Chúa Nhật XXIX Thường Niên - 20/10/2024
Lời Chúa - Mc 10,35-45:
Khi ấy, hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Suy niệm:
Xem ra, Nhóm Mười Hai, nhóm môn đệ nòng cốt, lại là những người có nhiều tham vọng về quyền lực. Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ hai, họ đã tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33-34). Sau khi Thầy loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ ba, họ lại bất hòa về chuyện ghế ngồi (Mc 10,35-41). Thầy Giêsu không dạy học trong lớp, với phấn và bảng. Thầy dạy từ những chuyện xảy ra hàng ngày trong nhóm. Từ những chuyện không vui, Thầy uốn nắn các môn đệ với một sự tinh tế lạ lùng và một sự kiên nhẫn đáng thán phục.
Giacôbê và Gioan là hai môn đệ được Thầy ưu ái. Cùng với Phêrô, họ làm nên một bộ ba đặc biệt. Chỉ họ có mặt khi Thầy hoàn sinh con ông Giaia, và khi Thầy biến hình trên núi (Mc 5,37;9,2). Sau này, chỉ họ được theo sát Thầy ở Vườn Dầu (Mc 14,33). Phải chăng vì thế mà họ muốn vận động để xin Thầy những chỗ ngồi cao hơn anh em? Có vẻ họ theo Thầy vì mong Thầy lên làm vua, để được Thầy chia sẻ vinh quang và quyền lực. Rõ ràng, họ xa lạ với con đường hẹp mà Thầy sắp đi. Họ còn đứng ngoài, chưa vào được thế giới của Thầy.
Tuy buồn, nhưng Thầy vẫn điềm đạm khi hỏi: “Các anh muốn Thầy làm cho các anh điều gì?” Thầy vẫn tự chủ và bao dung khi trách mắng: “Các anh không biết các anh xin gì?” Thầy không đáp lại ngay lời xin ngồi hai bên tả hữu, nhưng lại đưa ra một thách đố cho hai ông: “Các anh có dám uống chung một chén với Thầy, và chịu chung một phép rửa với Thầy không?” Chén ấy là chén đắng của khổ nhục và cái chết khiến Thầy hãi hùng xao xuyến (Mc 14,36). Chén ấy là chén máu Thầy trên bàn Tiệc Ly, khi Thầy trao cho các môn đệ cùng uống (Mc 14,23-24). Phép rửa là cuộc Khổ nạn Thầy sắp chịu. Thầy Giêsu mời hai ông cùng chịu phép rửa với Thầy, cùng Thầy được dìm mình xuống nước, nghĩa là cùng Thầy trải qua cái chết khổ đau. Hai môn đệ mơ chỗ cao khi Thầy làm vua ở trần gian. Nhưng Thầy Giêsu chẳng bao giờ làm vua ở đời này. Vào ngày tận thế, Ngài sẽ ngự đến như một vị Vua ngự trên ngai vinh quang trong Nước Thiên Chúa. Lúc đó, Nhóm Mười Hai là những kẻ theo Ngài cũng sẽ ngự trên ngai do Chúa Cha chuẩn bị (Mt 19,28).
Thầy Giêsu chẳng những dạy Giacôbê và Gioan, Thầy còn dạy cho cả Nhóm Mười Hai cách lãnh đạo. Có cách lãnh đạo của các người làm lớn ngoài đời. Họ dùng uy, dùng quyền mà thống trị và cai quản dân. “Nhưng giữa anh em, thì không như vậy!” Có một kiểu lãnh đạo khác trong cộng đoàn tín hữu, lãnh đạo kiểu phục vụ cho anh chị em. Người làm lớn, làm đầu thì phải là đầy tớ cho mọi người. Như thế, Thầy Giêsu đã cho ta thấy hình ảnh của Hội Thánh mà chúng ta cần xây dựng. Nơi đây, trẻ em được đón tiếp, phụ nữ được tôn trọng. Nơi đây, không có tham vọng về quyền lực, chức tước, vì biết rằng tất cả chỉ là phương tiện để phục vụ. Nơi đây, có những mục tử tận tụy và dám hiến mạng sống mình cho đàn chiên.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tính hiệp hành. Ngài mời gọi mọi thành phần dân Chúa cùng nhau lắng nghe, đối thoại, cầu nguyện và phân định, can đảm để nói, khiêm tốn để nghe, vượt qua mọi thành kiến. Nhờ đó, Hội Thánh có được sự hiệp nhất và niềm vui, lôi kéo được nhiều người đến gia nhập.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan