Chúa Nhật I Mùa Vọng - 01/12/2024

Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa - Lc 21,25-28.34-36:

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

Suy niệm:

Mùa Vọng là mùa chờ đợi, mùa chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, Lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa đã đến trần gian lần thứ nhất. Nhưng không chỉ có thế, Hội Thánh còn muốn dành Mùa Vọng để chờ ngày Quang Lâm, ngày Con Thiên Chúa sẽ đến trần gian này lần thứ hai. Bởi đó, cứ đầu Mùa Vọng, ta lại nghe bài đọc về việc Chúa trở lại trong quyền năng và vinh quang (Lc 21,27). Đó là ngày Nước Thiên Chúa đến hồi viên mãn (Lc 21,31), là ngày hội vui vì nhiều người được cứu chuộc (Lc 21,28). Ngày Chúa trở lại cũng là ngày tận thế (Lc 21,25-26).

Chúng ta không chỉ sống Mùa Vọng bốn tuần trong năm. Đời người Kitô hữu là một Mùa Vọng kéo dài, chờ những biến cố quan trọng và bất ngờ chưa xảy đến. Ngày nào Chúa Giêsu phục sinh chưa quang lâm để phán xét mọi người, cả kẻ sống và kẻ chết, thì ngày đó chiến thắng của Ngài chưa trọn vẹn và kẻ thù cuối cùng là sự chết chưa bị đập tan (1 Cr 15,26). Đức Giêsu dạy ta biết cách sống Mùa Vọng đời mình, đó là biết cách chờ. Chờ Chúa quang lâm, chờ Nước Chúa đến, chờ ngày tận thế, chờ được cứu chuộc. Ngài đòi ta phải giữ cho trái tim mình nhẹ nhàng. Có nhiều thứ vẫn đè nặng trái tim ta (Lc 21,34), như say sưa, phóng đãng, âu lo chuyện thế tục, khiến ta như cây lúa bị bóp nghẹt bởi gai góc, không thể lớn lên và sinh hạt (Lc 8,14). Nói chung, để có thể yên tâm đón Ngày Chúa đến, cần giải thoát mình khỏi những trói buộc của trần gian. Hơn nữa, còn cần giữ thái độ luôn luôn tỉnh thức và cầu nguyện để đủ sức vượt qua những biến động. Khi Con Người đến trong đám mây, làm sao ta có thể ra đón trong tư thế của người đang đứng? Đứng thẳng và ngẩng đầu là tư thế của người tôi trung, tự tin vì biết mình đã trung thành phục vụ chủ (Lc 21,28). Đứng vững trước mặt Con Người (Lc 21,36), hay đứng thẳng khi Con Người đến trong đám mây (Lc 21,28), tư thế đó ngược với thái độ lo âu, sợ hãi, chết khiếp của một số người trước những hiện tượng trong vũ trụ. Ngày tận thế là một ngày thật vui. Vui vì được thấy tận mắt Chúa Giêsu vinh quang ngự đến. Vui vì loài người được cứu độ trọn vẹn cả xác lẫn hồn. Vui vì toàn thể vũ trụ bắt đầu một giai đoạn mới.

Trong lịch sử, có khá nhiều đồn đoán về ngày tận thế. Nếu những lời đó đúng, thì tận thế đã đến cả trăm lần rồi. Nhiều tín hữu quên rằng chính Đức Giêsu đã nói: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết, cả các thiên sứ trên trời, cả Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Khi tin vào những đồn đoán vu vơ, có người nhẹ dạ đã bỏ công ăn việc làm, bỏ tài sản nhà cửa, tích trữ lương thực và ngồi chờ ngày tận thế. Chúng ta không khoanh tay chờ Chúa trở lại, nhưng chăm chỉ làm việc để Nước Chúa mau đến.

Chúa sẽ quang lâm vào ngày giờ nào ta không biết rõ. Điều ta biết rõ là chắc chắn Ngài sẽ quang lâm. Niềm tin vào việc Chúa trở lại sẽ chi phối cuộc sống. Biến cố tương lai ảnh hưởng từng chi tiết của đời hiện tại. Chúng ta cần nhận ra những dấu chỉ mới của thời đại để thấy Nước Thiên Chúa đang đến gần hơn mỗi ngày. Lòng không chút sợ hãi, nhưng thanh thản, bình an.

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Bài viết liên quan