Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca - Lược dịch từ cuốn Chú Giải Kinh Thánh của linh mục Công Giáo người Anh - George Leo Haydock (1774-1849). Trong quá trình dịch có bổ sung tri thức tham khảo từ một số học giả Công Giáo khác.
Nhập đề
Thánh Lu-ca, tác giả cuốn Tin Mừng này là một thầy thuốc, quê gốc ở An-ti-ô-khi-a, thủ phủ tỉnh Xy-ri thuộc đế quốc Rô-ma và là người thông thạo tiếng Hy-lạp - điều đã được thể hiện rõ qua các tác phẩm của ông. Trong một số bản thảo Kinh Thánh sơ khai, ông còn được gọi là Lucius và Lucanus. Có một số ý kiến phỏng đoán rằng lúc đầu ông là một người lương dân theo ngoại giáo và đã trở lại nhờ lời rao giảng của Thánh Phao-lô tại An-ti-ô-khi-a; trong khi những người khác cho rằng ông vốn là một người Do-thái và là một trong số bảy mươi hai môn đệ của Chúa Giê-su (Lc 10,1). Theo Thánh Hippolitus và Thánh Epiphanius, Thánh Lu-ca thuộc Nhóm Bảy Mươi Hai nhưng đã bỏ Chúa vì lời dạy của Người trong Ga 6,66; sau khi được nghe Thánh Phao-lô rao giảng, ông đã trở lại Đạo.
Tuy nhiên, bỏ qua những dữ kiện không chắc chắn, chúng ta biết rằng Thánh Lu-ca là một môn đệ, bạn đồng hành và là cộng sự viên của Thánh Phao-lô. Ông cũng được nhắc đến trong các thư tín của ngài như: 2 Cr 8,18; Cl 4,14; 2 Tm 4,11. Theo một số ý kiến, cụm từ “Tin Mừng tôi loan báo” (2 Tm 2,8; Rm 2,16) mà Thánh Phao-lô sử dụng chính là nói về Tin Mừng theo Thánh Lu-ca. Mặc dù vậy, nhà truyền giáo đã không chỉ viết Tin Mừng dựa vào lời Thánh Phao-lô - người chưa bao giờ thấy Chúa bằng xương bằng thịt, nhưng còn dựa vào lời của các tông đồ khác nữa, như chính ông đã nói ở phần lời tựa. Vì thế, cuốn Tin Mừng này được viết dựa theo những gì ông được nghe, trong khi cuốn Công Vụ Tông Đồ được viết dựa theo những gì chính ông đã quan sát. Một số người tin rằng cả hai tác phẩm đã được hoàn thành vào năm cuối cùng trong lịch sử Công Vụ, tức là khoảng năm 63. Tuy nhiên, theo ý kiến chung được chấp nhận ngày nay, Thánh Lu-ca đã viết cuốn Tin Mừng của mình tại A-khai-a vào khoảng năm 53, mười năm trước khi viết Công Vụ Tông Đồ, nhằm chống lại những câu chuyện thêu dệt hoang đường liên quan đến Chúa Giê-su mà một số người đương thời cố gắng sử dụng để lừa gạt thiên hạ. Theo cha Calmet, có vẻ như Thánh Lu-ca chưa từng đọc Tin Mừng của Thánh Mát-thêu và Thánh Mác-cô. Trong cuốn Tin Mừng của mình, ông thường nhấn mạnh đến những công việc liên quan đến chức vụ tư tế của Chúa Giê-su. Do đó, các bậc tiền nhân đã sử dụng hình ảnh con bò, lấy từ thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ed 1,10) để làm biểu tượng cho Tin Mừng Lu-ca với ngụ ý tượng trưng cho hy lễ.
Thánh Lu-ca sống đến 84 tuổi trong tình trạng độc thân trọn đời, ông bị đóng đinh tại Eloea, thuộc Peloponnesus, gần A-khai-a. Năm 357, theo lệnh của hoàng đế Constantius (337-361), hài cốt của thánh nhân đã được đưa về Nhà thờ các Tông đồ tại Constantinôpôli, cùng với hài cốt của Thánh An-rê và Thánh Ti-mô-thê. Khi nhà thờ này được sửa chữa theo lệnh của hoàng đế Justinian (482-565), những người xây cất đã phát hiện ra ba chiếc rương gỗ chứa hài cốt của ba vị thánh. Theo Hồng y Caesar Baronius (1538-1607), phần đầu của Thánh Lu-ca đã được Thánh Grêgôriô đưa về Rô-ma vào năm 586.
Nói về Tin Mừng Lu-ca, cuốn sách này được tác giả viết theo ngôn ngữ Hy-lạp thuần túy hơn so với các tác giả viết sách thánh khác. Tuy nhiên, nó cũng có một số từ Syriac hay lối diễn đạt mang những nét đặc trưng của ngôn ngữ La-tinh. Những trích dẫn Kinh Thánh mà Thánh Lu-ca sử dụng được lấy từ Septuagint chứ không phải từ bản văn Do-thái (Septuagint, hay Bản Bảy Mươi, là một bộ Kinh Thánh Cựu Ước theo tiếng Hy-lạp, được biên soạn từ thế kỷ III TCN và được sử dụng rộng rãi trong thời đại các tông đồ). Trong các thư tín của mình, Thánh Phao-lô thường trích dẫn Tin Mừng theo cách phù hợp nhất với Tin Mừng Lu-ca (ví dụ: 1 Cr 11,23-24; 15,5).
Chương 1
Câu 1. Thê-ô-phi-lô đáng kính - Tên gọi Thê-ô-phi-lô (Θεόφιλος [Theóphilos]) có nghĩa là “người yêu mến Chúa”, nhưng dựa vào từ “đáng kính”, chúng ta có thể hiểu rằng Thánh Lu-ca đang nhắc tới một nhân vật cụ thể nào đó; ở thời kỳ này, cách gọi như vậy thường dành cho một người có phẩm giá cao, chẳng hạn như tổng trấn Phê-lích (Cv 23,26) hay tổng trấn Phét-tô (Cv 26,25).
Câu 3. sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự - Ở đây, chúng ta thấy rằng mặc dù Chúa Thánh Thần đã điều chỉnh ngòi bút của các tác giả viết sách thánh để họ không mắc sai lầm, nhưng họ vẫn phải sử dụng các phương thế phàm nhân nhằm tìm ra sự thật của những điều mà họ kể lại. Điều này cũng xảy ra trong các Công đồng chung, khi Đức Giáo Hoàng sẽ cùng thảo luận với các vị Hồng Y, Giám mục,... và xem xét mọi vấn đề được đưa ra bằng phương thế phàm nhân, mặc dù các ngài có sự trợ giúp và hướng dẫn thiêng liêng của Thần Khí sự thật như Chúa Ki-tô đã hứa (Ga 16,13).
Câu 5. vua Hê-rô-đê - Trong Kinh Thánh Tân Ước có 3 ông vua cùng có tên là Hê-rô-đê bao gồm:
- Hê-rô-đê Cả (nhân vật đang nói tới) hay Hê-rô-đê Át-cơ-lôn (cung điện của ông ta nằm ở Át-cơ-lôn thuộc xứ Palestine) - là người đã ra lệnh giết các Thánh anh hài (Mt 2,16).
- Hê-rô-đê An-ti-pa, con trai của Hê-rô-đê Cả - là người đã khinh dể Chúa Giê-su (Lc 23,8) và cũng là người ra lệnh chém đầu Gio-an Tẩy Giả (Mt 14,3).
- Hê-rô-đê Ác-ríp-pa, con trai của A-rít-tô-bu-lô IV (con trai Hê-rô-đê Cả) - là người đã ra lệnh chém đầu Thánh Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và cho bỏ tù Thánh Phê-rô (Cv 12,1-3). Vua này là người kiêu căng, ngạo mạn và về sau đã bị thiên sứ đánh phạt, bị ròi bọ rúc rỉa (Cv 12,20-23).
tư tế thuộc nhóm A-vi-gia - Xem 1 Sb 24,10.
dòng tộc tư tế A-ha-ron - Cha của bà Ê-li-sa-bét thuộc dòng tộc A-ha-ron còn mẹ của bà có lẽ thuộc dòng tộc vua Đa-vít, giống như người em họ của bà là Đức Ma-ri-a.
Câu 6. Ở đây, có ba điều cần lưu ý: (1) Những người tốt lành biết tuân giữ mọi điều răn của Thiên Chúa, điều mà một số người hiện đại tuyên bố là không thể làm được. (2) Con người được công chính hóa không phải chỉ bởi sự công chính trong Đức Giê-su Ki-tô, cũng không phải chỉ bởi đức tin mà thôi, nhưng còn bởi làm theo các điều răn. (3) Việc tuân giữ và thực hành các điều răn cũng chính là trở nên công chính qua Đức Giê-su Ki-tô.
Câu 9. cuộc bắt thăm - Các tư tế Do-thái thường tổ chức bắt thăm để xác định người thực hiện các công việc tế tự khác nhau trong một tuần. Ở đây, ông Da-ca-ri-a được chọn để dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa (Xh 30,6-8).
Câu 10. toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài - Trong lúc vị tư tế dâng hương ở Nơi Thánh, dân chúng sẽ tập trung ở một khu vực bên ngoài gọi là “tiền đình cho người Ít-ra-en” để cầu nguyện (Xem thêm chú giải Mt 21,12).
Câu 12. nỗi sợ hãi ập xuống - Nỗi sợ hãi này xảy ra vì người Do-thái có quan điểm chung cho rằng phàm nhân sẽ chết ngay tức khắc khi nhìn thấy các thiên thần.
Câu 13. Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin - Theo Thánh Augustinô, chúng ta chớ lầm tưởng rằng trong lúc cầu nguyện cho toàn dân, ông Da-ca-ri-a lại xin Chúa cho bà Ê-li-sa-bét sinh con (bản thân ông vẫn tuyệt vọng về điều này); thay vào đó, ông cầu nguyện cho sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a mà dân Do-thái mong chờ. Và sứ thần Gáp-ri-en đã thông báo với ông rằng lời cầu nguyện đó đã được Thiên Chúa chấp nhận, Ngài sẽ ban cho ông một đứa con trai - người sẽ đi trước mở đường cho sứ vụ của Đấng Cứu Thế.
ông phải đặt tên cho con là Gio-an - Tên Gio-an này bắt nguồn từ tên Giô-kha-nan (יוֹחָנָן [Yôḥānān]) vốn rất quen thuộc trong Cựu Ước (1 Sb 3,15; 5,35-36; 12,5.13;...). Trong tiếng Do-thái, nó có nghĩa là “Thiên Chúa nhân hậu.”
Câu 14. hỷ hoan ngày con trẻ chào đời - Không chỉ những người Do-thái thời ấy cảm thấy vui mừng, mà Giáo Hội Công Giáo ngày nay cũng dành một Lễ trọng trong lịch phụng vụ để kỷ niệm Sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả vào ngày 24/06.
Câu 15. em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa - Sau khi thông báo với ông Da-ca-ri-a về niềm vui của nhiều người khi con trẻ chào đời, sứ thần Gáp-ri-en lại cho ông biết rằng em bé sẽ trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa. Em không phải là người cai trị một đế quốc, kẻ chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, hay một ông vua có quyền bắt vương hầu, khanh tướng và quần chúng phục tùng mình; nhưng em sẽ làm được điều vĩ đại hơn thế nhiều, đó là sống khiêm nhường trong hoang địa và rao giảng Nước Trời bằng trái tim nhiệt huyết và lòng can đảm mạnh mẽ. Em sẽ từ bỏ niềm vui của thế gian, chế ngự và khuất phục những đam mê, dục vọng của tính xác thịt; vì thế, rượu lạt rượu nồng của thế gian em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần (Từ chi tiết này, đã có một số nhà thần học phỏng đoán rằng mặc dù được thụ thai trong nguyên tội, nhưng trước khi đến thế gian, Gio-an Tẩy Giả đã được gột rửa hoàn toàn, vì Chúa Thánh Thần không thể đầy tràn trong một linh hồn tội lỗi được. Giáo Hội không khẳng định và cũng không bác bỏ lập luận này. Nhưng cho đến nay, chỉ có Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a là hai nhân vật duy nhất được xác định là vô nhiễm nguyên tội).
Câu 17. đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a - Gio-an Tẩy Giả sẽ là người đầu tiên báo trước việc Chúa Ki-tô đến để cứu chuộc nhân loại, giống như ngôn sứ Ê-li-a sẽ là người xuất hiện trước Thời cùng tận để báo trước việc Chúa Ki-tô quang lâm và phán xét thế gian (Ml 3,23).
làm cho lòng cha ông quay về với con cháu - (Ml 3,24) Điều này có thể được hiểu là: Trong khi ông Áp-ra-ham, ông Mô-sê và các vị ngôn sứ đang bị xúc phạm vì con cái mình (qua mặc khải, các ông biết rằng dân Ít-ra-en đã không còn tuân giữ Lề Luật và buông theo tội lỗi), thì nhờ biết họ đã trở lại sau lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả, các vị ấy sẽ cảm thấy vui mừng và lòng họ sẽ hòa thuận trở lại với con cháu. Vậy nên Chúa Giê-su đã nói với người Pha-ri-sêu rằng: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7).
Câu 18. Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? - Ông Da-ca-ri-a không nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa, nhưng ông không chắc về điều trái với lẽ tự nhiên mà sứ thần Gáp-ri-en nói, vì ông đã già và bà Ê-li-sa-bét cũng đã lớn tuổi.
Câu 19. Gáp-ri-en - גַבְרִיאֵל [Gaḇrīʾēl] - Tên gọi này có nghĩa là “sức mạnh của Chúa”, hay “Chúa là sức mạnh của tôi”. Các thiên thần đôi khi cũng được đặt tên riêng để đảm nhận các nhiệm vụ tương ứng với tên gọi của họ; ở đây, để chỉ định một thiên thần tuyên bố về vị Tiền hô, cũng như về chính Đấng Mê-si-a, sẽ không có ai thích hợp hơn là sứ thần Gáp-ri-en - người được gọi là quyền năng của Thiên Chúa: vì ngài đến để tuyên bố sự xuất hiện của Người sẽ tiêu diệt quyền lực ma quỷ và lật đổ vương quốc của chúng.
Câu 20. bởi vì ông đã không tin lời tôi - Ông Da-ca-ri-a không thể bào chữa cho việc không tin lời sứ thần, bởi lẽ ngài đã hiện ra ở Nơi Thánh trong lúc ông dâng hương và tuyên bố với ông nhiều điều liên quan đến ơn cứu chuộc và vinh quang của Thiên Chúa.
bị câm - Trong bản văn Hy-lạp, có vẻ ông vừa bị câm vừa bị điếc, vì trong câu 62, người ta đã phải ra hiệu cho ông khi đặt tên cho Gio-an Tẩy Giả.
Câu 23. ông trở về nhà - Trong thời gian phục vụ ở Đền Thờ, các tư tế tạm tách khỏi vợ mình và tới sống trong những ngôi nhà cạnh đó. Theo Thánh Bê-đa, vì người Do-thái trước đây chỉ truyền chức tư tế cho những người thuộc dòng dõi A-ha-ron, nên tư tế của họ cần phải lấy vợ sinh con. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta không còn tìm kiếm các linh mục trong cùng một dòng tộc nữa, vì thế, đã có quy định rằng các linh mục phải sống độc thân trọn đời, để họ có thể sẵn sàng phục vụ tại bàn thờ mọi lúc.
Câu 27. Ma-ri-a - Tên gọi Mi-ri-am hay Ma-ri-a được Thánh Giê-rô-ni-mô giải thích từ các từ nguyên khác nhau. Trong tiếng Do-thái, nó biểu thị “ngôi sao của biển”, và trong tiếng Can-đê, nghĩa là “quý bà”. Cả hai ý nghĩa này đều thể hiện một sự ngưỡng mộ với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, người là Nữ Vương Thiên Đàng, Đấng bảo trợ và Ngôi sao sáng dẫn đường của chúng ta giữa đại dương thế gian đầy bão tố.
Câu 28. đầy ân sủng - Giáo Hội Công Giáo gìn giữ bản dịch này, vốn đã được các Giáo phụ chấp nhận và đồng thuận với các bản Kinh Thánh tiếng Syriac và Ả-rập cổ đại. Do đó, không cần phải thay đổi nó thành “gracious” - “từ bi” như Erasmus, “freely beloved” - “rất đáng mến yêu” như Beza, hay “highly favoured” - “rất được sủng ái” như các dịch giả Tin Lành khác. Vì nếu bảy vị phó tế đầu tiên đã được “đầy Thần Khí” (Cv 6,3), Thánh Tê-pha-nô đã được “đầy Thánh Thần”, “đầy ân sủng và quyền năng” (Cv 7,55; 6,8); thì chẳng lẽ lại có ai đó cảm thấy phật ý trước lời chào như vậy dành cho người có diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa?
Đức Chúa ở cùng bà thông qua những ân sủng nội tâm; và bây giờ, lúc này đây, Người sắp trao cho bà phẩm giá cao nhất trong tất cả các phẩm giá, bằng cách làm cho bà thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Giáo Hội Công Giáo thường xuyên sử dụng những lời này của Tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en để tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô và Mẹ Người (Kinh Kính Mừng), vì chúng là những tin mừng đầu tiên báo hiệu sự Nhập thể của Chúa Ki-tô và Ơn cứu độ dành cho nhân loại; đồng thời, là bản tóm tắt và tổng hợp của toàn bộ Phúc Âm. Trong Giáo Hội Hy-lạp, chúng được sử dụng hàng ngày trong Thánh lễ (Phụng vụ của Thánh Gia-cô-bê và Thánh Gio-an Kim Khẩu).
Câu 29. Nghe lời ấy - bản văn Hy-lạp ghi là đã thấy. Như vậy, theo thánh Ambrôsiô, cũng có thể Mẹ Ma-ri-a đã thấy sự hiện diện của sứ thần Gáp-ri-en.
Câu 31. Có lẽ khi đọc câu này lần đầu tiên, chúng ta sẽ băn khoăn tự hỏi, rằng bằng cách nào mà Thiên Chúa Toàn Năng lại có thể ở trong cung lòng một con người? Nhưng chẳng phải mặt trời, mặc dù chiếu tỏa đến mọi nơi trên mặt đất, kể cả những nơi tăm tối, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn sự thuần khiết của nó hay sao? Hơn nữa, nếu Mặt Trời chân lý, giả như là một cơ thể thuần khiết, được hình thành từ dòng máu thuần khiết của một trinh nữ không chút tì ố, thì chẳng những không vướng phải một vết nhơ nào dù là nhỏ nhất, nhưng còn giúp tăng thêm sự thánh thiện cho Người Mẹ Đồng Trinh của mình (X. Tổng luận thần học, phần nói về mầu nhiệm Nhập thể và về Đức Trinh Nữ).
Câu 33. trị vì nhà Gia-cóp - Tức là những người Do-thái tin vào Chúa Ki-tô, điều này phù hợp với Rm 9,6.8.
triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận - Như vậy, vương quốc của Người không phải là một vương quốc ở trần thế, nhưng hoàn toàn thuần linh và vĩnh cửu.
Câu 34. “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” - Theo Thánh Augustinô, câu hỏi này chỉ có ý nghĩa nếu trước đó, Đức Ma-ri-a đã có một lời khấn đồng trinh trọn đời với Thiên Chúa. Ngoài ra, Thánh Grêgôriô thành Nyssa cho rằng không phải Mẹ tỏ ra nghi ngờ lời của sứ thần Gáp-ri-en, nhưng mong rằng việc ngài tiên báo sẽ không làm tổn hại tới lời khấn của mình. Việc nhấn mạnh vào sự trinh trắng này cũng cho thấy Mẹ coi trọng lời khấn ban đầu với Thiên Chúa hơn là lời hứa về một phẩm giá cao hơn.
Câu 35. Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà - Vì thế, Bà sẽ mang thai mà vẫn đồng trinh.
Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa - Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh được hòa hợp với bản tính nhân loại của chúng ta, nhưng đồng thời, vẫn duy trì là một Thiên Chúa không hề thay đổi; quả là đúng đắn khi nói rằng Thiên Chúa đã được sinh ra, Thiên Chúa đã đau khổ và đã chết vì chúng ta; do đó, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thực sự là Mẹ Thiên Chúa, hay Mẹ của Đấng thực sự là Thiên Chúa, mặc dù không phải mà Mẹ của thiên tính [Godhead]. Đây là những điều đã được Giáo Hội Công Giáo tuyên bố rõ ràng tại Công đồng Ê-phê-xô (431) nhằm bác bỏ dứt khoát lạc thuyết do Nestorius khởi xướng.
Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, chúng ta không nên tìm kiếm trật tự tự nhiên trong những điều siêu vượt thế giới tự nhiên. Nếu bạn hỏi: điều này sẽ được thực hiện như thế nào, vì tôi không hiểu gì cả? Vâng, chính sự thiếu hiểu biết của con người yếu đuối là thứ gợi ra câu hỏi đó trong tâm trí bạn. Nếu bạn không trong trắng, bạn sẽ không bao giờ được coi là xứng đáng với một mầu nhiệm lớn lao như vậy. Nguyên nhân không phải là vì hôn nhân tồi tệ, nhưng sự trinh khiết còn tuyệt vời hơn nhiều. Thiên Chúa của loài người, khi sinh ra trong xác phàm, dĩ nhiên phải có một cái gì đó là chung với tất cả chúng ta, nhưng Người vẫn sẽ có một điều gì đó khác biệt. Người được thụ thai và sinh ra từ lòng mẹ, nhưng Người khác chúng ta ở chỗ được sinh ra bởi một trinh nữ.
Câu 36. Trong Sách Xuất Hành, tư tế A-ha-ron (chi tộc Lê-vi) đã lấy bà Ê-li-se-va, em gái ông Nác-sôn (chi tộc Giu-đa) làm vợ (Xh 4,14; 6,23; Ds 1,7); trong số con cái vua Đa-vít, tư tế Giơ-hô-gia-đa đã lấy bà Giơ-hô-sáp-át, ái nữ vua Giơ-hô-ram thuộc cùng chi tộc (2 Sb 22,11b). Như vậy, qua nhiều thời đại, dường như hai chi tộc hoàng gia và tư tế đã được hợp nhất lại với nhau. Đức Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét cũng được xác định là họ hàng. Do đó, Chúa Giê-su Ki-tô chắc chắn đã được sinh ra từ cả hai chi tộc này, nói cách khác, Người vừa có chức vụ vương đế, vừa có chức vụ tư tế.
Câu 39. một thành thuộc chi tộc Giu-đa - Thành này có tên là Khép-rôn (Gs 21,11) và là nơi ở của các tư tế. Nó nằm ở vùng núi phía nam Giu-đa, cách Na-da-rét 120 dặm (khoảng 193 km).
Câu 41. đứa con trong bụng nhảy lên - Theo quan điểm chung của các nhà chú giải, hành động của hài nhi Gio-an vào thời điểm này không phải là tự nhiên, một số người nghĩ rằng Thiên Chúa đã ban cho Gio-an Tẩy Giả, ngay cả khi còn trong bụng mẹ, một tri thức tạm thời về sự hiện diện của Đấng Cứu Chuộc.
Câu 43. Thân Mẫu Chúa - Lời chứng nhờ Thánh Thần soi sáng của bà Ê-li-sa-bét cho thấy rằng Chúa Giê-su thực sự là Thiên Chúa và Đức Ma-ri-a thực sự là Mẹ Thiên Chúa.
Câu 63. Giống như Gio-an Tẩy Giả đã được đặt tên khi làm phép cắt bì, các dự tòng hoặc trẻ nhỏ trong Giáo Hội Công Giáo cũng nhận được một tên thánh khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Ngoài ra, giống như người Do-thái luôn rất coi trọng việc đặt tên cho con trẻ và không dành cho chúng những cái tên tùy tiện hay thô tục; trong Giáo lý của Công đồng Trentô, Giáo Hội đã quy định tên gọi mới dành cho những người chịu phép Rửa sẽ được lấy theo tên của các vị thánh hoặc những người thánh thiện, những người mà tên gọi sẽ gợi nhắc cho chúng ta về nhân đức tốt đẹp của họ.
Câu 69. Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta - Trong bản The New American Bible là “He has raised up a horn for our salvation” (Người đã cho mọc lên một chiếc sừng để cứu độ chúng ta). Trong Cựu Ước, hình ảnh chiếc sừng thường được dùng để chỉ sức mạnh và quyền năng. Đức Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, vì vậy, người được gọi là chiếc sừng cứu độ của nhà Đa-vít.
Câu 80. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en - Theo các nhà sử học Giáo Hội, Gio-an Tẩy Giả đã sống trong hoang địa cho đến năm 30 tuổi. Sở dĩ ông giấu mình lâu như vậy là vì lo ngại sự tàn ác của Hê-rô-đê. Mặc dù không phải công dân sống trong địa phận Bê-lem do ông ta cai quản, nhưng vì những chuyện khác thường xung quanh biến cố ra đời và được gọi là người mở đường cho Đấng Mê-si-a, Gio-an có lý do để dè chừng ông vua hay đố kỵ và đa nghi này.
Theo Thánh Phê-rô thành A-lê-xan-ri-a (?-311), Thánh Nicephorus (758-828), Hồng Y Baronius (1538-1607) và một số người khác, khi vẫn còn được mẹ ẵm trên tay, Gio-an Tẩy Giả đã được bà Ê-li-sa-bét đưa vào hoang địa và ẩn mình trong các hang động và khe đá, nơi người ta thường dùng để lẩn tránh kẻ thù.
Học giả George Cedrenus ở thế kỷ XI cho biết thêm rằng: sau 40 ngày của cuộc hành trình, bà Ê-li-sa-bét đã qua đời; sau đó, một thiên thần được cho là đã chăm sóc Gio-an Tẩy Giả; nhưng có lẽ phần lớn công việc này đã được thực hiện bởi những người hầu của bà.