Bài 19. Chúa Giê-su chịu chết và sống lại

I. LỜI CHÚA

“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,18-19).

II. TRÌNH BÀY

Chúa Giê-su người Na-da-rét được Thiên Chúa sai đến để ban sự sống mới cho loài người. Người đã làm nhiều phép lạ để chứng minh sứ mệnh của Người. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định, Chúa Giê-su đã bị nộp và bị đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại (x. Cv 2,22-23).

1. Chúa Giê-su ban sự sống mới cho loài người

Chúa Giê-su thực là Đấng Cứu Thế. Người đến để rao truyền đạo lý Nước Trời. Những ai tin vào Chúa đều được sống: người mù, què, câm, điếc, bệnh tật,… được chữa lành; Ni-cô-đê-mô, một nhân vật vị vọng trong dân; Lê-vi người thu thuế; Ma-ri-a Ma-đa-lê-na tội lỗi; thiếu phụ Sa-ma-ri,… đã được an bình và niềm vui sống cho cuộc đời mình nhờ tin nhận Chúa Giê-su.

2. Nhưng Chúa Giê-su lại bị người đời giết chết

Giáo lý của Chúa có nhiều điều trái với ý nghĩ và thói tục thế gian, gây chướng tai gai mắt nhiều người: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Chúa vạch trần cách sống giả hình tự mãn của Biệt phái,… Vì thế, không ít kẻ ghét Người. Các Luật sĩ và Biệt phái rình rập để bắt bẻ Người trong lời nói và hành động. Trong dân chúng, nhiều người bất mãn vì lời Chúa giảng dạy tới độ có lần họ xô Chúa khỏi Hội đường, lôi Người lên triền núi, có ý đẩy Người xuống vực thẳm.

3. Tuần lễ của hận thù và yêu thương

Khoảng tháng tư năm cuối cùng cuộc đời, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Hôm ấy, Chúa vào thành thánh, được dân chúng đón rước tung hô như vị vua khải hoàn. Nhưng cũng chính vinh quang ấy thúc bách các địch thù dứt khoát ra tay trừ khử Người. Biết như thế, Chúa Giê-su tạo những phút sống thân mật sau hết với các môn đệ. Trong bữa ăn tối Vượt Qua với họ, Chúa Giê-su hóa bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người cách nhiệm mầu để ở lại với họ và những người Chúa yêu trong mọi thời đại. Chúa còn rửa chân cho các môn đệ để dạy họ bài học yêu thương phục vụ. Lúc đêm khuya, Chúa vào vườn Cây Dầu cầu nguyện. Giu-đa, một trong 12 môn đệ, đã phản bội vì tham tiền, anh dùng cái hôn tình nghĩa để chỉ điểm cho lính bắt Chúa. Chúng điệu Người tới nhà cầm quyền. Công nghị Do-thái nhờ tay Phi-la-tô kết án tử hình cho Chúa dựa vào những chứng cớ vu vơ bịa đặt (nó dám xưng mình là Con Thiên Chúa; nó dám âm mưu phản lại Hoàng đế Xê-da). Chúa bị trao cho các lý hình, chúng đánh đập, nhạo báng, ấn vòng gai lên đầu Người như mũ triều thiên, bắt Người vác thập giá lên Núi Sọ. Vào giờ trưa, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp. Người đã tắt thở vì cực hình tàn bạo ấy lúc 3 giờ. Chập tối, Ni-cô-đê-mô đến xin Phi-la-tô cho tháo xác Người. Ông mai táng vội vã xác Chúa vào huyệt đá rồi ra về. Thế là tiêu tan mọi hy vọng.

4. Chiến thắng tử thần

Buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na và một bà Ma-ri-a khác ra mộ viếng xác. Các bà thất kinh thấy tảng đá lấp mộ đã lăn ra một bên. Một thiên thần hiện ra nói với các bà: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay” (Mt 28,5-7).

Sau khi sống lại, Chúa Giê-su còn hiện ra dạy dỗ, an ủi các môn đệ, sai các ông đi rao giảng Tin mừng rồi Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

5. Ngày nay, Hội Thánh mừng kỷ niệm những biến cố kể trên trong một tuần lễ đặc biệt gọi là Tuần thánh

– Chúa nhật Thương khó: Chúa Giê-su long trọng vào thành Giê-ru-sa-lem.

– Thứ năm lập phép Thánh Thể: Chúa hóa bánh và rượu thành Mình và Máu Người.

– Thứ sáu Tuần Thánh: Chúa Giê-su chết trên thập giá.

– Thứ bảy Tuần Thánh: Chúa an nghỉ trong mồ.

– Chúa nhật Phục sinh: Chúa sống lại.

Biến cố Tử nạn – Phục sinh là trung tâm công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su và cũng là mầu nhiệm trung tâm của đời sống người Ki-tô hữu: “Ai muốn sống lại với Chúa, cũng phải thông phần khổ nạn với Người” (2 Tm 2,11).

III. BÀI HỌC

Hỏi: Chúa Giê-su đã làm gì để cứu chuộc loài người?

Trả lời: Chúa Giê-su đã tự hiến đời mình, chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc loài người.

Hỏi: Sau khi sống lại, Chúa Giê-su làm gì?

Trả lời: Sau khi sống lại, Chúa Giê-su còn hiện ra dạy dỗ, an ủi các môn đệ, sai các ông đi rao giảng Tin mừng rồi Người lên trời.

IV. THÁI ĐỘ SỐNG

Vì yêu thương, Chúa Giê-su đã tự nguyện hiến mạng sống để cứu chuộc loài người. Tôi quyết chấp nhận những gian khổ trên đường theo Chúa.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, trước khi từ bỏ thế gian, Chúa đã thực hiện những công việc đầy tình yêu thương để cứu chuộc loài người. Xin Chúa giúp con sớm trở thành người con Chúa, để con được hưởng ơn cứu độ và có thể đền đáp tình yêu cảm động ấy.

Scroll to Top