Chúa Nhật III Mùa Chay - 20/03/2022
Lời Chúa - Lc 13,1-9:
Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Suy niệm:
Giáo Hội cho đọc Bài Tin Mừng này trong Mùa Chay vì qua bài đọc này, Đức Giêsu khẩn thiết mời ta hối cải. Ai cũng biết hối cải, hoán cải hay sám hối là quan trọng. Nhưng chúng ta vẫn thường nghĩ hối cải không phải là chuyện của mình nhưng là chuyện của người khác, của những kẻ tội lỗi. Khi Đức Giêsu đang giảng về hoán cải (Lc 12,57-59), có mấy người đến kể cho Ngài nghe một chuyện kinh khủng. Đó là chuyện quan Philatô giết một số người vùng Galilê, khiến máu của họ hòa với máu của các con vật họ đang dâng. Mà chuyện ấy lại xảy ra ngay trong khuôn viên Đền thờ. Không rõ mấy người kể chuyện có mục đích gì. Họ có muốn Đức Giêsu lên tiếng chống lại Philatô không? Họ có coi những ai bị giết là tội nhân, bị Chúa phạt không? Đức Giêsu không muốn giải thích tại sao có tai họa đó. Ngài chỉ mạnh mẽ loại bỏ lối suy nghĩ cho rằng những người Galilê đã chết bi thảm là những kẻ có tội nặng hơn những người Galilê còn đang sống (Lc 13,2). Hơn nữa, Ngài muốn qua biến cố đau thương này đưa người ta ra khỏi sự tự mãn và bình an giả tạo, để thay vì quay ra các nạn nhân, thì quay vào lòng mình. Mọi thảm kịch xảy ra đều là lời mời gọi để tôi hoán cải.
Đức Giê su còn kể thêm chuyện một tai nạn lao động. Tháp Silôác đè chết mười tám người ở Giêrusalem. Những tai nạn chết chóc vẫn cứ xảy ra hàng ngày quanh ta. Nếu ta còn được an toàn, thì không phải vì ta thánh hơn, nhưng vì Chúa còn cho ta thời giờ để hối cải. Dụ ngôn cây vả sau đây minh họa cho ta thấy điều đó.
Ông chủ đã trồng một cây vả trong vườn nho của mình. Ông biết rõ chỗ đứng của cây vả trong vườn. Nó cũng có chỗ đứng trong lòng của ông. Ông phải chờ nhiều năm mới được phép ăn trái của nó: chờ ba năm sau khi nó bói những trái đầu tiên, chờ thêm một năm để dành trái dâng cho Chúa (Lv 19,23-25). Tiếc thay, khi ông được phép ăn trái thì lại không có. Năm nào, vào mùa vả, ông cũng đến, tìm trái mà không thấy. Ông tiếp tục chờ, kiên nhẫn chờ đủ ba năm. Chẳng ai dám bảo là ông nóng nảy hay độc ác khi ông nói với người làm vườn: “Anh chặt nó đi!” Chặt đi cây vả mà ông quan tâm và yêu mến là một quyết định khó khăn, nhưng hợp lý. Ông đã hy vọng, đã chờ và đã thất vọng nhiều lần. Ông đành phải ra lệnh chặt đi khi thất vọng thành tuyệt vọng. Chặt đi để dành đất màu cho các cây khác, vậy thôi.
Không ai có thể ngờ được một mệnh lệnh như thế lại có thể bị can ngăn bởi sự can thiệp của người làm vườn. Anh này lịch sự xin ông chủ đừng chặt ngay. Anh xin cho cây vả được sống thêm một năm nữa. Chẳng những thế, anh còn hứa sẽ chăm chút cho cây. “Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó.” Anh còn niềm hy vọng tuy nhỏ nhoi, nhưng chưa bao giờ tắt. Anh hy vọng sang năm nó sẽ có trái. Nếu không, chặt đi cũng chẳng muộn (Lc 13,8-9). Dụ ngôn cây vả không ra trái đã kết thúc ở đó. Không thấy ông chủ nói gì, chắc ông đồng ý với anh. Cũng không rõ cây vả năm sau có ra trái không.
Có thể coi ông chủ của cây vả là hình ảnh của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa sáng tạo, quan tâm và hy vọng nơi con người. Một Thiên Chúa chờ đợi và thất vọng vì con người. Một Thiên Chúa có tình yêu bị từ chối, nên đành đoạn tuyệt. Tuy nhiên, đây cũng là một Thiên Chúa mềm mại, có thể đổi ý, chứ không máy móc. Có thể coi người làm vườn là hình ảnh của Đức Giêsu. Một Đấng xin Cha trì hoãn để cây vả được sống thêm. Một Đấng tận tâm tạo điều kiện tốt để cây vả sinh trái. Cuối cùng chỉ còn chuyện của cây vả, của chúng ta. Chúng ta là cây vả có trách nhiệm sinh trái nhiều và ngon. Cả ông chủ và người làm vườn đều đang chờ, một năm nữa...
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan