Chúa Nhật II Mùa Vọng - 08/12/2024
Lời Chúa - Lc 3,1-6:
Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Suy niệm:
Malakhi được coi là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Ông viết một lời tiên tri ở cuối cuốn sách của mình: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến” (Ml 3,23). Bởi đó, nhiều người Do Thái đã tin và chờ, chờ Êlia trở lại để chuẩn bị cho ĐỨC CHÚA đến. Dân Ítraen đã chờ vị ngôn sứ đó từ năm thế kỷ. Khi Gioan Tẩy giả xuất hiện, người ta tin ông là Êlia. Nhưng Gioan không xuống từ trời trong cơn gió lốc (2 V 2,11), ông được sinh ra bởi một đôi vợ chồng cao niên hiếm muộn. Thiên sứ đã báo cho người cha là Dacaria biết về Gioan: em sẽ được đầy thần khí và quyền năng của Êlia (Lc 1,17). Dacaria biết con mình sẽ là ngôn sứ của Chúa, đi trước Chúa, để dọn đường cho Ngài và giúp dân Ítraen nhận biết ơn cứu độ (Lc 1,76-77).
Mỗi lần đến Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan Tẩy giả, một ngôn sứ thích sống trong hoang địa (Lc 1,80). Ông đã sống ở đó cho đến khi bắt đầu sứ vụ. Người Do Thái vui khi nhận ra ông là ngôn sứ, vì họ biết Thiên Chúa đã muốn nối lại với Ítraen cuộc đối thoại bị cắt đứt qua nhiều thế kỷ. “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan” (Lc 3,2). Lời Chúa đến với Gioan như xưa đã đến với các ngôn sứ. Chính hoang địa là nơi Chúa nói với Gioan để ông nói lại cho dân chúng. Gioan không nói lời của mình, không làm việc của mình. Ông là người phát ngôn của Chúa và làm việc cho Chúa. Ông đã đi khắp vùng ven sông Giođan kêu gọi người ta đến với ông để lãnh nhận phép rửa. Phép rửa này nhằm giúp họ bày tỏ lòng sám hối, mong được ơn tha tội, làm hòa với Chúa (Lc 3,3). Gioan ý thức mình là người dọn đường. Ông nhận ra mình là tiếng hô trong hoang địa, nên ông tâm đắc với lời mời gọi trong sách Isaia: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa...” (Is 40,3). Gioan không mời người ta dọn con đường vật chất, nhưng con đường trong tâm của mình. Con đường ấy vốn mấp mô, quanh co, lồi lõm, nay phải sửa lại cho ngay thẳng, phẳng phiu. Để chuẩn bị con đường như thế, cần hối cải và hoán cải. Hoán cải là biến đổi tâm của mình, từ đó đổi cả cuộc đời. Gioan mời người ta đến để ông dìm họ xuống dòng nước. Dòng nước thanh tẩy và đưa họ vào cuộc sống mới.
Thiên Chúa đã cho xuất hiện ngôn sứ Gioan vào thời đế quốc Rôma đô hộ người Do Thái. Thượng tế Khanan đã bị Rôma truất phế để đưa con rể ông là Caipha lên thay. Vào thời ấy, đất Ítraen bị chia để trị, một phần cho Philatô, ba phần dành cho ba con trai của Vua Hêrôđê Cả. Gioan được sai đến vào thời buổi hỗn loạn nhiễu nhương như thế, để chuẩn bị đường cho Đấng Cứu độ, cho Đức Chúa (Lc 2,11).
Thời nào Thiên Chúa cũng tặng cho nhân loại những Gioan, những người dọn đường cho Con Ngài đến. Gioan can đảm mời gọi người ta hoán cải đổi đời, và chính ông cũng có can đảm để sống hoán cải. Con Thiên Chúa đã đến trần gian từ hơn 2000 năm qua, nhưng thế giới hôm nay vẫn giống với thời của Gioan Tẩy giả, vẫn cần tự do, công lý, bình an, hạnh phúc, sự thật, tình thương. Bởi đó, thế giới vẫn cần những người dọn đường như Gioan.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan