Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Số
Mục lục
Tra cứu
Câu
Mục lục
Tra cứu

Mục lục

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT

TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM

LỜI MỞ ĐẦU (1-25)

PHẦN THỨ NHẤT (26-1065)

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐOẠN THỨ NHẤT: “TÔI TIN” - “CHÚNG TÔI TIN” (26-184)

CHƯƠNG I: CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (27-49)

CHƯƠNG II: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (50-141)

Mục 1: Mặc Khải của Thiên Chúa (51-73)

Mục 2: Sự lưu truyền Mặc Khải của Thiên Chúa (74-100)

Mục 3: Thánh Kinh (101-141)

CHƯƠNG III: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (142-184)

Mục 1: Tôi tin (144-165)

Mục 2: Chúng tôi tin (166-184)

TÍN BIỂU

ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO (185-1065)

CHƯƠNG I: “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA” (198-421)

Mục 1: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” (199-421)

Tiết 1: Tôi tin kính Đức Chúa Trời (199-231)

Tiết 2: Chúa Cha (232-267)

Tiết 3: Đấng Toàn Năng (268-278)

Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Tiết 5: Trời và đất (325-354)

Tiết 6: Con người (355-384)

Tiết 7: Sự sa ngã (385-421)

CHƯƠNG II: TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (422-682)

Mục 2: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi” (430-455)

Mục 3: Chúa Giê-su Ki-tô “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (456-570)

Tiết 1: Con Thiên Chúa làm người (456-483)

Tiết 2: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (484-511)

Tiết 3: Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô (512-570)

Mục 4: Chúa Giê-su Ki-tô đã “chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)

Tiết 1: Chúa Giê-su và Ít-ra-en (574-594)

Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Tiết 3: Chúa Giê-su Ki-tô được “táng xác” (624-630)

Mục 5: Chúa Giê-su Ki-tô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (631-658)

Tiết 1: Đức Ki-tô “xuống ngục tổ tông” (632-637)

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)

Mục 6: Chúa Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)

CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)

Mục 9: “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” (748-975)

Tiết 1: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (751-780)

Tiết 2: Hội Thánh - Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần (781-810)

Tiết 3: Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (811-870)

Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Tiết 5: “Các Thánh thông công” (946-962) [1474-1477]

Tiết 6: Đức Ma-ri-a - Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh (963-975)

Mục 10: “Tôi tin phép tha tội” (976-987)

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

“Amen” (1061-1065)

PHẦN THỨ BA (1691-2557)

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THẦN KHÍ (1699-2051)

CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ (1700-1876)

Mục 1: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (1701-1715)

Mục 2: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng vinh phúc (1716-1729)

Mục 3: Sự tự do của con người (1730-1748)

Mục 4: Tính luân lý của các hành vi nhân linh (1749-1761)

Mục 5: Tính luân lý của các đam mê (1762-1775)

Mục 6: Lương tâm luân lý (1776-1802)

Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)

Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI (1877-1948)

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)

Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)

Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)

Mục 3: Hội Thánh, Mẹ và Thầy (2030-2051)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN (2052-2557)

CHƯƠNG I: “NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI” (2083-2195)

Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)

Mục 2: Điều răn thứ hai (2142-2167)

Mục 3: Điều răn thứ ba (2168-2195)

CHƯƠNG II: “NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH” (2196-2557)

Mục 4: Điều răn thứ tư (2197-2257)

Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)

Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)

Tra cứu

“Ngươi không được trộm cắp” (Xh 20,15).146

“Ngươi không được trộm cắp” (Mt 19,18).

24011807, 952

Điều răn thứ bảy cấm lấy hoặc giữ của cải của người khác cách bất công, hay làm thiệt hại của cải của họ bất cứ bằng cách nào. Điều răn này dạy phải giữ đức công bằng và bác ái về những của cải trần thế và thành quả lao động của con người. Vì công ích, điều răn này đòi phải tôn trọng quyền chung hưởng (destinationem universalem) các của cải, và quyền tư hữu. Ki-tô hữu cố gắng trong đời sống mình biết dùng của cải trần thế để phục vụ Thiên Chúa và tình bác ái huynh đệ.

I. Quyền chung hưởng và quyền tư hữu của cải (2402-2406)

2402226, 1939

Từ ban đầu, Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của trái đất.147 Của cải của công trình tạo dựng được dành cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, trái đất được phân chia ra giữa người ta với nhau để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của họ, vốn bị sự túng thiếu và bạo lực đe dọa. Sự tư hữu của cải là hợp pháp, để bảo đảm sự tự do và phẩm giá con người, để giúp mỗi người đáp ứng được các nhu cầu căn bản của mình và nhu cầu của những ai họ có bổn phận chăm lo. Sự tư hữu đó phải giúp biểu lộ tình liên đới tự nhiên giữa người với người.

2403

Quyền tư hữu của cải, do mình làm ra hay nhận được một cách chính đáng, không hủy bỏ việc ban tặng trái đất cho toàn thể nhân loại ngay từ nguyên thủy. Quyền chung hưởng của cải vẫn đứng hàng đầu, mặc dầu sự thăng tiến của công ích đòi hỏi phải tôn trọng sự tư hữu, quyền tư hữu và việc thực thi quyền này.

2404307

“Khi sử dụng của cải, con người phải coi những của cải bên ngoài mà mình sở hữu cách hợp pháp, không chỉ như của riêng mình, nhưng còn như của chung, theo nghĩa là chúng có thể mang lại lợi ích không những cho mình, mà còn cho những người khác nữa.”148 Việc sở hữu của cải làm cho chủ sở hữu thành một người quản trị của Chúa quan phòng, để làm cho của cải này sinh hoa lợi và truyền thông các phúc lợi của nó cho người khác, trước hết là cho những người lân cận của mình.

2405

Những tư liệu sản xuất – vật chất hoặc phi vật chất – như đất đai hoặc cơ xưởng, những khả năng hay kỹ thuật, đòi hỏi những người sở hữu chúng phải biết chăm sóc để lợi tức của chúng đem lại ích lợi cho nhiều người nhất. Những người sở hữu các của cải để tiêu dùng, phải sử dụng chúng cách điều độ, dành phần tốt nhất cho khách, cho người bệnh hoặc cho người nghèo.

24061903

Vì công ích, chính quyền có quyền và bổn phận điều tiết việc thực thi hợp pháp quyền sở hữu.149

II. Tôn trọng các nhân vị và của cải của họ (2407-2418)

24071809, 1807, 1939

Trong lãnh vực kinh tế, việc tôn trọng nhân phẩm đòi phải thực thi đức tiết độ, để điều tiết sự say mê của cải trần thế; đức công bằng, để bảo vệ các quyền của người lân cận và trả lại cho họ những gì thuộc về họ; và tình liên đới, theo khuôn vàng thước ngọc (regula aurea) và theo lòng quảng đại của Chúa, là Đấng vốn giàu sang, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của Ngài mà làm cho chúng ta trở nên giàu có.150

Tôn trọng của cải của tha nhân (2408-2414)

2408

Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, nghĩa là, cấm chiếm đoạt của cải của tha nhân trái với ý muốn hợp lý của sở hữu chủ. Không bị coi là trộm cắp, nếu có thể phỏng đoán được sự ưng thuận của chủ nhân hoặc sự khước từ của họ nghịch với lý trí và với quyền chung hưởng của cải trần thế. Đó là trường hợp có nhu cầu rõ ràng và khẩn cấp, mà phương thế duy nhất để đáp ứng cho các nhu cầu cấp thời và thiết yếu (thức ăn, chỗ ở, áo quần…) là lấy và sử dụng của cải của tha nhân.151

24091867

Mọi cách lấy hoặc giữ cách bất công của cải của tha nhân, mặc dầu không nghịch với những quy định của dân luật, vẫn nghịch với điều răn thứ bảy. Chẳng hạn cố tình giữ lại của cải đã mượn hoặc của rơi; gian lận trong việc buôn bán;152 trả lương bất công;153 lợi dụng sự không biết hoặc nhu cầu của tha nhân để tăng giá kiếm lời.154

Về phương diện luân lý, những việc sau đây cũng bất hợp pháp: đầu cơ, nghĩa là làm biến động giá cả cách giả tạo để trục lợi nhưng làm thiệt hại cho tha nhân; hối lộ, là làm sai lệch phán đoán của những người phải quyết định theo luật pháp; chiếm đoạt và sử dụng riêng của cải chung của xí nghiệp; làm việc cách cẩu thả, gian lận thuế, giả mạo các chi phiếu và hóa đơn, chi tiêu quá mức, lãng phí. Chủ ý gây thiệt hại cho các tài sản tư nhân hoặc công cộng là nghịch với luật luân lý và phải bồi thường.

24102101

Các lời hứa phải được giữ và các hợp đồng phải được tuân thủ nghiêm túc, tùy theo mức độ những cam kết trong hợp đồng, là công bằng về mặt luân lý. Phần lớn đời sống kinh tế và xã hội tùy thuộc vào giá trị của các hợp đồng giữa các thể nhân và pháp nhân. Chẳng hạn như các hợp đồng thương mại mua bán, hợp đồng thuê mướn và hợp đồng lao động. Mọi hợp đồng đều phải được ký kết và phải được thực hiện với thiện ý.

24111807

Các hợp đồng phải tuân theo sự công bằng giao hoán, quy định những trao đổi giữa các cá vị và giữa các tổ chức trong sự tôn trọng chính xác các quyền lợi của nhau. Sự công bằng giao hoán đòi buộc cách nghiêm ngặt; nó đòi hỏi sự bảo toàn các quyền tư hữu, việc trả nợ và việc chu toàn các nghĩa vụ đã cam kết cách tự do. Không có sự công bằng giao hoán, thì không thể có một hình thức công bằng nào khác.

Người ta phân biệt công bằng giao hoán (iustitia commutativa) với công bằng pháp lý (iustitia legalis), liên quan đến điều người công dân có bổn phận, theo lẽ công bằng, đối với cộng đồng, và với công bằng phân phối (iustitia distributiva) quy định những gì cộng đồng phải thực hiện cho các công dân, tương xứng với những đóng góp và với những nhu cầu của họ.

24121459, 2487

Vì công bằng giao hoán, việc đền bù sự bất công đã phạm đòi phải trả lại của cải đã bị lấy cắp cho sở hữu chủ của nó:

Chúa Giê-su khen ông Giakêu vì quyết định của ông: “Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Những ai đã trực tiếp hoặc gián tiếp chiếm đoạt của cải của tha nhân, buộc phải trả lại, hoặc nếu đồ vật đó không còn nữa, phải trả lại bằng cái tương đương về bản chất hoặc tiền mặt, kèm theo tiền lời và các lợi nhuận khác mà sở hữu chủ của nó lẽ ra, nhờ nó, đã được hưởng cách hợp pháp. Cũng vậy, tất cả những người đã tham gia bất cứ cách nào vào việc trộm cắp, hoặc đã chủ ý hưởng lợi từ việc trộm cắp đó, đều buộc phải trả lại, một cách tương xứng theo trách nhiệm của mình và theo lợi lộc của mình; chẳng hạn những người đã ra lệnh hoặc giúp đỡ, hoặc che đậy việc trộm cắp đó.

2413

Các trò chơi may rủi (cờ bạc v.v…) hoặc cá cược, tự chúng không nghịch với đức công bằng. Nhưng các trò này trở thành không thể chấp nhận được về mặt luân lý, khi chúng cướp đi cái cần thiết để đáp ứng những nhu cầu của bản thân và của tha nhân. Đam mê cờ bạc là sống trong nguy cơ trở thành nô lệ nghiêm trọng. Cờ gian bạc lận là một lỗi nặng, trừ khi gây thiệt hại rất nhẹ đến độ người bị thiệt không thể, một cách hữu lý, coi đó như chuyện quan trọng.

24142297

Điều răn thứ bảy cấm các hành vi và các sáng kiến – với bất cứ lý do nào, vì ích kỷ mù quáng hoặc vì ý thức hệ, vì lợi nhuận hoặc do độc tài – dẫn tới việc nô lệ hóa con người, không nhìn nhận nhân phẩm của họ, mua bán hoặc trao đổi họ như hàng hóa. Đây là tội nghịch với nhân phẩm và những quyền căn bản của con người vì dùng bạo lực biến họ thành một vật dụng hoặc nguồn lợi. Thánh Phao-lô đã ra lệnh cho một chủ nhân Ki-tô hữu phải đối xử với người nô lệ Ki-tô hữu của mình “thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến,… cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa” (Plm 16).

Tôn trọng sự toàn vẹn của công trình tạo dựng (2415-2418)

2415226, 358, 373, 378

Điều răn thứ bảy dạy phải tôn trọng sự toàn vẹn của công trình tạo dựng. Thú vật cũng như thực vật và những vật vô tri nhằm phục vụ công ích của nhân loại trong quá khứ, hiện tại và tương lai.155 Việc sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, không thể được tách biệt khỏi việc phải tôn trọng những đòi hỏi của luân lý. Quyền thống trị Đấng Tạo hóa đã ban cho con người trên các vật vô tri và những sinh vật khác không phải là tuyệt đối. Quyền đó phải để ý đến việc chăm sóc phẩm chất đời sống của tha nhân, kể cả của những thế hệ tương lai; quyền này đòi phải có sự tôn trọng đạo hạnh đối với sự toàn vẹn của công trình tạo dựng.156

2416344

Thú vật là những thụ tạo của Thiên Chúa. Ngài ân cần quan phòng chăm sóc chúng.157 Chỉ bằng sự hiện hữu của mình, chúng đã ca tụng và tôn vinh Ngài.158 Con người cũng phải đối xử tử tế với chúng. Phải nhắc lại rằng các thánh như Phanxicô Assisi hoặc Phi-líp-phê Nêri đã đối xử dịu hiền với thú vật như thế nào.

24172234

Thiên Chúa đã trao phó các thú vật cho con người quản lý, con người mà Ngài đã dựng nên theo hình ảnh Ngài.159 Vì vậy, việc sử dụng thú vật làm lương thực và y phục là hợp pháp. Con người có thể thuần hóa chúng để chúng trợ lực con người trong lao động hoặc giải trí. Những thí nghiệm y học và khoa học trên thú vật có thể chấp nhận được về mặt luân lý, miễn là ở trong những giới hạn hợp lý và góp phần vào việc chữa bệnh hoặc cứu lấy mạng sống con người.

24182446

Hành hạ thú vật và phung phí mạng sống của chúng cách vô ích là nghịch với phẩm giá con người. Cũng vậy, chi phí những số tiền quá đáng cho thú vật, mà lẽ ra phải ưu tiên làm giảm bớt sự khốn cùng của con người, là một việc bất xứng. Được phép ưa thích thú vật, nhưng không được dành cho chúng tình yêu, chỉ dành cho con người.

III. Giáo huấn xã hội của Hội Thánh (2419-2425)

24191960, 359

“Mặc khải Ki-tô Giáo… đưa chúng ta đến sự hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội.”160 Hội Thánh đón nhận từ Tin Mừng mặc khải trọn vẹn chân lý về con người. Khi chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh nhân danh Đức Ki-tô, chứng tỏ cho con người biết phẩm giá riêng của họ và ơn gọi của họ đến sự hiệp thông các nhân vị; Hội Thánh dạy cho con người biết các đòi hỏi của công lý và hòa bình, theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

24202032, 2246

Hội Thánh đưa ra phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội, “khi các quyền căn bản của con người hoặc ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi việc đó.”161 Trên bình diện luân lý, Hội Thánh hành động do sứ vụ khác với sứ vụ của chính quyền: Hội Thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì lý do chúng quy hướng về Sự Thiện tối thượng, là mục đích tối hậu của chúng ta. Hội Thánh cố gắng thôi thúc những thái độ đúng đắn liên quan đến của cải trần thế và trong các tương quan kinh tế xã hội.

2421

Giáo huấn xã hội của Hội Thánh được triển khai vào thế kỷ thứ XIX khi Tin Mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ cơ khí hiện đại, với những cơ cấu mới của nó để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với quan niệm mới của nó về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của nó về lao động và quyền sở hữu. Sự triển khai giáo huấn của Hội Thánh về vấn đề kinh tế và xã hội, chứng tỏ giá trị trường tồn của giáo huấn Hội Thánh, đồng thời cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền thống luôn sống động và tích cực của Hội Thánh.162

24222044

Giáo huấn xã hội của Hội Thánh là tập hợp các giáo huấn được nối kết với nhau, theo như đã được Hội Thánh giải thích về các biến cố xảy ra trong dòng lịch sử, dưới ánh sáng của toàn thể lời đã được Chúa Giê-su Ki-tô mặc khải, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Giáo huấn này sẽ được những người thành tâm thiện chí đón nhận hơn, khi nó gây cảm hứng nhiều hơn cho cách hành động của các tín hữu.163

2423

Giáo huấn xã hội của Hội Thánh đề ra những nguyên tắc để suy tư, quy định những tiêu chuẩn để phán đoán, và trình bày những kế hoạch để hành động:

Mọi hệ thống, theo đó các tương quan xã hội hoàn toàn được xác định bằng các yếu tố kinh tế, thì đều nghịch với bản tính của nhân vị và với bản chất của các hành vi nhân linh.164

24242317

Lý thuyết nào lấy lợi nhuận làm quy luật độc hữu và mục đích tối hậu của hoạt động kinh tế, thì không thể chấp nhận được về mặt luân lý. Lòng ham muốn vô trật tự về tiền bạc không ngừng gây ra những hậu quả lệch lạc. Đây là một trong những nguyên nhân của nhiều cuộc xung đột làm xáo trộn trật tự xã hội.165

Hệ thống nào hy sinh “những quyền căn bản của các cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể”, thì nghịch với phẩm giá con người.166 Mọi hành động giản lược các nhân vị thành những phương tiện thuần túy để trục lợi, đều nô lệ hóa con người, đưa tới việc thờ ngẫu tượng là tiền bạc, và góp phần truyền bá chủ thuyết vô thần. “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24; Lc 16,13).

2425

Hội Thánh không chấp nhận các ý thức hệ chuyên chế và vô thần, trong thời đại ngày nay, được nối kết với mọi hình thái chuyên chế độc tài. Đàng khác, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân trong việc thực hành của “Chủ nghĩa tư bản” và việc cho luật thị trường là tối thượng trên lao động của con người.167 Việc điều hành kinh tế chỉ dựa trên kế hoạch tập trung làm băng hoại tận nền tảng các mối dây liên kết xã hội; việc điều hành kinh tế chỉ theo luật thị trường xúc phạm đến sự công bằng xã hội, “bởi vì có những đòi hỏi của con người không thể thỏa mãn được nhờ thị trường.”168 Phải ủng hộ sự điều hành hợp lý đối với thị trường và các sáng kiến kinh tế, theo một bậc thang giá trị đúng đắn và nhằm vào công ích.

IV. Hoạt động kinh tế và công bằng xã hội (2426-2436)

24261928

Việc phát triển các hoạt động kinh tế và sự gia tăng sản xuất nhằm phục vụ các nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm để làm ra nhiều sản phẩm, gia tăng lợi nhuận hoặc quyền lực; nhưng trước tiên nó nhắm tới việc phục vụ các nhân vị, con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế phải được hướng dẫn theo những phương pháp và luật lệ riêng, phải được thực thi trong các giới hạn của trật tự luân lý, theo sự công bằng xã hội, để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa về con người.169

2427307, 378, 531

Lao động của con người xuất phát trực tiếp từ những nhân vị, đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được kêu gọi để tiếp nối công trình tạo dựng, cùng với nhau và cho nhau, bằng việc làm chủ trái đất.170 Vì vậy, lao động là một bổn phận: “Ai không chịu làm việc thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10).171 Lao động biểu dương các hồng ân của Đấng Tạo hóa và những tài năng đã lãnh nhận. Lao động cũng có giá trị cứu chuộc. Khi chịu đựng những vất vả172 của lao động trong sự kết hợp với Chúa Giê-su, người thợ làng Na-da-rét và đã chịu đóng đinh vào thập giá trên đồi Calvariô, con người cộng tác một cách nào đó với Con Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc của Người. Họ biểu lộ mình là môn đệ của Đức Ki-tô, khi vác thập giá hằng ngày trong hoạt động họ được kêu gọi chu toàn.173 Lao động có thể là một phương thế thánh hóa và làm sinh động các thực tại trần thế trong Thần Khí của Đức Ki-tô.

24282834, 2185

Trong lao động, con người thực thi và kiện toàn một phần các tài năng đã được ghi khắc trong bản tính của mình. Giá trị hàng đầu của lao động thuộc về con người, là tác giả và là mục tiêu của lao động. Lao động cho con người, chứ không phải con người cho lao động.174

Mỗi người phải có thể rút từ lao động các phương tiện để nuôi sống mình và những người thuộc về mình, và để phục vụ cộng đồng nhân loại.

2429

Mỗi người có quyền có sáng kiến về kinh tế, mỗi người nên sử dụng cách hợp pháp các tài năng của mình, để góp phần làm ra nhiều của cải cho mọi người được hưởng, và để thu lượm những hoa trái chính đáng do các nỗ lực của mình. Họ phải quan tâm để tuân theo những quy định do các quyền bính hợp pháp đề ra vì công ích.175

2430

Đời sống kinh tế liên quan đến nhiều quyền lợi khác nhau, thường đối nghịch nhau. Từ đó thường sinh ra các xung đột, là đặc điểm của đời sống kinh tế.176 Phải cố gắng giải quyết các xung đột bằng thương lượng, dựa trên sự tôn trọng các quyền lợi và bổn phận của mỗi thành phần xã hội: ban điều hành các xí nghiệp, đại diện công nhân, chẳng hạn các tổ chức nghiệp đoàn, và đôi khi, công quyền.

24311908, 1883

Trách nhiệm của Nhà Nước. “Hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế thị trường, không thể triển khai trong một môi trường không có thể chế pháp lý và chính trị. Trái lại, hoạt động kinh tế giả thiết rằng các quyền tự do cá nhân và quyền tư hữu phải được bảo đảm, cũng như một hệ thống tiền tệ ổn định và các dịch vụ công cộng hữu hiệu. Như vậy, nhiệm vụ chủ yếu của Nhà Nước là bảo đảm những vấn đề trên, để những người lao động và sản xuất có thể hưởng kết quả do sức lao động của họ, và nhờ đó họ cảm thấy được khích lệ để làm việc một cách có hiệu quả và lương thiện… Một nhiệm vụ khác của Nhà Nước là phải giám sát và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lãnh vực kinh tế; tuy nhiên, trong lãnh vực này, trách nhiệm hàng đầu không thuộc về Nhà Nước, nhưng thuộc về các cá nhân, các nhóm, và các tập thể khác nhau tạo nên xã hội.”177

24322415

Những người lãnh đạo xí nghiệp chịu trách nhiệm trước xã hội về mặt kinh tế và sinh thái của công việc làm ăn của mình.178 Họ buộc phải quan tâm đến lợi ích của con người chứ không chỉ lo gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận là cần thiết. Chúng cho phép thực hiện những đầu tư để bảo đảm tương lai của các xí nghiệp. Chúng bảo đảm công ăn việc làm.

2433

Quyền có việc làm và chọn nghề phải được mở ngỏ cho mọi người, không được kỳ thị cách bất công, cho người nam và người nữ, cho người khỏe mạnh và đau yếu, cho người địa phương và người di cư.179 Về phần mình, tùy hoàn cảnh, xã hội phải giúp đỡ để các công dân tìm được công ăn việc làm.180

24341867

Tiền lương công bằng là kết quả hợp pháp của lao động. Không trả hoặc giữ tiền lương lại, có thể là một bất công nghiêm trọng.181 Để định giá việc trả lương cách công bằng, phải đồng thời lưu ý đến các nhu cầu và các đóng góp của mỗi người. “Căn cứ vào nhiệm vụ và năng suất của mỗi người, vào tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc trả lương cho lao động phải bảo đảm cho con người khả năng xây dựng một cách xứng đáng cho mình và cho những người thuộc về mình một đời sống vật chất, xã hội, văn hóa và tinh thần.”182 Sự thỏa thuận giữa chủ và thợ không đủ để biện minh về mặt luân lý cho số tiền trả lương.

2435

Sự đình công là hợp pháp về mặt luân lý, khi đó là một phương thế không thể tránh được, hoặc thậm chí là cần thiết, để đạt được lợi ích tương xứng. Sự đình công là không thể chấp nhận được về mặt luân lý, khi kèm theo bạo động, hoặc hơn thế nữa, nếu được dùng để nhằm những mục tiêu không trực tiếp liên hệ đến các điều kiện làm việc hoặc những mục tiêu nghịch với công ích.

2436

Không đóng góp lệ phí cho những tổ chức an sinh xã hội do quyền bính hợp pháp quy định, là điều bất công.

Nạn thất nghiệp vì thiếu việc làm hầu như luôn làm tổn thương phẩm giá của nạn nhân và đe dọa sự quân bình của đời sống. Ngoài sự thiệt hại mà cá nhân người đó phải gánh chịu, nạn thất nghiệp còn đem lại nhiều nguy cơ cho gia đình họ.183

V. Sự công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia (2437-2442)

24371938

Trên bình diện quốc tế, sự bất bình đẳng về các nguồn tài nguyên và các phương tiện kinh tế là hết sức lớn lao, đến nỗi nó gây nên một “hố sâu” thật sự giữa các quốc gia.184 Một bên là những quốc gia nắm giữ và gia tăng các phương tiện phát triển, bên kia là những quốc gia nợ nần chồng chất.

24381911, 2315

Nhiều nguyên do khác nhau về tôn giáo, chính trị, kinh tế và tài chính, khiến cho “vấn đề xã hội ngày nay mang một chiều kích quốc tế.”185 Tình liên đới là cần thiết giữa các quốc gia vốn có liên hệ chính trị phụ thuộc lẫn nhau. Tình liên đới còn hết sức cần thiết khi vấn đề là phải loại trừ những “cơ chế máy móc bất nhân” gây chướng ngại cho sự phát triển của các quốc gia chậm tiến.186 Thay vào các hệ thống kinh tài đầy lạm dụng hoặc thậm chí bóc lột,187 những tương quan thương mại bất công giữa các quốc gia, việc chạy đua vũ trang, cần phải có một nỗ lực chung để huy động các nguồn tài nguyên vào những mục tiêu phát triển luân lý, văn hóa và kinh tế “trước hết bằng việc làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng nhất và các bậc thang các lợi ích, dựa theo đó… mà đề ra những kế hoạch.”188

2439

Các nước giàu có trách nhiệm luân lý nghiêm trọng đối với các nước không thể tự bảo đảm cho mình sự phát triển hoặc bị ngăn cản không phát triển được vì những biến cố lịch sử bi thảm. Đây là một bổn phận của tình liên đới và bác ái; đây cũng là sự bắt buộc của đức công bằng, nếu sự sung túc của các nước giàu là do những tài nguyên đã không được trả tiền cách công bằng.

2440

Việc viện trợ trực tiếp là giải pháp thích hợp đáp ứng những nhu cầu trước mắt và đột xuất, chẳng hạn do thiên tai, nạn dịch, v.v… Nhưng việc viện trợ này không đủ để bù đắp những thiệt hại nghiêm trọng do hoàn cảnh túng thiếu, cũng không thể trường kỳ đáp ứng các nhu cầu được. Phải cải tổ các thể chế kinh tế và tài chánh quốc tế, để chúng cổ võ cách tốt hơn những tương quan công bằng với các nước kém phát triển.189 Phải nâng đỡ nỗ lực của các nước nghèo đang phấn đấu để tự phát triển và tự giải phóng mình.190 Điều này phải được áp dụng cách hết sức đặc biệt trong lãnh vực lao động nông nghiệp. Các nông dân, nhất là ở thế giới thứ ba, là thành phần hết sức đông đảo trong số những người nghèo.

24411908

Gia tăng cảm thức về Thiên Chúa và sự hiểu biết chính mình là nền tảng của mọi phát triển trọn vẹn xã hội loài người. Sự phát triển này làm sinh sôi nảy nở các của cải vật chất và dùng chúng vào việc phục vụ con người và sự tự do của con người. Sự phát triển này làm giảm bớt nỗi khốn cùng và sự lạm dụng kinh tế. Nó làm gia tăng sự tôn trọng đối với các bản sắc văn hóa và đối với việc mở ngỏ hướng tới chiều kích siêu việt.191

2442899

Sự can thiệp trực tiếp vào cơ cấu chính trị và vào việc tổ chức đời sống xã hội không thuộc về các mục tử của Hội Thánh. Nhiệm vụ này là một phần ơn gọi của các tín hữu giáo dân, là những người hành động bằng sáng kiến riêng cùng với đồng bào của mình. Hành động xã hội có thể bao hàm nhiều đường lối cụ thể. Hành động đó phải luôn nhắm tới công ích và phù hợp với sứ điệp Tin Mừng và với giáo huấn của Hội Thánh. Các tín hữu giáo dân có bổn phận “đem nhiệt tình Ki-tô Giáo làm sinh động các thực tại trần thế, và trong đó tỏ ra mình là những chứng nhân và những người xây dựng công lý và hòa bình.”192

VI. Yêu thương người nghèo (2443-2449) [2544-2547]

2443786, 525, 544, 853

Thiên Chúa chúc phúc cho những ai giúp đỡ người nghèo, và kết án những ai quay lưng lại với họ. “Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42). “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Chúa Giê-su Ki-tô nhận biết những kẻ được tuyển chọn của Người căn cứ vào những gì họ đã làm cho những người nghèo.193 Khi “kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5),194 thì đó là dấu chỉ sự hiện diện của Đức Ki-tô.

24441716

“Lòng yêu mến của Hội Thánh đối với người nghèo… được tiếp nối liên tục trong kinh nghiệm truyền thống của Hội Thánh.”195 Tình yêu đó được linh hứng bởi Tin Mừng của các mối phúc,196 bởi sự khó nghèo của Chúa Giê-su197 và sự quan tâm của Người đối với kẻ nghèo.198 Tình yêu đối với người nghèo cũng là một trong những động lực thúc đẩy bổn phận làm việc để “có gì chia sẻ với người túng thiếu.”199 Điều này không chỉ giới hạn ở sự nghèo khó về vật chất, nhưng còn hướng tới nhiều hình thức nghèo đói về văn hóa và tôn giáo.200

24452536, 2547

Tình yêu đối với người nghèo không thể đi đôi với tình yêu vô độ đối với của cải hoặc việc sử dụng của cải cách ích kỷ:

“Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5,1-6).

24462402

Thánh Gio-an Kim Khẩu nhắc lại điều này một cách mạnh mẽ: “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về mình, là ăn cắp của họ và cướp lấy mạng sống của họ;… của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ.”201 “Phải thỏa mãn những đòi hỏi của đức công bằng trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho, tưởng là vì bác ái, mà thật ra là phải đền trả vì đức công bằng.”202

“Khi tặng bất cứ thứ gì cần thiết cho người nghèo, thì không phải chúng ta tặng những gì của chúng ta, nhưng là chúng ta trả lại cho họ những gì là của họ; chúng ta trả nợ theo đức công bằng, hơn là chúng ta làm những việc từ thiện.”203

24471460, 1038, 1969, 1004

Các việc từ thiện là những hành vi bác ái, qua đó chúng ta giúp đỡ tha nhân những gì cần thiết cho thể xác và tinh thần của họ.204 Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ là những việc từ thiện về mặt tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Các việc từ thiện về mặt vật chất gồm có: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết.205 Trong các công việc đó, bố thí cho người nghèo206 là một trong những bằng chứng chủ yếu của tình bác ái huynh đệ; đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa:207

“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi” (Lc 11,41). “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16).208

2448386, 1586

“Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cùng cực về của cải vật chất, sự đàn áp bất công, các bệnh tật thể lý và tâm thần, sau cùng là cái chết; tất cả những sự khốn cùng của con người này là dấu chỉ cho thấy tình trạng yếu đuối nguyên thủy, mà sau tội đầu tiên của ông A-đam, con người sống trong đó, và đó cũng là dấu chỉ cho thấy sự cần thiết của ơn cứu độ; những nỗi khốn cùng đó đã lôi kéo lòng thương xót của Đức Ki-tô, Đấng Cứu độ, Đấng đã muốn mang lấy những nỗi khốn cùng đó khi Người đồng hóa mình với ‘những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây’ (Mt 25,40.45). Vì vậy, những người gặp cảnh khốn cùng được Hội Thánh dành cho nhiều ưu ái hơn; ngay từ đầu, không bị cản trở vì tội lỗi của các phần tử của mình, do bổn phận của mình, Hội Thánh đã không bao giờ ngưng an ủi, bảo vệ và giải thoát những người đó. Thật vậy, Hội Thánh làm điều đó bằng vô số công việc từ thiện, những việc này là cần thiết ở mọi lúc và mọi nơi.”209

24491397, 789

Ngay từ Cựu Ước đã có những chỉ thị pháp lý đủ mọi loại (năm tha nợ, cấm cho vay lấy lãi và cầm cố, nghĩa vụ đóng thuế thập phân, trả lương mỗi ngày, quyền được mót ở ruộng lúa và vườn nho) đáp ứng lời khuyên của sách Đệ Nhị Luật: “Vì trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo. Nên tôi truyền cho anh (em): hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em) trong miền đất của anh (em)” (Đnl 15,11). Chúa Giê-su làm cho lời này thành lời của Người: “Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (Ga 12,8). Nói vậy, Chúa Giê-su không muốn giảm nhẹ sự mãnh liệt của những lời tiên tri xưa kia: “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ” (Am 8,6), nhưng Người mời gọi chúng ta nhận biết sự hiện diện của Người nơi những người nghèo là anh em của Người.210

“Ngày kia, khi thánh Rô-sa Li-ma bị mẹ bà trách vì đã đón nhận những người nghèo, người bệnh vào nhà, bà trả lời mẹ: ‘Khi chúng ta phục vụ những người đau yếu, chúng ta là hương thơm tốt lành của Đức Ki-tô’.”211

Tóm lược (2450-2463)

2450

“Ngươi không được trộm cắp” (Đnl 5,19). “Những kẻ trộm cướp, tham lam… sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6,10).

2451

Điều răn thứ bảy dạy phải giữ đức công bằng và bác ái về những của cải trần thế và thành quả lao động của con người.

2452

Của cải của công trình tạo dựng được dành cho toàn thể nhân loại. Quyền tư hữu của cải không hủy bỏ quyền chung hưởng những của cải này.

2453

Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp. Trộm cắp là chiếm đoạt của cải của tha nhân, trái với ý muốn hợp lý của sở hữu chủ.

2454

Mọi cách lấy hoặc giữ cách bất công của cải của tha nhân, đều nghịch với điều răn thứ bảy. Bất công đã lỗi phạm đòi hỏi phải được đền bù. Công bằng giao hoán đòi phải trả lại của cải đã bị lấy cắp.

2455

Luật luân lý cấm các hành vi, vì lợi nhuận hoặc do độc tài, dẫn tới việc nô lệ hóa con người, mua bán hoặc trao đổi họ như hàng hóa.

2456

Quyền thống trị các tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ Đấng Tạo hóa đã ban cho con người, không thể được tách biệt khỏi việc phải tôn trọng những nghĩa vụ luân lý, kể cả những nghĩa vụ đối với các thế hệ tương lai.

2457

Thú vật được trao phó cho con người chăm sóc; con người phải đối xử tử tế với chúng. Chúng có thể được dùng để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con người.

2458

Hội Thánh đưa ra phán đoán trong lãnh vực kinh tế và xã hội, khi các quyền căn bản của con người hoặc ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi việc đó. Hội Thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì lý do chúng quy hướng về Sự Thiện tối thượng, là mục đích tối hậu của chúng ta.

2459

Chính con người là chủ thể, trung tâm và cùng đích của toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội. Điều quan trọng nhất của vấn đề xã hội là làm thế nào để của cải đã được Thiên Chúa tạo dựng cho mọi người, thật sự đến được với mọi người, theo đức công bằng và với sự trợ giúp của đức bác ái.

2460

Giá trị hàng đầu của lao động thuộc về con người, là tác giả và là mục tiêu của lao động. Nhờ lao động của mình, con người tham dự vào công trình tạo dựng. Khi được kết hợp với Đức Ki-tô, lao động có thể có giá trị cứu chuộc.

2461

Sự phát triển đích thực là sự phát triển con người toàn diện. Vấn đề là khả năng của mỗi nhân vị phải được gia tăng để đáp lại ơn gọi của mình, nghĩa là đáp lời Thiên Chúa, Đấng kêu gọi mình.212

2462

Việc bố thí cho người nghèo là một chứng từ của đức mến Ki-tô Giáo: đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa.

2463

Giữa biết bao người không cơm bánh, không nhà cửa, không chốn nương thân, chúng ta lại không nhận ra anh La-da-roo, người hành khất đói khổ trong dụ ngôn sao?213 Làm thế nào lại không nghe Chúa Giê-su nói: “Các ngươi đã không làm cho chính Ta” (Mt 25,45)?


Chú thích

146 X. Đnl 5,19.

147 X. St 1,26-29.

148 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 69: AAS 58 (1966) 1090.

149 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 71: AAS 58 (1966) 1093; ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Solicitudo rei socialis, 42: AAS 80 (1988) 572-574; Id., Thông điệp Centesimus annus, 40: AAS 83 (1991) 843; Ibid., 48: AAS 83 (1991) 852-854.

150 X. 2 Cr 8,9.

151 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 69: AAS 58 (1966) 1090-1091.

152 X. Đnl 25,13-16.

153 X. Đnl 24,14-15; Gc 5,4.

154 X. Am 8,4-6.

155 X. St 1,28-31.

156 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 37-38: AAS 83 (1991) 840-841.

157 X. Mt 6,26.

158 X. Đn 3,79-81.

159 X. St 2,19-20; 9,1-4.

160 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 23: AAS 58 (1966) 1044.

161 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 76: AAS 58 (1966) 1100.

162 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 3: AAS 83 (1991) 794-796.

163 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 1: AAS 80 (1988) 513-514; Ibid., 41: AAS 80 (1988) 570-572.

164 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 24: AAS 83 (1991) 821-822.

165 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 63: AAS 58 (1966) 1085; ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Laborem exercens, 7: AAS 73 (1981) 592-594; Id., Thông điệp Centesimus annus, 35: AAS 83 (1991) 836-838.

166 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 65: AAS 58 (1966) 1087.

167 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 10: AAS 83 (1991) 804-806; Ibid., 13: AAS 83 (1991) 809-810; Ibid., 44: AAS 83 (1991) 848-849.

168 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 34: AAS 83 (1991) 836.

169 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 64: AAS 58 (1966) 1086.

170 X. St 1,28; CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 34: AAS 58 (1966) 1052-1053; ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 31: AAS 83 (1991) 831-832.

171 X. 1 Tx 4,11.

172 X. St 3,14-19.

173 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Laborem exercens, 27: AAS 73 (1981) 644-647.

174 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Laborem exercens, 6: AAS 73 (1981) 589-592.

175 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 32: AAS 83 (1991) 832-833; Ibid., 34: AAS 83 (1991) 835-836.

176 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Laborem exercens, 11: AAS 73 (1981) 602-605.

177 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 48: AAS 83 (1991) 852-853.

178 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 37: AAS 83 (1991) 840.

179 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Laborem exercens, 19: AAS 73 (1981) 625-629; Ibid., 22-23: AAS 73 (1981) 634-637.

180 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 48: AAS 83 (1991) 852-854.

181 X. Lv 19,13; Đnl 24,14-15; Gc 5,4.

182 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 67: AAS 58 (1966) 1088-1089.

183 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Laborem exercens, 18: AAS 73 (1981) 622-625.

184 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 14: AAS 80 (1988) 526-528.

185 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 9: AAS 80 (1988) 520-521.

186 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 17: AAS 80 (1988) 532-533; Ibid., 45: AAS 80 (1988) 577-578.

187 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 35: AAS 83 (1991) 836-838.

188 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 28: AAS 83 (1991) 828.

189 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 16: AAS 80 (1988) 531.

190 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 26: AAS 83 (1991) 824-826.

191 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 32: AAS 80 (1988) 556-557; Id., Thông điệp Centesimus annus, 51: AAS 83 (1991) 856-857.

192 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 47: AAS 80 (1988) 582; x. Ibid., 42: AAS 80 (1988) 572-574.

193 X.Mt 25,31-36.

194 X. Lc 4,18.

195 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 57: AAS 83 (1991) 862-863.

196 X. Lc 6,20-22.

197 X. Mt 8,20.

198 X. Mc 12,41-44.

199 X. Ep 4,28.

200 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 57: AAS 83 (1991) 863.

201 Thánh Gio-an Kim Khẩu, In Lazarum, concio 2,6: PG 48,992.

202 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 8: AAS 58 (1966) 845.

203 Thánh Grêgôriô Cả, Regula pastoralis, 3, 21, 45: SC 382,394 (PL 77,87).

204 X. Is 58,6-7; Đnl 13,3.

205 X. Mt 25,31-46.

206 X. Tb 4,5-11; Gv 17,18.

207 X. Mt 6,2-4.

208 X. 1 Ga 3,17.

209 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 68: AAS 79 (1987) 583.

210 X. Mt 25,40.

211 P. Hansen, Vita mirabilis […] venerabilis sororis Rosae de sancta Ma-ri-a Limensis (Romae 1664) 200.

212 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus annus, 29: AAS 83 (1991) 828-830.

213 X. Lc 16,19-31.

Scroll to Top