Chương 4 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Gio-an

Câu 1-3. Việc biết chuyện Đức Giê-su đã thu nạp được nhiều môn đệ và làm phép rửa cho họ chắc chắn không giúp những người Pha-ri-sêu đi theo Người, trái lại, chỉ khơi lên trong họ lòng đố kỵ và thúc đẩy họ ra tay bắt bớ Người, bởi nếu không, Chúa chúng ta đã không chọn cách rời khỏi miền Giu-đê. Do đó, Người đã rút lui về miền Ga-li-lê. Vì là Thiên Chúa, Người hoàn toàn có thể ở lại giữa họ một cách an toàn bằng quyền năng của mình; nhưng đã không làm như vậy. Bằng cách này, Người để lại một mẫu gương cho những tôi tớ trung thành của mình, dạy họ biết cách trốn chạy khỏi cơn thịnh nộ của những kẻ bắt bớ.

Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, phép rửa do các môn đệ Chúa Giê-su thực hiện hoàn toàn không có gì khác so với phép rửa của ông Gio-an, vì theo ngài, cả hai đều nhằm mục đích chuẩn bị để dân chúng sẵn sàng đón Chúa; cách hiểu này trái với quan điểm của Chân phước Alcuinô thành York.

Theo Thánh Tô-ma A-qui-nô: Ở đây, có thể một số người sẽ hỏi liệu Chúa Thánh Thần có được ban cho những người đã lãnh nhận phép rửa này không, vì người ta nói rằng Chúa Thánh Thần vẫn chưa được ban xuống một khi Chúa Giê-su chưa được tôn vinh? Về vấn đề này, chúng tôi trả lời rằng: Chúa Thánh Thần đã được ban cho họ, mặc dù không theo cách rõ ràng giống như những gì xảy ra sau biến cố Thăng Thiên; bởi lẽ Chúa Ki-tô, xét như con người, luôn có Chúa Thánh Thần ngự trong mình, nhưng sau khi chịu phép rửa của Gio-an, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người cách hữu hình dưới hình dáng chim bồ câu; như thế, trước khi Chúa Thánh Thần ngự xuống một cách rõ ràng và công khai, tất cả các thánh đều là đền thờ kín ẩn của Người.

Câu 5. thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se - X. St 48,22.

Câu 10-12. Chúa Giê-su đang nói tới nước hằng sống, tức là ân sủng của Thiên Chúa, nhưng người phụ nữ Sa-ma-ri lại hiểu theo nghĩa đen là nước trong giếng. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, chị nói rằng “tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp” vì người Sa-ma-ri nhìn nhận mình thuộc dòng dõi ông Áp-ra-ham, vốn là người Can-đê, và do đó, gọi ông Gia-cóp, cháu trai ông Áp-ra-ham, là tổ phụ. Còn theo thánh Bê-đa, chị nói như vậy vì người Sa-ma-ri cũng sống theo luật Mô-sê, trong khi sở hữu thửa đất mà ông Gia-cóp đã để lại cho con trai mình là ông Giu-se.

Câu 13. sẽ lại khát - Sau khi uống bất cứ loại nước hay bất cứ thức uống nào, con người sẽ lại khát theo tự nhiên; nhưng Chúa Ki-tô đang nói về thứ nước thiêng liêng là ân sủng ở đời này và vinh quang ở đời sau. Thứ nước ấy sẽ thỏa mãn hoàn toàn những khao khát của linh hồn bất tử nơi con người mãi mãi.

Câu 20. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa - Người Sa-ma-ri đã xây dựng một đền thờ trên núi Gơ-ri-dim và muốn đặt nó làm nơi thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Vì đã thấy Chúa Ki-tô biết rõ về cuộc đời mình, người phụ nữ tò mò muốn nghe xem Người sẽ nói sao về hai đền thờ và về sự thờ phượng khác nhau giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri. Theo sử gia Do-thái Josephus (Antiquities of the Jews, XII, ch. 1), dưới thời Pơ-tô-lê-mê Phi-lô-mê-tô (2 Mcb 4,21) làm hoàng đế Ai-cập, giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri đã xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa về tính ưu tiên của hai đền thờ, khiến họ phải đưa việc này cho nhà vua phân xử. Người Do-thái đã giành phần thắng khi họ tuyên bố đền thờ của mình là lâu đời hơn và có sự kế thừa liên tục chức tư tế cùng với việc thờ phượng qua nhiều thời đại.

Ở đây, người phụ nữ Sa-ma-ri hẳn có ý nói đến việc dâng hy lễ, vì việc thờ phượng vốn không bị giới hạn ở bất cứ địa điểm cụ thể nào. Trong 1 V 9,32 Sb 7,12, rõ ràng Thiên Chúa đã chọn đền thờ Giê-ru-sa-lem; nhưng người Sa-ma-ri đã chối bỏ tất cả các sách trong Cựu Ước ngoại trừ bộ Ngũ thư của ông Mô-sê. Sự ly giáo này khởi nguồn từ Mơ-na-se, một tư tế Do-thái giáo ly khai, em trai của thượng tế Giát-đu-a (Nkm 12,22), nhằm mục đích vừa có thể giữ lại người vợ bất hợp pháp [vốn được người Ba-tư gả cho ông ta vì lý do chính trị], vừa để đạt được chức vị cao trong nhóm ly giáo—điều mà ông ta không thể có được nếu tiếp tục hiệp nhất với các anh em trong hàng tư tế (Antiquities of the Jews, IX, ch. 8). Trong các cuộc ly giáo, điều mà chính Giáo Hội cũng gặp phải sau này, sự kế thừa liên tục chính là câu trả lời thỏa đáng.

Câu 22. Vì nắm rõ gốc gác dân Sa-ma-ri (2 V 17,24-41), Chúa Giê-su ưu tiên người Do-thái hơn họ, khi Người nói rằng ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Với người Do-thái, nguyên tắc hàng đầu với họ là nhìn nhận Thiên Chúa chân thật duy nhất và ghê tởm mọi thứ ngẫu tượng; trong khi người Sa-ma-ri, qua việc pha trộn sự thờ phượng Thiên Chúa với tế bái tà thần, đã chứng tỏ rõ ràng rằng họ không có gì tôn trọng Chúa Tể vũ hoàn hơn những ngẫu tượng câm của họ.

Câu 23. những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật - Việc thờ phượng ấy không bị giới hạn trong bất cứ đền thờ hay nơi chốn nào, nó chủ yếu ở trong thần khí mà không kèm theo vô số các loại hiến tế và nghi lễ như ngay cả người Do-thái đang thực hành. Chính Thiên Chúa, Đấng thuần túy thiêng liêng, mong muốn được con người thờ phượng như vậy, và họ sẽ được Đấng Mê-si-a dạy dỗ.

Ở đây, Chúa chúng ta tiên báo cho người phụ nữ rằng các hiến lễ ở cả hai đền thờ của người Do-thái và người Sa-ma-ri đều sẽ sớm chấm dứt và đưa ra cho chị ba chỉ dẫn:

1. Hiến lễ đích thực không còn bị giới hạn ở một nơi chốn hay bởi một dân tộc nào nữa, nhưng được dâng lên bởi tất cả các dân tộc, như lời của ngôn sứ Ma-la-khi (Ml 1,11);

2. Sự tôn thờ mang tính bày biện và trần tục bằng máu thịt các loài thú vật, vốn không có ân sủng, thần khí và sự sống ở nơi chúng, sẽ phải bị loại bỏ và thay thế bằng hiến lễ khác mà tự nó là vô hình, thiêng liêng, tràn đầy sự sống, thần khí và ân sủng;

3. Hiến lễ này phải là chính sự thật, trong khi tất cả các hiến lễ trước đây đều chỉ là hình bóng tượng trưng. Chúa Giê-su gọi hiến lễ đó là thần khí và sự thật, mà trong chương đầu tiên (c. 17) được gọi là ân sủng và sự thật.

Đây chính là lời tiên báo và diễn tả về hy lễ nơi Mình và Máu Chúa Ki-tô của toàn thể các tín hữu trong Giáo Hội; vì tất cả sự tôn thờ của Giáo Hội Công Giáo đều hoàn toàn thiêng liêng, dẫu cho bản tính nhân loại chúng ta đòi hỏi phải có những vật dụng bên ngoài kết hợp với nó, bởi nếu không có các các dấu chỉ và tác vụ bên ngoài, sẽ không thể có của lễ, các bí tích, lời nguyện, nhà thờ, hay các hội nhóm,...

Câu 25. Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến - Như thế, vào thời điểm đó, ngay cả người Sa-ma-ri cũng mong đợi sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a.

Câu 26. Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây - Chúa Ki-tô đã dùng cả lời nói và ân sủng kèm theo để giúp chị tin vào Ngài.

Câu 27. Các ông ngạc nhiên - Vì Chúa Giê-su đã khiêm nhường trò chuyện với một người phụ nữ nghèo, nhất là khi chị lại là một người Sa-ma-ri, đối tượng mà người Do-thái đương thời thường tránh tiếp xúc vì coi họ là phường vô đạo.

Câu 29. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao? - Người Sa-ma-ri tìm kiếm Đấng Mê-si-a vì họ tin vào Ngũ thư của ông Mô-sê, trong đó, ông Gia-cóp đã tiên báo: Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục (St 49,10). Và chính ông Mô-sê cũng đã xác nhận như vậy: Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy (Đnl 18,15).

Câu 34. Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy - Đó hẳn phải là thái độ của tất cả những ai quan tâm đến các linh hồn, trong tư cách là một thừa tác viên của Chúa Ki-tô và Giáo Hội.

Câu 35-38. Mùa gặt bội thu các linh hồn đang đến gần, khi Chúa Ki-tô xuất hiện để dạy cho loài người con đường cứu độ, và chính Người sẽ sai các tông đồ lên đường hoán cải muôn dân. Họ được thừa hưởng công lao của các vị ngôn sứ, nhưng với nhiều lợi thế và thành công lớn hơn. Các ngôn sứ đã gieo hạt để đưa con người đến với đức tin vào Chúa Ki-tô. Đó chính là mục đích của lề luật, là hoa trái mà các ngài mong đợi để kết làm triều thiên vinh quang. Ngoài ra, giống như sai các tông đồ, chính Chúa Ki-tô cũng đã sai các ngôn sứ đi trước họ; Cựu Ước và Tân Ước đều có chung một nguồn gốc và mục đích như nhau.

Chương 3
Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-caChú giải Sách Công Vụ Tông Đồ