Chú giải Tin Mừng theo Thánh Gio-an

Chú giải Tin Mừng theo Thánh Gio-an - Lược dịch từ cuốn Chú Giải Kinh Thánh của linh mục Công Giáo người Anh - George Leo Haydock (1774-1849). Trong quá trình dịch có bổ sung tri thức tham khảo từ một số học giả Công Giáo khác.


Nhập đề

Thánh Gio-an tông đồ, nhà truyền giáo, tác giả cuốn Tin Mừng này, sinh ra tại làng Bết-sai-đa thuộc miền Ga-li-lê, là con trai ông Dê-bê-đê và bà Sa-lô-mê. Công việc ban đầu của ngài là hành nghề ngư phủ. Chúa chúng ta đã đặt cho Thánh Gio-an và anh của ngài, Thánh Gia-cô-bê, cái tên bô-a-nê-ghê, hay con của thiên lôi, có lẽ vì sự nhiệt thành cao độ của họ và vì họ đã xin Ngài cho phép gọi lửa từ trời xuống để thiêu rụi một làng của người Sa-ma-ri vì đã không chịu đón tiếp Thầy mình.

Thánh Gio-an được cho là người trẻ nhất trong số các tông đồ vào thời điểm được Chúa Giê-su kêu gọi, ở độ tuổi không quá 25 hoặc 26. Các Giáo Phụ dạy rằng ngài đã sống độc thân trọn đời. Nhận được một sự quan tâm đặc biệt từ Chúa, chính Gio-an là người đưa ra lời chứng rõ ràng nhất về những gì đã diễn ra khi Thầy trút hơi trên thập giá và phó thác việc phụng dưỡng Mẹ mình lại cho môn đệ. Ngài là vị tông đồ duy nhất không rời bỏ Thầy Chí Thánh trong cuộc khổ nạn và giây phút cuối cùng. Dưới triều đại hoàng đế Domitian, ngài bị điệu đến Rô-ma và bị ném vào vạc dầu sôi, nhưng đã thoát nạn cách lạ lùng mà không hề chịu thương tích. Sau đó, ngài bị đày đến đảo Pát-mô, nơi thánh nhân viết Sách Khải Huyền, và theo một số người, cả cuốn Tin Mừng mà chúng ta đang đọc.

Trong Phúc Âm của mình, Thánh Gio-an bỏ qua rất nhiều sự kiện và tình tiết chính được đề cập bởi ba nhà truyền giáo khác, như thể độc giả của ngài đã được chỉ dẫn cách đầy đủ về những điểm mà ngài ngầm chấp nhận. Có một sự đồng thuận chung cho rằng Thánh Gio-an đã xem và chấp nhận cả ba cuốn Tin Mừng khác. Thánh Denis thành A-lê-xan-ri-a tìm thấy trong Tin Mừng Gio-an sự tao nhã và chính xác của ngôn ngữ không chỉ trong việc chọn lựa và phân bổ các phần diễn đạt, nhưng còn trong phương thức lập luận và xây dựng nội dung của người viết. Ngài nói rằng chúng ta không thấy ở Tin Mừng Gio-an những gì là hoang dã và không phù hợp, thậm chí không có gì thấp kém và thiếu thẩm mỹ, đến mức dường như Chúa không chỉ ban cho thánh nhân ánh sáng và tri thức, nhưng còn cả phương thế là sự hoàn thiện xuất sắc các quan niệm của mình.

Văn phong của Gio-an cho thấy ngài rất muốn tận dụng những lợi thế có được từ một nền giáo dục uyên bác: tuy nhiên, yếu điểm này lại được bù đắp cách thỏa đáng nhờ sự đơn giản không gì sánh kịp mà ngài dùng để diễn đạt những chân lý cao siêu nhất, nhờ ánh sáng siêu nhiên, nhờ chiều sâu của những mầu nhiệm, nhờ sự tuyệt diệu của vấn đề, nhờ sự vững chắc trong tư tưởng và giá trị của những chỉ dẫn ngài đưa ra. Chúa Thánh Thần, Đấng đã chọn Gio-an và ban cho thánh nhân sự khôn ngoan phú bẩm, là Đấng siêu vượt triết lý phàm nhân và thuật hùng biện. Nơi ngài, khả năng truyền ánh sáng và xác tín vào tâm trí, cũng như khả năng truyền sự ấm áp vào con tim, đều ở một mức độ cao hơn cả. Ngài chỉ dẫn, khai mở và thuyết phục mà không cần đến sự trợ giúp của nghệ thuật hay tài hùng biện.

Trong truyền thống, Thánh Gio-an được so sánh cách đích đáng với hình ảnh của một chú đại bàng, bởi lẽ trong lần cất cánh đầu tiên, ngài đã bay lên trên tất cả những gì là trần thế và không dừng lại cho tới khi chạm đến ngai vinh hiển của Đấng Toàn Năng. Thánh Ambrôsiô nói rằng văn phong của ngài đầy nét châm ngôn, ngài mang đến cho chúng ta nhiều mầu nhiệm dưới dạng ngôn từ. Từ Pát-mô, thánh nhân trở về Ê-phê-sô sau khi mãn hạn lưu đày và qua đời tại đó. Người ta nói rằng cuốn Tin Mừng nguyên bản của ngài đã được lưu giữ trong nhà thờ Ê-phê-xô cho đến thế kỷ VII, hay ít nhất là cho đến thế kỷ IV; vì Thánh Phê-rô thành A-lê-xan-ri-a (?-311), đã trích dẫn nó trong các tác phẩm của ngài.

Trong Thư quy Tân Ước của Giáo Hội Công Giáo, ngoài cuốn Tin Mừng, Thánh Gio-an còn là tác giả của Sách Khải Huyền và ba thư tín khác. Các Giáo Phụ xa xưa đã gọi ngài là Nhà thần học: một danh hiệu tương xứng với cuốn Tin Mừng của ngài, mà đặc biệt là chương đầu tiên. Giám mục Polycratus thành Ê-phê-xô cho chúng ta biết rằng, dưới tư cách là linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô, Thánh Gio-an đã đeo trên trán mình một tấm huy hiệu bằng vàng để tôn vinh chức vụ tư tế của luật mới, cũng như để noi theo truyền thống của các thượng tế Do-thái xưa (x. Xh 28,36).

Về phần Tin Mừng Gio-an, nó được viết bằng Tiếng Hy-lạp vào khoảng cuối thế kỷ I thể theo thỉnh cầu từ các Giám mục ở Tiểu Á nhằm chống lại những người theo lạc thuyết của Cerinthus và phái Ebionite, cũng như những kẻ lạc giáo, hay những tên phản Ki-tô, theo cách gọi của Thánh Gio-an (1 Ga 4,3), những người chủ trương rằng Chúa Giê-su chỉ là một người phàm không có hiện hữu trước khi được sinh ra bởi Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a.


Chương 1

Câu 1. Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời - Ngôi Lời hằng hữu, Đức Khôn Ngoan không bởi tạo thành, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh, hay Con Một của Chúa Cha, là Đấng đồng bản tính và bản thể, cùng là một Thiên Chúa với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người là Đấng hằng hữu cùng Chúa Cha, nên không có lúc khởi đầu nào mà trước đó, Người không hiện hữu. Khi mọi vật đi vào hiện hữu nhờ sáng tạo, thì Người đã hiện hữu rồi.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa - Tức là Người hiện hữu cùng Chúa Cha, hay như câu 18 diễn tả, Người hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. Điều này ngụ ý rằng Người thực sự là một Ngôi Vị phân biệt với Chúa Cha, nhưng đồng bản tính và bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Câu 2 cũng lặp lại điều này, thể theo một lối trình bày rất thường xuyên xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an.

và Ngôi Lời là Thiên Chúa - Trong tiếng Hy-lạp, lời là λόγος [logos], một từ ngụ ý không chỉ lời nói bên ngoài, nhưng còn cả lời nội tâm, hay tư tưởng, và ở đây, nó được hiểu theo nghĩa thứ hai. Triết gia Philo, một người sống ở thời đại các Tông đồ, đã dùng logos để nhân cách hóa sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Theo cùng một phép hoán dụ, Chúa Giê-su cũng được gọi là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống, và Sự Phục Sinh. Ở đây, tính vĩnh cửu và thần tính của Ngôi Hai đã được được thiết lập cách hiển nhiên rõ ràng, hay chúng ta phải nói rằng ngôn ngữ giờ đây đã không còn chỉ mang lấy một ý nghĩa bất động nữa, và rằng việc thiết lập bất cứ quan điểm [riêng tư] nào từ những lời trong Thánh Kinh cũng là điều không thể.

Câu 3. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành - Câu này có nghĩa rằng mọi hữu thể thụ tạo dưới thế đã được tạo thành, hay đã đi vào hiện hữu, dù hữu hình hay vô hình, đều được tạo thành, làm ra và sáng tạo nên bởi Ngôi Lời Hằng Hữu, hay bởi Con Thiên Chúa. Tuyên bố tương tự cũng đúng khi nói về Chúa Thánh Thần; mọi thụ tạo đều được làm ra, sáng tạo nên và bảo tồn như nhau bởi ba Ngôi Vị Thần Linh, bởi Nguyên nhân đích đáng, chính yếu và hữu hiệu của chúng, theo cùng một cách thức và nhờ cùng một hành động: không phải bởi Chúa Con theo bất cứ cách thức nào thấp kém hơn Chúa Cha, cũng không phải Chúa Con làm ra vạn vật theo nghĩa thừa tác và hành động chỉ như một thừa tác viên và khí cụ của Chúa Cha, giống như những người theo học thuyết của Arius đề xướng. Trong mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa duy nhất nhưng có ba Ngôi Vị phân biệt, nếu chúng ta suy xét đến những sự nhiệm xuất vĩnh cửu và các đặc tính ngôi vị, thì Chúa Cha là Ngôi Thứ Nhất, nhưng không phải “nhất” bởi một sự hiện hữu trước hai Ngôi Vị khác về mặt thời gian, hay một sự ưu tiên nào đó về phẩm giá; cả ba Ngôi Vị Thần Linh đều vĩnh cửu, hay đồng vĩnh cửu, ngang bằng nhau trong mọi sự hoàn hảo, nên một về bản tính, bản thể, cùng quyền năng và cao cả như nhau: nói tắt một lời, ba Ngôi là một và cùng một Thiên Chúa. Chúa Cha được gọi là Ngôi Thứ Nhất không phải theo một nghĩa nào khác, nhưng bởi vì Ngài không nhiệm xuất từ ai hay từ Ngôi Vị nào; Chúa Con là Ngôi Hai được sinh ra và nhiệm xuất từ Chúa Cha trong tính vĩnh cửu, Ngài hiện đang nhiệm xuất và sẽ nhiệm xuất từ Cha theo cách vĩnh cửu; cũng vậy, Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa cũng nhiệm xuất mà không có khởi đầu, Ngài hiện đang nhiệm xuất và sẽ nhiệm xuất mãi mãi từ cả Chúa Cha và Chúa Con. Tuy nhiên, khi chúng ta suy xét và nói về bất cứ thụ tạo nào, về bất cứ thứ gì được tạo thành, hay những thứ có một khởi đầu, thì mọi sự đều đã được sáng tạo trong thời gian và cùng được bảo tồn bởi Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo cách không gì kém hơn so với Chúa Cha. Vì lý do này, Thánh Gio-an nói lại với chúng ta trong câu 10 rằng “thế gian đã nhờ Người mà có”. Và theo Thánh Phao-lô, “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình” (Cl 1,15-16). Theo Isaac Mauduit (1662-1718), “Ngôi Lời là Nguyên nhân, hay Nguyên lý, hành động cách ngoại tại lên khoảng không hư vô, nhằm đem tới hiện hữu cho mọi thụ tạo,” trong khi trước sáng tạo, không có khoảng không hư vô nào. Theo Tertulianô, “trước khi có vạn vật, Thiên Chúa đã hiện hữu, và Ngài cũng là vũ trụ, không gian và vạn vật đối với chính Ngài” (Adversus Praxeam 5). Tương tự như vậy, theo Thánh Augustinô, “Trước khi dựng nên trời đất,... Thiên Chúa ở trong chính Ngài, với chính Ngài, và Ngài hiện hữu với chính Ngài” (x. Enarrationes in Psalmos 122).

