Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mác-cô

Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mác-cô - Lược dịch từ cuốn Chú Giải Kinh Thánh của linh mục Công Giáo người Anh - George Leo Haydock (1774-1849). Trong quá trình dịch có bổ sung tri thức tham khảo từ một số học giả Công Giáo khác.


Nhập đề

Thánh Mác-cô, tác giả cuốn Tin Mừng này là người tóm tắt Tin Mừng Mát-thêu (theo cách gọi của Thánh Augustinô), là môn đệ và thông ngôn của Thánh Phê-rô (theo Thánh I-rê-nê), là người mà Thánh Phê-rô gọi là con trong 1 Pr 5,13 (theo học giả Ôrigiênê và Thánh Giê-rô-ni-mô).

Cha Stilting (?-1762), một linh mục Dòng Tên thuộc Hội Bollandist, đồng quan điểm với Thánh Giê-rô-ni-mô và một số người khác, cho rằng Thánh Mác-cô và ông Gio-an cũng gọi là Mác-cô, em họ ông Ba-na-ba (Cv 12,12; Cl 4,10) là cùng một người. Đây cũng là quan điểm chung của Giáo Hội ngày nay.

Tuy nhiên, ở thời đại của cha Haydock, có ý kiến cho rằng đó hai người khác nhau, bởi ông Gio-an Mác-cô là môn đệ của Thánh Phao-lô, bạn đồng hành với Thánh Ba-na-ba và đã ở cùng với Thánh Phao-lô tại An-ti-ô-khi-a, trong khi Thánh Mác-cô ở cùng với Thánh Phê-rô tại Rô-ma hoặc A-lê-xan-ri-a. Đây là ý kiến của học giả Êu-sê-bi-ô và Hồng y, nhà sử học Giáo Hội Caesar Baronius (1538-1607).

Theo Jacobus Tirinus, Thánh Mác-cô không nằm trong số bảy mươi hai môn đệ của Chúa Giê-su (Lc 10,1) vì Thánh Phê-rô gọi ông là con, nghĩa là ông đã trở lại Đạo sau cái chết của Chúa. Nhưng Thánh Epiphanius thì đảm bảo với chúng ta rằng Thánh Mác-cô thuộc Nhóm Bảy Mươi Hai nhưng đã bỏ Chúa vì lời dạy của Người ở Ga 6,66. Sau khi Chúa Phục Sinh, ông trở lại nhờ lời rao giảng của Thánh Phê-rô.

Tin Mừng theo Thánh Mác-cô được nhà truyền giáo viết bằng tiếng Hy-lạp thể theo yêu cầu của người Rô-ma và được Thánh Phê-rô duyệt lại trước khi cho phép nó được đọc trong các buổi họp cộng đoàn. Do đó, theo học giả Tertullianô, có một số người đã gán Tin Mừng này cho Thánh Phê-rô.

Tin Mừng Mác-cô được liên kết với Tin Mừng Mát-thêu và thường có cùng một cách diễn đạt ở nhiều chi tiết, nhưng đã được bổ sung hoàn cảnh cụ thể và thay đổi thứ tự các trình thuật theo hướng tương đồng với Tin Mừng Lu-ca và Gio-an. Có hai dữ kiện trong Tin Mừng Mác-cô không được Thánh Mát-thêu đề cập là: Tiền dâng cúng của bà góa nghèo (Mc 12,41-44) và việc Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường đến làng Em-mau (Mc 16,12-13). Ngoài ra, Tin Mừng này bổ sung một số phép lạ của Chúa (Mc 1,40; 7,32; 8,22-26) nhưng cũng thiếu đi nhiều chi tiết có trong Tin Mừng Mát-thêu. Tuy nhiên, không có điều gì chứng minh rõ ràng rằng nhà truyền giáo đã sử dụng Tin Mừng Mát-thêu khi biên soạn, như quan điểm của tu sĩ Dom Remy Ceillier O.S.B. (1688-1761) và một số người khác. Các chi tiết trong Tin Mừng Mác-cô được trình bày ngắn gọn, súc tích với ngòi bút bình dị và thanh thoát.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng điểm kết thúc ban đầu của Tin Mừng Mác-cô trong các bản Kinh Thánh cổ là câu 8, chương 16, với việc các phụ nữ ra khỏi mộ, chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết víachẳng nói gì với ai, vì sợ hãi. Phần nội dung từ câu 9 đến câu 20 chỉ xuất hiện trong các bản sao Kinh Thánh về sau. Trong một bản sao Tiếng Armenia được viết vào năm 968, phần phụ lục này được gán cho một linh mục có tên là Ariston, nhân vật được coi là cùng một người với Giám mục Ariston thành Xi-miếc-na, môn đệ và người đồng hành của Thánh Gio-an Tông Đồ, như thánh Papias thành Hiêrapôli từng đề cập. Bỏ qua những dữ kiện không chắc chắn về quyền tác giả của Mc 16,9-20, Công đồng Trentô xác định rằng mọi cuốn sách trong Thư quy Thánh Kinh của Giáo Hội, cũng như mọi phần nội dung trong mỗi cuốn, đều là thánh thư, tức là được viết ra nhờ linh hứng (Council of Trent, Session IV).

