuỗi mỗi ngày. Nội dung của lời nguyện đã bổ sung vào Kinh Mân Côi khía cạnh về sự sám hối: “Lạy Chúa Giê-su, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.”


Như vậy, thông qua việc tìm hiểu lịch sử của 9 chi tiết cấu thành kể trên, chúng ta đã có được cho mình một cái nhìn tổng quát về quá trình hình thành và phát triển của việc Lần Chuỗi Mân Côi. Thực hành này chính là sự hội tụ từ rất nhiều dòng chảy kinh nghiệm khác nhau trong đời sống cầu nguyện của Hội Thánh. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với biết bao biến động, Kinh Mân Côi chưa khi nào bị coi là lỗi thời hay vô ích; trái lại, nó cho thấy một sức mạnh trường tồn, được các Đức Giáo Hoàng không ngừng cổ võ; đồng thời, là một công cụ hữu hiệu trong việc thánh hóa tội nhân, gìn giữ Đức tin và bảo vệ con cái của Mẹ Ma-ri-a trước các thế lực sự dữ và sự ác.

Theo Thánh Phanxicô Salê, “Phương pháp cầu nguyện vĩ đại nhất chính là lần chuỗi Mân Côi.”


Tham khảo từ: ewtn.com, catholicculture.org, franciscanmedia.org và một số kênh thông tin Công Giáo khác.

Scroll to Top