Chương 13 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca

Câu 1. những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết - Đây có thể là những người theo Giu-đa Ga-li-lê (Cv 5,37), một nhân vật đứng đầu nhóm khởi loạn vào thời của Chúa Giê-su. Nhóm này phủ nhận nghĩa vụ nộp thuế của dân Chúa cho Xê-da, cũng như từ chối gọi hoàng đế bằng bất cứ danh hiệu “chúa” nào.

Câu 2. tội lỗi - Theo khuynh hướng tự nhiên, con người thường tin rằng việc gánh chịu các tai ương hay những điều bất hạnh đều là hậu quả do tội lỗi gây ra. Người Do-thái rất tin tưởng vào cảm nghĩ này, đó là điều có thể thấy rõ ở nhiều nơi trong Kinh Thánh, chẳng hạn như Ga 9,2-3. Ở đây, Chúa Giê-su đã xóa bỏ định kiến ấy khi Người tuyên bố rằng những người bị Phi-la-tô giết ngay tại bàn thờ phải chịu số phận như vậy không phải vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác. Bằng cách này, Người tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn kiên nhẫn ban thêm thời gian cho kẻ dữ để họ có cơ hội ăn năn hối cải, cũng như gửi xuống trên người lành những dấu chỉ rõ ràng về sự báo phục; qua đó, Người tôn vinh công phúc của người lành và dùng những tai họa họ gặp phải để làm gương cho kẻ dữ về những gì sẽ xảy ra nếu cứ tiếp tục phạm tội. Ở đây, không ai có thể trách móc Thiên Chúa rằng Người hành xử bất công. Khi để người công chính chịu đau khổ, Người sử dụng quyền thống trị tuyệt đối của mình trên các thụ tạo do chính Người dựng nên; qua sự dữ giáng xuống trên họ, người đem đến cho họ điều thiện đích thực. Và sự khoan dung của Người đối với kẻ dữ thường là kết quả của lòng thương xót, khi Người chờ đợi họ sám hối ăn năn; hoặc đôi khi, là hậu quả của sự thất vọng tột độ của Người trước tâm hồn tội lỗi và đáng lên án của họ, Người phán: “Ta sẽ nguôi ngoai và không còn giận dữ” (Ed 16,42). Đây chính là dấu hiệu khủng khiếp nhất trong cơn thịnh nộ cuối cùng của Người.

Câu 4. mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết - Như vậy, Đấng Toàn Năng có thể cho phép một số người bị trừng phạt để những người khác, nhờ nỗi e sợ trước sự việc đó mà trở nên đáng hưởng phúc Thiên Đàng. Nhưng có phải vì để tôi trở nên tốt hơn mà người khác bị trừng phạt? Không, người ấy bị trừng phạt vì tội riêng của họ, nhưng sự trừng phạt ấy lại trở nên phương thế đạt tới ơn cứu độ cho những ai chứng kiến (Thánh Gio-an Kim Khẩu, De Lazaro Concio 3).

Câu 5. nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy - Bốn mươi năm sau Cuộc Khổ Nạn của Chúa Ki-tô, người Rô-ma đã tới tấn công thành Giê-ru-sa-lem, phá hủy Đền Thờ và đổ máu người Do-thái bằng những cuộc tàn sát.

Câu 6-9. Theo Thánh Grêgôriô, mỗi con người, trong chừng mực giữ lấy một chỗ trong cuộc đời, nếu không sinh hoa trái là những việc lành, cũng sẽ giống như một thứ cây cằn cỗi chỉ làm hại đất; bởi lẽ vị trí của anh ta, nếu được trao cho một người khác, lại có thể trở thành nơi sinh hoa kết trái dồi dào.

Câu 24. tìm cách vào mà không thể được - Tức là những người mặc dù muốn được hưởng phúc Thiên đàng, nhưng lại không cất công tìm kiếm và không tha thiết thành tâm, cũng sẽ không đạt tới ơn cứu độ.

Câu 25. Ta không biết các anh từ đâu đến - Khi Đấng Toàn Năng từ bỏ ai đó, Người sẽ nói rằng mình không biết họ: điều này xảy ra theo cùng một cách mà những người yêu mến sự thật nói rằng mình không biết nói điều giả trá và nhất quyết không làm điều đó vì tình yêu mà họ dành cho sự thật.

Câu 26. Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi - Câu này của Chúa Giê-su chủ yếu nhắm tới người Do-thái, bởi lẽ xét theo huyết thống, Người đã được sinh ra giữa họ, đã ăn uống cùng với họ và đã giảng dạy cách công khai trên các đường phố của họ; tuy nhiên, một đối tượng khác nữa cũng được nhắm tới, đó chính là các Ki-tô hữu chúng ta, những người đã được ăn uống Mình Máu Chúa Ki-tô trong bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày và đã được nghe lời giảng của Người vang lên trên những nẻo đường tâm hồn của chúng ta.

Câu 30. có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót - Theo Thánh Bê-đa Khả Kính, hai hình ảnh tương phản này đại diện cho một bên là những người sốt sắng nhiệt thành lúc ban đầu nhưng rồi dần trở nên khô khan nguội lạnh, và bên kia là những người tuy ban đầu long chai dạ đá, nhưng sau đó lại được hoán cải và nhân đức giúp họ bừng sáng lên. Cũng vậy, có những người ở đời này phải chịu sự khinh miệt của thế gian, nhưng đời sau lại được đầy tràn vinh quang và danh dự; có những người đời này sống trong những tiếng tung hô của kẻ khác, nhưng rồi lại phải trầm luân hỏa ngục đời đời.

Câu 32. Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này - Chúng ta có thể lấy làm ngạc nhiên trước những lời giận dữ này của Đức Giê-su, những lời lẽ gây bất lợi cho Ngài và chỉ khiến Hê-rô-đê bực bội một khi chúng lọt tới tai ông ta. Nhưng có lẽ Ngài làm vậy là để người Pha-ri-sêu biết rằng Ngài không hề run sợ trước nhân vật mà họ lấy ra nhằm dọa dẫm, bắt Người phải im lặng và rút lui; bởi lẽ, ở đây, có thể những người Pha-ri-sêu đã dựng nên một câu chuyện hư cấu về việc Hê-rô-đê muốn giết Ngài.

Chương 12Chương 14
Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mác-côChú giải Tin Mừng theo Thánh Gio-an