Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên - 25/07/2023

Suy Niệm Lời Chúa

THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ, lễ kính

Lời Chúa - Mt 20,20-28:

Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Suy niệm:

Xem ra, chức quyền vẫn là nỗi thèm thuồng của con người. Từ những cuộc xung đột giữa con người sống bầy đàn thời nguyên thủy, đến cảnh chiếu trên, chiếu dưới ở làng xã và cảnh chạy chức chạy quyền thời bây giờ. Ngay cả các môn đệ thân cận của Thầy Giêsu là Nhóm Mười Hai cũng không thoát khỏi sức hút của quyền lực. Họ đã từng cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18,1). Bây giờ, ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ Nạn, họ lại xích mích với nhau cũng về chuyện chức quyền.

Hai người con ông Dêbêđê là hai môn đệ được Đức Giêsu yêu quý hơn. Chẳng rõ có phải vì thế mà họ nuôi tham vọng chiếm được chỗ ngồi hai bên tả hữu Thầy trong Nước Thầy (x. Mt 19,28). Họ khéo léo nhờ mẹ mình xin Thầy Giêsu ban cho ơn lớn đó (cc. 20-21). Đức Giêsu chắc không vui vì môn đệ vẫn chưa được giải thoát khỏi cái trần tục. “Các người không biết các người xin gì!” (c. 22). Các môn đệ quá xa lạ với nẻo đường Thầy sắp đi, dù Thầy vừa mới cho họ biết con đường ấy, con đường bị chế diễu, bị đánh đòn và bị đóng đinh cho đến chết (Mt 20,18-19). Trong khi hai môn đệ thân tín còn loay hoay với những tham vọng thế gian, thì Ngài kéo họ vào hiệp thông với cuộc Khổ nạn gần đến của mình. Thầy Giêsu mời họ chia sẻ với Thầy cùng một chén đắng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (c. 22). “Thưa uống nổi”, đó là câu trả lời đầy tự tin và mạnh dạn của Giacôbê. Và ông đã thực hiện lời hứa này bằng cái chết (x. Cv 12,2). Nhưng Thầy cũng khiêm tốn cho biết chỉ Cha mới có quyền sắp đặt chỗ ngồi (c. 23).

Sự bực tức của mười môn đệ kia khi câu chuyện vỡ lở cho thấy họ cũng thích được ngồi hai bên tả hữu, tuy không tiện nói ra (c. 24). Thầy Giêsu cho thấy cách sử dụng quyền lực của các nhà lãnh đạo ngoài đời. Quyền lực là để thống trị người dân, tìm cách bành trướng cái tôi của mình. Thầy Giêsu khẳng định dứt khoát không có chuyện đó trong Giáo Hội của Thầy. “Giữa anh em thì không được như vậy” (c. 26). Quyền lực và phẩm trật trong Giáo Hội là để phục vụ dân Thiên Chúa. Những người làm lớn, làm đầu trong Giáo Hội lại là người hầu bàn, người tôi tớ, noi gương Đức Giêsu, Người Tôi Trung. Chính Ngài đã đưa việc phục vụ đến mức cao nhất là hy sinh tính mạng (c. 28).

Cơn cám dỗ về quyền uy, chức tước là cám dỗ muôn thuở cho mọi người. Các cộng đoàn Kitô hữu cứ phải xét mình mãi để khỏi rơi vào thói đời mà Đức Giêsu đã nghiêm khắc cảnh báo.

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Bài viết liên quan