Phụng Vụ Lời Chúa Ngày 11/05/2025
Thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm (1813-1847), Giáo Dân, Tử Đạo
Bài Đọc 1 – Cv 13,14.43-52:
14 Ngày ấy, hai ông Phao-lô và Ba-na-ba rời Péc-ghê tiếp tục đi An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a. Ngày sa-bát, hai ông vào hội đường ngồi tham dự.
43 Tan buổi họp, có nhiều người Do-thái và nhiều người đạo theo, tức là những người tôn thờ Thiên Chúa, đi theo hai ông. Hai ông nói chuyện với họ và khuyên nhủ họ gắn bó với ơn Thiên Chúa.
44 Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa.45 Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông.46 Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại.47 Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.”
48 Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo.49 Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.
50 Nhưng người Do-thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phao-lô và ông Ba-na-ba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ.51 Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô.52 Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.
Bài Đọc 2 – Kh 7,9.14b-17:
9 Tôi là Gio-an, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.14b Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.15 Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn.16 Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa.17 Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.
Tin Mừng – Ga 10,27-30:
27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.30 Tôi và Chúa Cha là một.”
Suy Niệm:
Chúng ta đang ở giữa mùa Phục Sinh. Có những Kitô hữu coi sự phục sinh của Chúa Giêsu là tột đỉnh, là hoàn tất trọn vẹn, chẳng phải chờ gì nữa. Chúng ta hay quên một câu trong Kinh Tin Kính: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Bao lâu Chúa chưa trở lại, chúng ta còn phải đợi trông. Kitô hữu vẫn sống trong một Mùa Vọng kéo dài. Thời gian đợi trông cũng là thời gian chiến đấu, thời gian của khách hành hương đi trong hoang địa. Trên thập giá, Chúa phán: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Chúa hoàn tất sau khi đã chiến đấu và chiến thắng, nhưng ta chưa hoàn tất ngày nào ta còn sống trên đời. Ta vẫn phải phấn đấu đi đường hẹp và qua cửa hẹp.
Con đường đời của người Kitô hữu không hề dễ đi, vì đó là con đường của Thầy Giêsu, Con Thiên Chúa, phải qua đau khổ để vào vinh quang (x. Lc 24,26). Con đường ấy cũng đầy hiểm nguy, cám dỗ và thử thách. Đàn chiên của Người Mục tử Giêsu không chỉ an toàn thảnh thơi đi trên cỏ xanh, mà còn phải đối mặt với nhiều kẻ thù hung hãn. Kẻ thù ấy là sói, là trộm cướp, là người lạ (Ga 10,1.2.5), đôi khi là người chăn thuê, chẳng lo cho chiên (Ga 10,13). Những kẻ thù chỉ muốn làm đàn chiên tan tác, sói dữ chỉ muốn chộp lấy chiên để ăn thịt. Mục Tử Giêsu bảo vệ đàn chiên của mình. Ngài coi đàn chiên ấy quý hơn mạng sống, nên Ngài làm điều mà người chăn thuê không dám làm, đó là hy sinh mạng sống mình cho chúng (Ga 10,17.18). Đức Giêsu đã chết cho đàn chiên. Cái chết của Ngài không làm chiên tan tác vì mất chủ, trái lại đã quy tụ tất cả nên một đàn chiên duy nhất.
Vì đàn chiên còn bị tấn công mãi cho đến tận thế, nên Chúa Giêsu phục sinh vẫn phải bảo vệ đàn chiên. Cuộc chiến giữa Ngài và các kẻ thù diễn ra ác liệt. “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Rõ ràng có sự giằng co giữa đôi bên. Một bên giữ chặt, bên kia dùng sức cướp lấy. Nhưng quyền năng của Đấng phục sinh mạnh hơn kẻ thù. Ngài giựt lại chiên từ miệng sói. Sói đem lại cái chết, còn Chúa Giêsu ban sự sống đời đời. Không phải chỉ Chúa Giêsu mới là Đấng bảo vệ chiên. Đàn chiên của Chúa Giêsu là do Cha ban cho (Ga 10,29). Chính vì thế Cha cũng là người bảo vệ: “Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.” Cả Cha và Con hợp tác bảo vệ đàn chiên khỏi kẻ thù. Chắc chắn đàn chiên sẽ được an toàn, nhưng an toàn này được mua bằng nỗ lực của Cha và Con. “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Chúng Tôi cùng làm việc để gìn giữ đàn chiên.
Tuy nhiên, chiên cũng phải biết tự bảo vệ mình. Chiên phải có khả năng nhận ra tiếng của chủ. Chỉ khi có khả năng này, chiên mới không đi lạc, hay đi theo những tiếng gọi mê hoặc, đầy quyến rũ của những người lạ hay kẻ trộm kẻ cướp. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Trong thời buổi hiện tại, những tà phái mọc lên như nấm. Có bao tiếng gọi lừa bịp, thoạt nghe giống tiếng chủ chiên, khiến những chiên ngây thơ bị mắc bẫy. Làm sao để đàn chiên có khả năng lột mặt nạ những con sói dữ đội lốt chiên, đang làm chiên tán loạn. Mỗi Kitô hữu phải cộng tác với Thiên Chúa để bảo vệ những chiên lạc lối trong nhóm mình.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.