Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng - 02/12/2024
Lời Chúa - Mt 8,5-11:
Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi!”, là nó đi, bảo người kia: “Đến!”, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!”, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời.”
Suy niệm:
Tín đồ Do Thái giáo có tiếng về sống đức hy vọng. Họ đã hy vọng và vẫn còn hy vọng Đấng Mêsia sẽ đến để đem ơn cứu độ. Họ đã chờ và vẫn chờ từ bao ngàn năm nay. Còn Kitô hữu chúng ta có tiếng về sống đức ái. Tuy nhiên, tự bản chất, Kitô giáo vẫn là tôn giáo của đức hy vọng. Chúng ta tin Đấng Mêsia là Đức Giêsu đã đến rồi. Ngài đến đem ơn cứu độ không phải cho riêng dân Ítraen, nhưng cho mọi dân mọi nước trên toàn thế giới. Nhưng Kitô hữu vẫn còn sống trong chờ đợi và hy vọng. Chúng ta mong ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu, cũng là ngày thế giới này đi đến chỗ tận cùng, để sang một trang mới.
MARANA THA, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (1 Cr 6,22; Kh 22,20), đó là lời nguyện của các Kitô hữu trong Giáo Hội buổi sơ khai. Đó cũng là lời nguyện khẩn thiết của chúng ta, đặc biệt trong Mùa Vọng. Ngày quang lâm là ngày tận thế đáng sợ, khi Chúa Giêsu trở lại xét xử kẻ sống và kẻ chết. Nhưng đó cũng là ngày hội vui lớn nhất của nhân loại, ngày mà niềm hy vọng của chúng ta được thành tựu viên mãn. Ngày ấy, “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (c. 11).
Đức Giêsu ngỡ ngàng khi thấy niềm tin lớn lao của viên đại đội trưởng. Ông thuộc dân ngoại mà lại có lòng tin lớn hơn người Ítraen (c. 10). Ông tin Đức Giêsu có thể chữa lành cho người đầy tớ yêu quý của ông. Không cần Ngài đến nhà, chỉ cần một lời nói của Ngài thôi cũng đủ (c. 8). Lòng tin mạnh mẽ và khiêm tốn của ông đã chinh phục Đức Giêsu. Lời của viên sĩ quan dân ngoại đã trở nên lời ta đọc trước khi rước lễ. “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
Đầy tớ của viên đại đội trưởng đã được chữa lành, nhưng điều quan trọng hơn là chuyện ông có hy vọng được dự tiệc. Đây là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc trong Nước Trời (x. Is 25,6-8). Một người dân ngoại được ngồi dự tiệc bên các tổ phụ Do Thái. Đây là điều hẳn làm cho nhiều người Do Thái phải ngạc nhiên. Mà không phải chỉ có viên đại đội trưởng, có nhiều người từ tứ phương thiên hạ cũng được mời (c. 11). Nước Trời như một bữa tiệc vui và thịnh soạn do Thiên Chúa thết đãi, trong đó, mọi dân tộc khác nhau cùng đến để chia sẻ và hiệp thông. Mọi đau buồn, mọi cách ngăn đều bị xóa bỏ.
Màu tím là màu của phụng vụ Mùa Vọng, nhưng đây không phải là màu buồn. Mùa Vọng nhắc chúng ta về niềm hy vọng rất xanh tươi mà Chúa Giêsu đã mang lại cách đây hai ngàn năm và chúng ta có bổn phận vun đắp cho thành tựu. Làm sao để ơn cứu độ của Ngài được mọi người trên thế giới nhận biết? Làm sao để dân ngoại được ơn đức tin và ơn chữa lành như viên sĩ quan? Làm sao để chẳng ai vắng mặt trong bữa đại tiệc của Nước Trời? Mùa Vọng đưa ta về thế giới bao la của châu Á, với 3% người Công giáo. Nếu ngày mai tận thế, Chúa sẽ hỏi ta 97% kia đâu.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan