Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên – 04/10/2022

Thánh Phan-xi-cô thành At-si-si, lễ nhớ

Lời Chúa – Lc 10,38-42:

Khi thầy trò Đức Giê-su đi đường, Người vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Suy niệm:

Nếu ở Việt Nam mỗi năm có khoảng mười hai ngàn người chết vì tai nạn giao thông, thì ở Nhật có hàng chục ngàn người tự sát. Tai nạn giao thông lắm khi do vội vã, không làm chủ được tốc độ. Tự sát do áp lực của công việc quá lớn, do căng thẳng, do sợ bị khiển trách. Xem ra, cuộc sống hối hả đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm. Nhiều người chết bất ngờ vì bệnh tim mạch. Con người hôm nay có nhiều tiện nghi hơn, nhiều thú vui hơn ngày xưa, nhưng lại thiếu sự thanh thản, bình an, trầm lắng. Trong bài diễn văn ngày 20-08-2006 tại Castel Gandolfo, Đức Bênêđíctô XVI đã cảnh báo về nguy hiểm khi làm quá nhiều công việc. Ngài trích lời thánh Bênêđíctô: bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim, tinh thần bị thương tổn, trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán. Ngài khẳng định lời nhắc nhở này cũng áp dụng cả cho ngài và cho mọi người. Không được đánh mất mình trong công việc: đó là tâm niệm của người lãnh đạo trên một tỉ người Công Giáo khắp thế giới khi ấy.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một giây phút thư giãn của Đức Giê-su. Trên con đường nay đây mai đó của một người rao giảng, Đức Giê-su cũng có lúc dừng chân. Một ngôi làng quen thuộc, một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn ngon, tất cả như một ốc đảo xanh tươi đem lại cho Thầy trò hạnh phúc sau những vất vả, nhọc mệt, hiểm nguy và thiếu thốn. Hầu chắc ngôi làng này ở Bê-ta-ni-a, gần Giê-ru-sa-lem. Hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a đã được nhắc đến trong Tin Mừng Gio-an. Mác-ta là người đón khách và nấu nướng (Ga 11,20; 12,2), còn Ma-ri-a thì hay phủ phục dưới chân Đức Giê-su (Ga 11,32; 12,3). Những nét này ta lại thấy trong bài Tin Mừng hôm nay theo Thánh Lu-ca. Mác-ta vẫn là người ra đón Chúa, Ma-ri-a vẫn là người ngồi duới chân Chúa. Một người thiên về hoạt động, một người có vẻ trầm hơn. Nhưng cả hai đều được Đức Giê-su quý mến (Ga 11,5).

Chúng ta cần chiêm ngắm cuộc chia sẻ của Đức Giê-su với chị Ma-ri-a. Chị ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người (c. 39). Đức Giê-su là người nói và chị Ma-ri-a là người nghe. Ngài có thể đã chia sẻ với chị về đời sống nội tâm và việc tông đồ của ngài. Được chia sẻ và có người nghe mình chia sẻ là một hạnh phúc. Còn chị Ma-ri-a thì sung sướng được ngồi nghe trong tư thế của một môn đệ. Người ta có cảm tưởng chị có thái độ thụ động khi nghe. Thật ra để lắng nghe cần tích cực mở tai và mở lòng. Lắng nghe Lời Chúa là cần trước khi đem ra thực hành. Mác-ta đón Chúa vào nhà, còn Ma-ri-a đón Lời Chúa vào tâm hồn mình. Có thể định nghĩa cầu nguyện là ngồi và lắng nghe Chúa nói. Một số người tưởng cầu nguyện là phải nói thật nhiều cho Chúa nghe. Thật ra Chúa muốn bày tỏ cho ta những ước mơ của ngài về ta, nên ta cũng cần dành khoảng lặng cho ngài. Nghệ thuật đối thoại cũng là nghệ thuật thinh lặng lắng nghe.

Trong khi Ma-ri-a ngồi nghe Chúa nói,thì Mác-ta tất bật dưới bếp. Mác-ta bối rối về nhiều chuyện phục vụ (peri pollên diakonian, c. 40). Chị sợ bữa ăn không được chuẩn bị chu đáo và kịp thời. “Em con để con phục vụ một mình”: chị thấy cô đơn trong công việc. “Mà Thầy không quan tâm sao?”: chị nghĩ lẽ ra Thầy nên để ý chuyện ấy. “Xin Thầy bảo em giúp con một tay”: chị muốn Ma-ri-a xuống bếp giúp chị. Mác-ta thật là người tốt, chị muốn tiếp đãi Đức Giê-su đàng hoàng. Nhưng có lẽ chị quên rằng Ma-ri-a cũng đang tiếp đãi Đức Giê-su, và ngài rất vui với cách tiếp đãi đó. Nếu đưa Ma-ri-a xuống bếp phụ cho chị, thì Thầy Giê-su nói chuyện với ai? Chúng ta cũng dễ say mê làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa. Có khi chúng ta coi trọng hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa mà quên dành giờ cho Chúa. Cầu nguyện là ở với Chúa, nghỉ ngơi bên Chúa, sống tình bạn với Chúa như hai người ngồi bên nhau. Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận nhắc ta đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa.

Đức Giê-su thông cảm với nỗi căng thẳng, âu lo của Mác-ta thể hiện trên khuôn mặt và giọng nói của chị. Ngài nhẹ nhàng gọi tên chị hai lần: “Mác-ta, Mác-ta ơi!” “Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá!” (peri polla, c.41). Câu này ngài cũng muốn nói với từng người chúng ta. Chúng ta cũng lo nhiều chuyện, gánh nhiều trách nhiệm. “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”: ngài mời ta tập trung vào một chuyện cần. Lo nhiều chuyện làm ta bị phân tán. “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất”: ngồi dưới chân Chúa là một chọn lựa nghiêm chỉnh giữa những công việc bề bộn. Đặt Chúa lên trên và lên trước mọi việc khác là một chọn lựa không dễ dàng.

Dù sao Mác-ta là một thánh nữ, được Giáo Hội kính nhớ trong Phụng vụ. Chúng ta phải làm Mác-ta, tận tụy với việc của Chúa, không phải việc của mình, như thế, ta sẽ bình an hơn khi thất bại, khiêm tốn hơn khi thành công. Chúng ta phải làm Mác-ta, nhưng không được lo lắng, bồn chồn. Chúng ta làm mọi việc trong an tĩnh, thư thái, vui tuơi, hài hước, bởi lẽ Chúa chẳng đòi ta làm quá sức mình. Chúng ta phải làm Mác-ta, đảm đang lo nhiều việc, nhưng không được tự hào, coi thường những người thiếu khả năng, bệnh tật, hay đánh giá người khác dựa trên hiệu quả công việc. Chúng ta phải làm Mác-ta, nhưng không cần ai để ý (c. 40), không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác, vì biết rằng Chúa ban cho mỗi người mỗi việc như những chi thể để phục vụ toàn thân.

Cuộc sống hôm nay khiến ta khó làm Ma-ri-a. Nhưng phải cố dành giờ để làm Ma-ri-a mỗi ngày. Phải thu xếp để được làm Ma-ri-a, để có người thay mình làm Mác-ta. Nghe lời Chúa sẽ dẫn tới hành động: đó là xây nhà trên đá. Cuối cùng, đời sống chúng ta là kết hợp của Mác-ta và Ma-ri-a: vừa đón Chúa như Mác-ta, vừa tiếp Chúa như Ma-ri-a, vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa, vừa hoạt động, vừa chiêm niệm, nhưng lúc nào cũng hướng về Chúa.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top