Câu 4. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống - Bởi vì Ngài ban sự sống cho mọi thụ tạo có sinh khí, hay như Maldonatus chú giải, vì Ngài là tác giả của ân sủng, vốn là sự sống tinh thần của các linh hồn.

sự sống là ánh sáng cho nhân loại - Chúng ta có thể hiểu sự sốngánh sáng ở đây theo hai nghĩa, hoặc là sự sống của một linh hồn có lý trí với sự hiểu biết mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể nhân loại, hoặc là sự sống tinh thần với ánh sáng ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi Ki-tô hữu.

Câu 5. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối - Có nhiều người hiểu ánh sáng ở đây là ánh sáng của lý trí mà Thiên Chúa đã ban cho mọi con người hầu đưa họ đi tới tri thức về Ngài nhờ các hiệu quả hữu hình từ sự Quan phòng của Ngài trong thế giới.

và bóng tối đã không diệt được ánh sáng - Chữ “diệt” ở đây trong bản Kinh Thánh Tiếng Hy-lạp là κατέλαβεν [katélaben], động từ ở thể dành cho ngôi thứ ba số ít của καταλαμβάνω [katalambánō] với hai ý nghĩa chính là nắm bắt [bằng tâm trí], hay hiểu; và bắt kịp, vượt qua. Sở dĩ như vậy là vì con người, bị mù lòa bởi các đam mê, sẽ không thể đạt tới ánh sáng của lý trí. Hoặc theo cách chú giải của Maldonatus, ánh sáng của ân sủng chiếu tỏa tới mọi người, nhưng các tội nhân đắm chìm trong tội lỗi sẽ tìm cách bịt mắt mà không muốn thấy.

Cau 10. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người - Một số người hiểu câu này theo nghĩa rằng Chúa Ki-tô xét là Thiên Chúa, đã hiện hữu từ muôn đời, đã làm ra và cai quản vạn vật, nhưng thế gian tội lỗi đã không nhận biết và thờ phượng Người. Trong khi số khác hiểu rằng Con Thiên Chúa đã xuống thế làm Người, nhưng thế gian đã không đón nhận và tin vào Người.

Câu 11. người nhà chẳng chịu đón nhận - Câu này có thể được hiểu đang nói về dân Do-thái, vì xét như một người phàm, Chúa Giê-su xuất thân từ dân Do-thái. Đàng khác, nó cũng có thể được hiểu là nói về dân ngoại, những người than khóc trong bóng tối và mong chờ mặt trời công chính mọc lên chiếu tỏa, nhưng rồi cũng không đón nhận Người. Ngoài ra, những từ mặc dù có vẻ chung chung như vậy cũng nên được hiểu theo nghĩa giới hạn. Vì không ít người Do-thái và dân ngoại, dù chỉ chiếm thiểu số, cũng đã tin và đón nhận Chúa Giê-su.

Câu 12. trở nên con Thiên Chúa - Tức là trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ đức tin và sự tái sinh về tinh thần trong Phép Rửa, nhưng không phải Con Thiên Chúa theo nghĩa huyết thống như Chúa Giê-su.

Câu 14. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta - Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, với tất cả tính vĩnh cửu, khi thời gian tới hồi viên mãn, đã trở nên xác phàm, tức là trở nên người qua một sự kết hiệp thực sự và thể lý của Ngôi Vị Thần Linh (nơi bản tính thần linh không thể tách rời) với bản tính nhân loại của chúng ta, với một linh hồn và một thể xác nhân loại—trong cung lòng và bởi bản thể—của Người Mẹ đồng trinh. Từ giây phút nhập thể của Chúa Ki-tô, như những gì mà các Ki-tô hữu được dạy phải tin, Đấng là Thiên Chúa hằng hữu đã trở nên người thật. Trong Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, chúng ta tin rằng một Ngôi Vị Thần Linh đảm nhận hai bản tính và hai ý chí, một thần linh, một nhân loại; nhờ sự kết hiệp bản thể, một và cùng một Ngôi Vị trở nên Thiên Chúa thật và người thật, chứ không phải có hai ngôi vị, hay hai người con, như những người theo học thuyết của Nestorius chủ trương. Nhờ sự kết hiệp này và một sự thông truyền tương hỗ các tính chất của mỗi bản tính, quả đúng khi nói rằng Con Thiên Chúa, mặc dù vẫn giữ nguyên là một Thiên Chúa, đã trở nên người; vì thế, Thiên Chúa đã thực sự được cưu mang và được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, đấng mà nhờ đó, thực sự là Mẹ Thiên Chúa: Thiên Chúa đã được sinh ra, đã chịu đau khổ và đã chết trên thập giá để chuộc tội và cứu độ chúng ta. Theo cách thức này, Ngôi Lời đã làm người, đã ở trong chúng ta, hay ở giữa chúng ta, nhờ sự kết hiệp bản thể với bản tính nhân loại của chúng ta, không phải chỉ theo nghĩa luân lý, không phải theo cách thức giống như nói Thiên Chúa ngự trong một đền thờ, cũng không phải như Ngài hiện hữu trong các tôi tớ Ngài nhờ một sự kết hiệp về tinh thần và thông truyền các ân sủng thần linh, nhưng bởi một sự kết hiệp thực sự mà trong đó, một và cùng một Ngôi Vị đồng thời vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.

Câu 16. tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác - Trước khi Đấng Mê-si-a đến, mọi người đều nhận được ánh sáng của lý trí. Người Hy-lạp có triết học của họ, còn người Do-thái có lề luật và các ngôn sứ. Tất cả những điều đó đều là ân sủng và ân huệ được tặng ban bởi Thiên Chúa, Đấng là tác giả của mọi điều tốt lành. Tuy nhiên, khi Ngôi Lời trở nên người phàm, Thiên Chúa đã thực hiện một sự ban phát ân sủng mới. Ngài đã ban ánh sáng đức tin, khiến Tin Mừng về Ơn cứu độ được loan báo cho mọi người; Ngài đã mời gọi mọi dân tộc đến với đức tin và tri thức về sự thật. Như vậy, Ngài đã ban cho chúng ta hết ơn này đến ơn khác, nhưng ơn thứ hai thì lớn hơn, tuyệt hơn và phong phú hơn ơn thứ nhất rất nhiều. Câu 17 dường như ngụ ý rằng Lề Luật là ân sủng thứ nhất, còn Tin Mừng là ân sủng thứ hai. Tương tự như thế, Rm 1,17 nói rằng người Do-thái được dẫn dắt từ đức tin đến đức tin; từ đức tin vào Thiên Chúa và luật Mô-sê đến đức tin vào Tin Mừng do Chúa Giê-su rao giảng.

Chương 2
Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-caChú giải Sách Công Vụ Tông Đồ