Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên – 27/09/2022

Thánh Vi-xen-tê Phao-lô [Vincent de Paul], Linh mục, lễ nhớ

Lời Chúa – Lc 9,51-56:

Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

Suy niệm:

Sống là lên đường. Hai lần tiên báo về cái chết sắp đến cho thấy Đức Giê-su biết rõ con đường mình sắp đi, và những gì sẽ xảy ra ở cuối đường (Lc 9,22.44). Bị bắt, bị nộp, bị loại bỏ, bị giết chết, là những điều tự nhiên ai cũng gớm ghét, sợ hãi và muốn né tránh. Đức Giê-su cũng vậy, vì Ngài mang trọn phận người như ta.

“Đức Giê-su nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (c. 51). Lên Giê-ru-sa-lem là một quyết định đắn đo và nghiêm túc, cũng là một chọn lựa tự do và can đảm của Đức Giê-su, bởi lẽ lên đó là chấp nhận đối diện với cái chết bi đát. Giê-ru-sa-lem là trung tâm hoạt động của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo, những người đang âm mưu bắt Đức Giê-su để thủ tiêu. Muốn được sống yên thân, Đức Giê-su chỉ cần đừng lên thành đô ấy, chỉ cần giới hạn hoạt động của mình ở Ga-li-lê. Lên Giê-ru-sa-lem trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ là làm một cuộc Xuất Hành mới (Lc 9,31) đầy bất trắc hiểm nguy. Nhưng Đức Giê-su không sợ đến với nơi Cha muốn mình đến: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13,33). Giê-ru-sa-lem là nơi Đức Giê-su hiến mình qua cái chết vì vâng phục, nhưng Giê-ru-sa-lem cũng là nơi Ngài phục sinh và được rước lên trời (c. 51).

Tin Mừng Lu-ca coi việc lên Giê-ru-sa-lem như một hành trình dài (9,51 – 19,27). Ngài cố ý đi ngang qua vùng đất của người Sa-ma-ri. Giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri có sự xung khắc. Người Do-thái khinh người Sa-ma-ri, người Sa-ma-ri thù người Do-thái. Chính vì thế, khi biết nhóm Thầy trò lên đường đi Giê-ru-sa-lem dự lễ, người dân một ngôi làng Sa-ma-ria đã từ chối tiếp đón. Gia-cô-bê và Gio-an, những người từng được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3,17), đã muốn xin cho mình được chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy. Họ muốn làm như ngôn sứ Ê-li-a ngày xưa (2 V 1,10.12), “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng” (c. 54). Nhưng Thầy Giê-su, người dẫn đầu, đã quay lại quở mắng hai ông. Ngài chẳng bao giờ dùng quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình. Ngài sống điều Ngài đã giảng cho các môn đệ (Lc 6,29). Làm sao có thể giết người khác chỉ vì họ không đón nhận mình?

Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt, cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người. Sự bao dung của Đức Giê-su cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thái độ này. Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực. Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay. Chúng ta không chấp nhận một Ki-tô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế. Nhưng Thầy Giê-su và các học trò đã chọn đi sang làng khác (c. 56).

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top