Chúa Nhật XXIX Thường Niên - 16/10/2022
Lời Chúa - Lc 18,1-8:
Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.” Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”
Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Suy niệm:
Người tín hữu dễ mất đức tin khi họ xin những điều rất bình thường tự nhiên mà không được Chúa nhậm lời. Họ mất đức tin, vì nếu Thiên Chúa có thật, hẳn Ngài phải giải thoát họ khỏi cảnh cùng khốn, và giúp họ thắng được kẻ áp bức bạo tàn. Nếu Ngài thật sự là Đấng yêu thương và toàn năng, Ngài không thể để kẻ dữ tha hồ tác oai tác quái. Chúa Giêsu biết lòng tin con người mong manh, nên Ngài đã kể dụ ngôn sau đây để minh họa.
Có hai nhân vật trong cùng một thành phố, một ông quan tòa bất chính và một bà góa. Quan tòa bất chính vì không có hai điều quan trọng và cần thiết cho chức vụ của ông, đó là kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng con người. Bà góa vốn là người thấp cổ bé miệng trong xã hội, bà không còn người chồng để tựa nương, nên bà dễ bị chèn ép và đối xử bất công. Nhưng bà góa trong dụ ngôn này lại rất kiên quyết. Bà đã làm đơn để kiện người làm hại mình. Nhiều lần, bà đi gặp thẳng quan tòa, đòi ông phải giải quyết vụ việc. Quan tòa có vẻ không để tâm đến chuyện này. Ông cứ lần lữa một thời gian khá lâu. Nhưng cuối cùng, ông quyết định sẽ xử lý ổn thỏa, đơn giản vì ông không muốn bị bà quấy rầy nữa, và cũng không muốn chịu những hậu quả tồi tệ.
Như thế, dụ ngôn trên đã có một cái kết tốt đẹp, nhưng ta vẫn phải tiếp tục suy nghĩ về ý nghĩa của nó. Đức Giêsu có lúc đã ví chuyện Ngài đến như kẻ trộm, nghĩa là đến bất ngờ, không báo trước. Bây giờ Ngài lại dùng hình ảnh ông quan tòa bất chính để nói về Thiên Chúa là Đấng Công Chính. Có nét giống nhau giữa Thiên Chúa và ông quan tòa. Cả hai đều lo việc xét xử, đều phải lắng nghe người ta đến kêu oan. Công việc của cả hai là đem lại sự công bằng, người có tội bị trừng phạt, người bị hại được đền bù. Thiên Chúa và ông quan tòa còn có điểm chung khác: cả hai đều bắt người ta phải chờ lâu. Ông quan tòa từ chối việc minh xét cho bà góa. Thiên Chúa cũng trì hoãn việc minh xét cho những kẻ được Người tuyển chọn. Cuối cùng, ông quan tòa quyết định giúp bà góa, còn Thiên Chúa có minh xét cho con người không?
Nhìn vào thế giới hôm nay, có bao tiếng kêu xin tương tự như tiếng nài nỉ của bà góa. Bao phụ nữ hôm nay phải chịu những bất công. Có những người bị lạm dụng mà không dám mở miệng. Ở một số nước, phụ nữ không được đi học, đi làm. Nhiều người vợ bị bạo hành trong gia đình, và sống như cái bóng trong chế độ gia trưởng. Họ đã kêu lên Chúa trong thời gian lâu dài, kêu cả ngày lẫn đêm, nhưng chẳng thấy Ngài đáp lại.
“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Đó là câu kết của bài Phúc Âm hôm nay, một câu kết có phần bi quan từ chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu như tự hỏi xem vào ngày Ngài trở lại, có còn ai tin vào Ngài không, hay nản lòng tuyệt vọng. Như bà góa, chúng ta kiên trì tin tưởng cầu xin Chúa cứu chúng ta cho khỏi sự dữ và thần dữ. Nhưng chúng ta không được bịt tai trước tiếng kêu cứu của con người hôm nay. Chúng ta biết mình phải chịu trách nhiệm trước mọi bất công, chiến tranh, đói nghèo trên mặt đất.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan