Phụng Vụ Lời Chúa Ngày 28/05/2025

Thứ Tư Tuần 6 Phục Sinh

Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh (1827-1859), Giáo Dân, Tử Đạo

Bài Đọc 1Cv 17,15.22–18,1:


1715 Hồi ấy, các người tháp tùng đưa ông Phao-lô đến A-thê-na rồi từ đó trở về, mang theo lệnh bảo ông Xi-la và ông Ti-mô-thê phải đến với ông Phao-lô càng sớm càng tốt.

22 Một hôm, đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết.23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh’. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.

24 “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên.25 Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự.26 Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ.27 Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta.28 Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.’

29 “Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.

30 “Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối,31 vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết.”

32 Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: “Vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông.”33 Thế là ông Phao-lô bỏ họ mà đi.34 Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Đi-ô-ny-xi-ô, thành viên Hội đồng A-rê-ô-pa-gô và một phụ nữ tên là Đa-ma-ri cùng những người khác nữa.

181 Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.

Tin MừngGa 16,12-15:


12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”

Suy Niệm:


Làm người ở đời, một trong những điều rất khó là sống bình an hạnh phúc với người khác. Trong gia đình, nơi Giáo Hội, ngoài xã hội, trên thế giới, đâu đâu cũng thấy những xung đột và khổ đau do con người gây cho nhau. Từ cái chết của Aben đến cái chết của một thai nhi bị người mẹ chối từ. Một triết gia người Pháp viết: “Hỏa ngục chính là những người khác.” Mục tiêu của giáo dục không phải chỉ là đào tạo những người giỏi giang, mà còn là huấn luyện nên những người biết sống với và sống cho người khác. Để được vậy, cần giúp người ta ra khỏi sự ích kỷ, khép kín của lòng mình. Đời sống của Ba Ngôi giúp chúng ta biết cách sống với người khác.

Ba Ngôi sống cho nhau. Nếu Đức Giêsu đã tôn vinh Cha bằng cách vuông tròn việc Cha giao (Ga 17,4), thì Thánh Thần cũng tôn vinh Đức Giêsu bằng việc loan báo, soi sáng, nhắc nhớ những lời Ngài dạy (c. 14). Chính Chúa Cha cũng tôn vinh Đức Giêsu qua sự phục sinh vinh hiển (Ga 17,1). Ba Ngôi không tìm vinh quang cho mình, nhưng mở ra để chia sẻ. “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (c. 15). “Tất cả những gì của Cha đều là của Con...” (Ga 17,10). Cha là nguồn mạch trao cho Con tình yêu, sự sống, quyền năng, vinh quang. Và Con cũng chẳng giữ gì cho mình, Con chia sẻ cho cả các môn đệ.

Đến giờ phút chia tay, nhưng Thầy Giêsu phải khiêm tốn nhìn nhận rằng mình còn nhiều điều chưa nói hết (c. 12). Khiêm tốn là chấp nhận ra đi khi phần việc của mình đã xong, tuy công việc vẫn còn dang dở. Khiêm tốn là chấp nhận giới hạn của các môn đệ, họ cần thời gian để chín. Khiêm tốn là chấp nhận mình cần được bổ sung bởi người khác, mình không làm được hết mọi sự. Đức Giêsu là Sự Thật đã được chính Ngài vén mở cho ta, nhưng Thánh Thần mới là Đấng đưa chúng ta vào mầu nhiệm Giêsu, vào Sự Thật trọn vẹn (c. 13).

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

← 27/05/202529/05/2025 →