Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên - 28/11/2024
Lời Chúa - Lc 21,20-28:
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.”
“Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.”
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
Suy niệm:
Theo Josephus, một sử gia người Do Thái đáng tin cậy, bốn quân đoàn của vị tướng Rôma là Titus đã vây hãm thành phố Giêrusalem vào lễ Vượt Qua năm 70, khiến người dân trong thành rơi vào cảnh đói khát cùng cực. Ông kể chuyện một phụ nữ quê ở Pêrêa vì quá đói đã túm lấy đứa con còn thơ dại, giết con và nướng để ăn. Cũng theo sử gia này, quân Rôma đã dùng gươm để giết hơn một triệu người ở Giêrusalem và Giuđê. Những người Do Thái bị bắt làm tù binh là gần một trăm ngàn. Ai có thể tưởng được điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra chỉ bốn mươi năm, sau khi Đức Giêsu nói những lời tiên báo.
Giêrusalem là thành trì vững chắc, nơi trú ẩn an toàn, bây giờ lại là nơi nguy hiểm, cần phải tránh xa (c. 21). Tai họa ập xuống trên phụ nữ mang thai và cho con bú (c. 23), trên cả tội nhân lẫn trẻ thơ vô tội. Thành đô đã bị bao vây, bị thiêu rụi, bị quân Rôma giày xéo. Dân thành bị ngã gục, bị đi đày, phải tản mác khắp nơi. Sự sụp đổ của thành đô đã là một biến cố trên đất Ítraen. Nhưng trước khi Đức Giêsu ngự đến trên mây trời như Con Người đầy quyền năng và vinh hiển (c. 27), sẽ có những dấu lạ đáng sợ khác trên bầu trời và ngoài biển cả (c. 25). Thánh Máccô nói đến hiện tượng mặt trời, mặt trăng mất sáng và các vì sao sa xuống từ trời (Mc 13, 24-25). Thánh Luca nói đến cảnh biển gào, sóng thét. Những điều đó làm muôn dân hoang mang, hồn xiêu phách lạc, nhưng không làm các môn đệ hoảng hốt, âu lo. Ngược lại, họ mừng vui vì Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến. “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c. 28). Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi. Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần.
Chỉ khi Đức Giêsu phục sinh trở lại như Đấng xét xử quyền năng, Ngài mới trọn vẹn hoàn thành Nước Thiên Chúa trên mặt đất. Vào cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế. Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa chan chứa niềm vui, ngày được gặp mặt Đấng chúng ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng. Người ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế. Nhiều người đã tưởng là năm 2000, rồi có người lại nói là 2012. Điều quan trọng là làm sao tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến, làm sao nhân loại trên trái đất này sẵn sàng ra nghênh đón Ngài như đón Đấng Cứu Tinh mà họ nóng lòng chờ đợi. Nếu ngày mai Ngài đến với cả thế giới hay đến với riêng mình tôi, tôi có sẵn sàng chưa hay còn bị còng lưng, cúi đầu vì bao gánh nặng? Mỗi người đều có ngày tận thế của mình. Xin cho tôi được bình an khi ngày ấy đến mà không có điềm lạ nào báo trước.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan