Thứ Năm Tuần IV Thường Niên – 02/02/2023

DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ, lễ kính

Lời Chúa – Lc 2,22-32:

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Suy niệm:

Sau khi sinh Hài Nhi Giê-su bốn mươi ngày, Đức Ma-ri-a phải chịu thanh tẩy để được phép tham dự các lễ nghi. Bà mẹ mới sinh con phải vất vả đi đoạn đường xa để lên Đền Thờ. Bà không đi một mình, nhưng đi với chồng và đứa con hơn tháng tuổi. Đây là chuyến đi lên Đền Thờ đầu tiên của cả gia đình. Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện trên trần gian. Con Thiên Chúa lần đầu tiên đến Nhà Cha của Ngài. Giây phút Thánh Gia có mặt ở khuôn viên Đền Thờ là giây phút Thánh Thần mặc khải về Hài Nhi cho hai vị ngôn sứ. Si-mê-ôn và An-na vui sướng vì gặp thấy Đấng mà mình chờ đợi. Họ nhận ra Ngài là “vinh quang cho dân Ít-ra-en”, là “ánh sáng và ơn cứu độ cho muôn dân tộc” (Lc 2,31-33).

Ma-ri-a mang theo lễ vật cần cho việc thanh tẩy chính mình, đó là hai con bồ câu non: một làm lễ toàn thiêu, một làm lễ tạ tội. Thực ra, lễ vật của đôi vợ chồng không phải chỉ là đôi bồ câu. Họ mang theo một lễ vật quý hơn nhiều, đó là cậu con trai đầu lòng. Họ biết tất cả các con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, vì chính Ngài đã chỉ đánh phạt các con đầu lòng của người Ai-cập và tha cho các con đầu lòng của Ít-ra-en (Ds 3,13). Nhưng Hài Nhi Giê-su không phải là con đầu lòng bình thường. Ma-ri-a và Giu-se biết người con mình đang bồng ẵm là ai. Đây là Đấng Ki-tô của Đức Chúa (Lc 2,26), Đấng mà Ma-ri-a đã thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35). Đây là quà tặng của Đức Chúa cho dân Ít-ra-en và cho Thánh Gia.

Khi lên Đền Thờ, Giu-se và Ma-ri-a muốn dâng lại cho Đức Chúa quà tặng tuyệt vời này. Ông bà không muốn giữ Người Con này cho riêng mình. Người Con này thuộc về Đức Chúa và mãi mãi thuộc về Đức Chúa. Tin Mừng Lu-ca không nói rõ chuyện ông bà chuộc Chúa Giê-su bằng một số bạc nhỏ, để giữ Người làm con của mình (Ds 3,46-47), nhưng lại nhấn mạnh chuyện ông bà dâng Con cho Đức Chúa. Tuy dâng con trai đầu lòng không phải là một luật buộc, nhưng ông bà muốn làm vì lòng kính mến Chúa và cả hai đã muốn sống lễ dâng này suốt đời mình.

Mẹ Ma-ri-a đã không rút lại Người Con mình dâng cho Chúa. Đức Giê-su được tự do để sống như một lễ vật cho Cha. Năm mười hai tuổi, Giê-su đã ở lại Đền Thờ, nhà Cha của Cậu. Khi quá tuổi ba mươi, Đức Giê-su đã lên đường đi sứ vụ, để lại người mẹ ở nhà, không ai chăm nom. Khi Con bị đóng đinh trên thập giá để dâng mình như lễ vật lên Cha, Mẹ cũng dâng lễ vật là chính Người Con đang hấp hối của mình. Những gì cụ Si-mê-ôn nói hôm nay ở Đền Thờ, rồi Mẹ sẽ thấy được ứng nghiệm trọn vẹn (Lc 2,34-35). Con Mẹ sẽ bị người đời chống báng, có nhiều người bị vấp ngã và nhiều người được đứng lên. Dưới chân thánh giá, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ. Nỗi đau của Con Mẹ, Mẹ mang tất cả vào mình. Khi Đức Giê-su gục đầu, việc dâng Con của Mẹ mới được hoàn tất.

Trong lễ Thánh Tẩy, cha mẹ cần dâng con cho Chúa và mong con mình được thánh hiến để thuộc trọn về Chúa. Cả cuộc đời làm cha mẹ, họ nhiều lần phải làm lại việc dâng hiến này, lắm khi trong nước mắt, lắm khi trong bóng đêm, nhưng luôn tín thác, dù không hiểu hết kế hoạch của Chúa.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top