Chương 24 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 21. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng - Điều này giống như thể họ đã đánh mất niềm hy vọng trước đây, hay không biết bây giờ phải hy vọng vào điều gì, nhưng có lẽ như Thánh Augustinô quan sát, họ dùng cách nói thận trọng này trước một người lạ là nhằm giữ sự an toàn.
Theo cha Calmet, hai môn đệ này cũng mắc phải sai lầm như những người Do-thái khác, những người mong đợi rằng Đấng Mê-si-a sẽ giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ cho ngoại bang và tái lập nền tự do xưa cũ. Thập giá và cuộc khổ nạn của Chúa đã nên cớ vấp ngã cho họ. Họ nói “chúng tôi trước đây vẫn hy vọng” như thể hy vọng đó bây giờ đã tiêu tan. Và điều làm họ thêm nghi ngờ hơn nữa là việc Chúa Ki-tô đã hứa sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Mặc dù một số phụ nữ trong nhóm làm chứng rằng Ngài thực sự đã sống lại, nhưng họ mong đợi một sự biểu lộ công khai và đầy vinh quang về sự phục sinh của Ngài, vì cái chết trước đó của Ngài bị coi là ô nhục và toàn dân đều đã biết đến. Bây giờ đã là ngày thứ ba kể từ khi những sự việc ấy trôi qua: nếu Ngài muốn biểu dương quyền năng của mình thì hẳn cũng đã làm rồi. Vì thế, các môn đệ lập luận rằng ngày thứ ba đã trôi qua và chắc chắn Chúa không sống lại nữa. Thật khó để tin vào những gì chúng ta quá đỗi mong chờ!
Câu 37. tưởng là thấy ma - Các tông đồ nghĩ rằng có một Thần khí nào đó đã lấy hình dạng của Đức Giê-su để tới lừa gạt các ông. Về việc họ nhìn nhận có sự xuất hiện của các linh hồn (hay tinh thần/thần khí), chúng ta có thể bắt gặp nhiều lần trong Tân Ước. Và thay vì bác bỏ quan điểm này, dường như chính Chúa Giê-su cũng đã nhiều lần xác nhận. Theo Thánh Augustinô, quả không thể liều lĩnh phủ nhận rằng thi thoảng có sự xuất hiện của các thiên thần, ma quỷ, hay linh hồn của những người đã khuất. Tuy nhiên, điều này không giúp biện minh cho sự cả tin của những người yếu đuối và dại dột, những người cho rằng không ai có thể chết cả, nhưng linh hồn của họ chắc chắn vẫn còn xuất hiện; đàng khác, nó cũng không biện minh cho những quan điểm mê tín cho rằng những hiện tượng bất thường nào đó, thường được cho là đã xảy ra, có ý nghĩa hệ trọng đối với vận mệnh của linh hồn người đã khuất. Những trường hợp xuất hiện thế này rất hiếm và chúng ta cũng không nên cho rằng Thiên Chúa Toàn Năng sẵn sàng tạm ngừng hay thay đổi các quy luật tự nhiên đã được thiết lập mà không có lý do chính đáng, tức là vì một số điều thiện cho linh hồn những người đã khuất hoặc cho những bạn hữu còn đang sống của họ.
Câu 39. Nhìn chân tay Thầy coi... Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt - Đây là một lập luận dựa vào thân xác chân thực. Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng Chúa Ki-tô đưa ra những bằng chứng như vậy vì Ngài biết ngần ấy là đủ để thuyết phục các tông đồ về sự phục sinh của Ngài, trong khi tự chúng không phải là những bằng chứng. Bởi lẽ nếu các tông đồ chỉ tưởng tượng rằng họ nhìn thấy hoặc chạm vào một thân xác và thấy thân xác ấy ăn cùng với họ, thì những điều này rõ ràng cũng có thể được thực hiện bởi một linh hồn. Chẳng hạn, trong St 18,9 và St 19,16, chúng ta thấy rằng các thiên thần, dưới hình dạng con người, cũng có thể ăn uống với ông Áp-ra-ham, có thể nắm lấy tay ông Lót, vợ ông, các con gái ông và dẫn họ ra khỏi Xơ-đôm. Do đó, các giác quan của chúng ta đôi khi có thể bị đánh lừa, như có thể được chứng minh trong nhiều trường hợp khác. Ở đây, những lập luận mà Chúa Ki-tô sử dụng để thuyết phục các tông đồ tin vào sự phục sinh của Ngài vào thời điểm này phải được suy xét trong những điều kiện của hoàn cảnh khi ấy: thứ nhất, những lời chứng từ Kinh Thánh, trong đó, sự sống lại của Ngài đã được báo trước; thứ hai, họ nhớ lại điều mà chính Chúa thường nói với họ trước đây, rằng ngày thứ ba sau khi chết, Ngài sẽ sống lại; thứ ba, lời chứng của các thiên thần rằng Thầy đã phục sinh; thứ tư, các phép lạ diễn ra xuyên suốt biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa; và thứ năm, chính Chúa Ki-tô đã mở trí giúp họ nhận biết và tin tưởng vào sự thật rằng Ngài đã thực sự sống lại.
Câu 45. Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh - Nếu các tông đồ, những người thường xuyên được nghe những lời giảng từ chính miệng Đấng Cứu Thế, vẫn cần phải được mở trí để hiểu Kinh Thánh; thì người ta làm sao có thể hiểu được những gì Kinh Thánh dạy nếu chỉ tự mình “linh hứng” và tùy tiện giải thích theo quan điểm của cá nhân?