Về cuộc đời Thánh Mác-cô, có một điều chắc chắn là ông đã được Thánh Phê-rô sai tới Ai-cập và đã được ngài bổ nhiệm làm Giám mục A-lê-xan-ri-a, thành phố lớn thứ hai trong đế quốc Rô-ma, chỉ sau thủ đô Rô-ma. Thông tin này được cung cấp và đảm bảo bởi học giả Êu-sê-bi-ô, Thánh Giê-rô-ni-mô và một số người khác. Trong những năm sau đó, ông tiếp tục chức vụ Giám mục của mình tại Giáo hội phồn thịnh này với sự khôn ngoan, nhiệt thành và thánh thiện. Ngày 24 tháng 4 năm 68, khi đang dâng lễ tại bàn thờ, ông bị những kẻ bắt bớ tới trói lại và điệu đi, kéo lê khắp phố phường A-lê-xan-ri-a. Ông chịu tử đạo ngày hôm sau, 25 tháng 4 năm 68, dưới thời hoàng đế Nê-rô, chỉ ba năm sau cuộc tử đạo của Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô.


Chương 1

Câu 2-3. Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con - Câu này được kết hợp giữa Ml 3,1 và Is 40,3. Theo Giám mục Theophylact, Thánh Mác-cô mở đầu Tin Mừng của mình bằng cách viện dẫn thẩm quyền của các vị ngôn sứ, điều này giúp cho mọi người, cả dân Do-thái và dân ngoại, sẵn lòng tiếp thu những gì ông thuật lại; vì thẩm quyền của các ngài rất được tôn trọng. Ở đây, Gio-an Tẩy Giả được giới thiệu là một sứ giả của Thiên Chúa. Bằng phép rửa và lời rao giảng của mình, ông chuẩn bị tâm hồn cho người Do-thái để họ đón nhận Đấng Mê-si-a.

Câu 4. để được ơn tha tội - Vì thế, một số người lập luận rằng phép rửa của ông Gio-an cũng có thể tha tội. Nhưng ở một nơi khác, ông nói: Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối (Mt 3,11).

Câu 7. Có Đấng quyền thế hơn tôi - Ở đây, vị Tiền Hô chưa công khai tuyên bố rằng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng gọi Người là Đấng quyền thế hơn mình. Vì người Do-thái chưa được chuẩn bị cho sự xuất hiện của Người, nên ông dẫn dắt họ một cách khôn ngoan dựa theo mức độ hiểu biết mà Đấng Toàn Năng đã sắp đặt cho họ. Nhưng ông vẫn kín đáo tiết lộ cho họ rằng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, khi cho biết Người sẽ làm phép rửa cho họ trong Thánh Thần. Không có ai, ngoại trừ Thiên Chúa, có thể ban cho con người ân sủng đó.

Câu 10. Vừa lên khỏi nước - Chúa Giê-su đã chịu phép rửa của ông Gio-an theo cách ngâm mình hoàn toàn dưới nước sông Gio-đan. Phương pháp này đã được Giáo Hội sử dụng trong khoảng 1300 năm đầu tiên, căn cứ theo sắc lệnh của các công đồng và các nghi lễ cổ xưa.

Câu 11. Lại có tiếng từ trời phán - Hầu hết các Giáo phụ đều trích dẫn câu này làm bằng chứng về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha đưa ra lời chứng, Chúa Con lãnh nhận và Chúa Thánh Thần cùng xuất hiện dưới hình dáng chim bồ câu.

Câu 16. Theo Giám mục Theophylact, chúng ta phải hiểu rằng những gì được thuật lại trong Lc 5,1-11 diễn ra trước những gì được Thánh Mác-cô trình bày ở đây. Vì trong một số dịp, các môn đệ có thể đã quay trở lại việc đánh bắt cá cho tới khi Chúa Giê-su kêu gọi họ trở thành những người luôn túc trực bên Ngài.

Câu 25. Chúa Giê-su không để ma quỷ làm chứng cho thiên tính của mình; tác giả của sự thật đã không chấp nhận lời chứng từ cha đẻ nghề nói dối. Qua việc quát mắng nó, Người dạy chúng ta không bao giờ được phép đặt niềm tin vào ma quỷ bất kể chúng báo trước điều gì.

Câu 27. Thánh Gio-an Kim Khẩu nói rằng, ở đây, Chúa Giê-su đã khéo léo điều tiết lời dạy của mình cho phù hợp với đối tượng người nghe. Về khoảng thời gian mà Người thực hiện sứ vụ rao giảng, có một số quan điểm khác nhau, nhưng quan điểm chung nhất là khoảng ba năm. Trong năm đầu tiên, người đã không vấp phải bất cứ sự chống đối nào từ Người Do-thái, đó là một năm hồng ân mà ngôn sứ I-sai-a đã nói (Is 61,2).

Câu 44. Chúa Giê-su không có ý cấm người phong hủi tiết lộ câu chuyện của anh ta với bất kỳ ai, nhưng Người muốn chỉ dẫn cho chúng ta rằng, khi làm các việc lành, không nên tìm kiếm những lời khen ngợi sáo rỗng của người khác vì công việc mình đã làm. Ngoài ra, qua việc truyền cho người được chữa lành dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, Người khẳng định hiệu lực của Lề Luật cũ vẫn được duy trì cho đến khi Người hoàn tất Cuộc Khổ Nạn, nơi Người sẽ hiến mình làm hy lễ hoàn hảo dâng lên Chúa Cha và bãi bỏ mọi hy lễ mà Luật cũ đã truyền.

Chương 2
Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêuChú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca