Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

“Ngươi không được làm chứng gian hại người” (Xh 20,16). “Anh em còn nghe luật dạy người xưa rằng: ‘Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Chúa’” (Mt 5,33).

2464

Điều răn thứ tám cấm xuyên tạc chân lý trong những tương quan với tha nhân. Chỉ thị luân lý này xuất phát từ ơn gọi của dân thánh, là làm chứng nhân cho Thiên Chúa của mình, Đấng là chân lý và muốn chân lý. Những sự xúc phạm đến chân lý, bằng lời nói hay bằng hành vi, đều là từ chối dấn thân theo sự ngay thẳng về luân lý. Những sự xúc phạm đó là những bất trung căn bản đối với Thiên Chúa và, theo nghĩa này, chúng hủy hoại các nền tảng của Giao Ước.

I. Sống trong chân lý (2465-2470)

2465215

Cựu Ước chứng tỏ: Thiên Chúa là nguồn mạch mọi chân lý. Lời Ngài là chân lý.214 Luật của Ngài là chân lý.215 “Lòng thành tín Chúa trải bao thế hệ” (Tv 119,90).216 Bởi vì Thiên Chúa là “Đấng Chân Thật” (Rm 3,4), nên các phần tử của dân Ngài được kêu gọi sống trong chân lý.217

24662153

Chân lý của Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính Người, Đấng tràn đầy ân sủng và chân lý,218 là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chính Người là chân lý.219 Mọi kẻ tin vào Người, thì không còn ở trong bóng tối.220 Môn đệ của Chúa Giêsu ở trong lời Người, để nhận biết chân lý có sức giải thoát221 và thánh hóa.222 Bước theo Chúa Giêsu là sống bởi Thánh Thần chân lý,223 Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Người,224 và là Đấng sẽ dẫn đưa đến “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tuyệt đối yêu mến chân lý: “Trong lời nói của anh em, hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’” (Mt 5,37).

24672104

Con người tự bản tính hướng đến chân lý. Con người buộc phải tôn trọng và làm chứng cho chân lý. “Theo phẩm giá của mình, mọi người, bởi vì là những nhân vị,... được thôi thúc do bản tính của mình, và do nghĩa vụ luân lý, buộc phải tìm kiếm chân lý, trước hết là chân lý về tôn giáo. Họ cũng buộc phải gắn bó với chân lý đã được nhận biết, và xếp đặt toàn bộ đời sống mình theo các đòi hỏi của chân lý.”225

24681458

Chân lý, xét như là sự ngay thẳng trong cách hành động và trong lời nói của con người, có tên gọi là sự chân thật, sự thành thật hoặc tâm hồn cởi mở. Chân lý hoặc sự chân thật là một nhân đức, cốt tại việc con người tỏ ra mình thành thật trong các hành vi của mình và thành thật trong các lời nói của mình, tránh xa lối sống hai mặt, dối trá và đạo đức giả.

24691807

“Con người không thể... chung sống với nhau nếu không tin nhau, xét như những người biểu lộ chân lý cho nhau.”226 Nhân đức chân thật trả lại cho người khác cách công bằng điều ta mắc nợ họ. Chân lý giữ sự trung dung chính đáng giữa điều phải được nói ra với điều bí mật phải giữ kín: chân lý bao hàm sự thành thật và sự kín đáo. Theo đức công bằng, “con người phải thành thật biểu lộ chân lý cho người khác.”227

2470

Người môn đệ Đức Kitô chấp nhận “sống trong chân lý”, nghĩa là, trong đời sống đơn sơ phù hợp với mẫu gương của Chúa và ở lại trong chân lý của Người. “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người, mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối, và không hành động theo sự thật” (1 Ga 1,6).

II. “Làm chứng cho chân lý” (2471-2474)

24711816

Trước mặt quan Philatô, Đức Kitô tuyên bố Người đã đến thế gian là để làm chứng cho chân lý.228 Kitô hữu không được “hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa” (2 Tm 1,8). Trong những trường hợp đòi phải làm chứng cho đức tin, Kitô hữu phải tuyên xưng đức tin một cách không úp mở, theo gương thánh Phaolô trước mặt các thẩm phán. Họ phải giữ “lương tâm không có gì đáng chê trách trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Cv 24,16).

2472863 / 905 / 1807

Bổn phận của các Kitô hữu là tham gia vào đời sống Hội Thánh, thúc đẩy họ hành động như những chứng nhân của Tin Mừng và chu toàn những nghĩa vụ phát xuất từ bổn phận đó. Làm chứng là lưu truyền đức tin bằng lời nói và việc làm. Làm chứng là một hành vi của đức công bằng nhằm thiết lập chân lý hoặc làm cho chân lý được nhận biết:229

Mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng từ lời nói để biểu lộ con người mới, mà họ đã mặc lấy qua bí tích Rửa Tội, và biểu lộ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng đã củng cố họ qua bí tích Thêm Sức.230

2473852 / 1808 / 1258

Sự tử đạo là việc làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tin; đó là sự làm chứng cho đến nỗi phải chết. Vị tử đạo làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, mà họ được liên kết với Người bằng đức mến. Vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và đạo lý Kitô Giáo. Vị tử đạo chịu chết bằng hành vi của đức can đảm. “Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú, nhờ chúng mà tôi được đến với Thiên Chúa.”231

24741011

Hội Thánh hết sức quan tâm thu thập các kỷ niệm về những vị đã làm chứng cho đức tin của mình cho đến cùng. Đó là Hạnh các vị Tử Đạo. Các hạnh này là những văn thư lưu trữ về Chân Lý được viết bằng máu:

“Những lãnh địa trần gian và các vương quốc đời này không ích gì cho tôi. Đối với tôi, thà chết trong Đức Kitô Giêsu, còn hơn được thống trị các lãnh địa của trái đất này. Tôi tìm kiếm Người, Đấng đã chết cho chúng ta; tôi khao khát Người, Đấng đã sống lại vì chúng ta. Tôi sắp được sinh ra...”232

“Con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã xét con xứng đáng với ngày này và giờ này, để con được dự phần vào số các vị tử đạo... Chúa đã thực hiện lời Chúa hứa, lạy Thiên Chúa, Đấng trung tín và không biết nói dối. Vì hồng ân này và vì tất cả mọi sự, con ngợi khen Chúa, con chúc tụng Chúa, con tôn vinh Chúa nhờ vị Thượng Tế vĩnh hằng trên trời là Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Chúa. Nhờ Người, con tôn vinh Chúa cùng với Người trong Chúa Thánh Thần, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.”233

III. Những xúc phạm đến chân lý (2475-2487)

2475

Các môn đệ của Đức Kitô đã “mặc lấy con người mới, là con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24). “Một khi đã cởi bỏ sự gian dối” (Ep 4,25), họ phải “từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1 Pr 2,1).

24762152

Làm chứng dối và thề gian. Khi được phát biểu công khai, một khẳng định nghịch với chân lý mang tính nghiêm trọng đặc biệt. Trước tòa án, lời nói như thế trở thành việc làm chứng dối.234 Khi quả quyết như thế mà còn thề, thì đó là thề gian. Những cách hành động này góp phần vào việc hoặc kết án người vô tội, hoặc gỡ tội cho phạm nhân, hoặc gia tăng hình phạt cho bị cáo.235 Những cách hành động này làm phương hại cách nghiêm trọng đến việc thực thi công lý và sự công bằng của bản án do các thẩm phán tuyên ra.

2477

Sự tôn trọng thanh danh của các nhân vị cấm mọi thái độ và mọi lời nói có thể gây thiệt hại cách bất công cho họ.236 Sẽ có lỗi khi:

Phán đoán hồ đồ, nghĩa là khi không có đủ cơ sở mà, ngay cả một cách thầm lặng, cho một khiếm khuyết về luân lý nơi người lân cận, là có thật.

Nói xấu, nghĩa là khi không có lý do chính đáng cách khách quan, mà lại tiết lộ những khiếm khuyết hoặc lỗi phạm của kẻ khác cho những người chưa biết;237

Vu khống, nghĩa là khi dùng những khẳng định nghịch với chân lý mà làm hại thanh danh kẻ khác và tạo cơ hội cho người ta phán đoán sai lầm về người đó.

2478

Để tránh phán đoán hồ đồ, mỗi người, bao nhiêu có thể, phải cố gắng giải thích theo nghĩa tốt, những tư tưởng, lời nói và việc làm của người lân cận:

“Mỗi Kitô hữu đạo đức phải mau mắn hiểu lời nói hay ý định tối nghĩa của người khác theo nghĩa tốt, hơn là lên án. Nếu không có lý do nào để có thể bào chữa, thì phải hỏi người đó có ý nói gì; nếu người đó nghĩ hay hiểu cách không đúng lắm, thì hãy sửa chữa cách dịu dàng; nếu như vậy chưa đủ, thì phải tìm mọi phương thế thích hợp giúp người đó hiểu đúng và thoát được sai lầm.”238

24791753

Nói xấu và vu khống hủy hoại thanh danh và danh dự của người lân cận. Mà danh dự là bằng chứng của xã hội đối với nhân phẩm, và mỗi người có quyền tự nhiên được hưởng danh dự, thanh danh và sự tôn trọng. Vì vậy, nói xấu và vu khống là phạm đến các nhân đức công bằng và bác ái.

2480

Mọi lời nói và mọi thái độ sau đây đều phải bị cấm: nịnh hót, bợ đỡ hoặc tâng bốc để thúc đẩy và khuyến khích kẻ khác làm điều xấu và hành động cách sai lầm. Bợ đỡ là một lỗi phạm nghiêm trọng, nếu là đồng lõa với các thói xấu hoặc các tội nghiêm trọng. Ý muốn giúp đỡ hoặc tình bằng hữu không biện minh được cho lời nói hai lòng. Bợ đỡ là một tội nhẹ khi chỉ có ý để lấy lòng người khác, để tránh một điều xấu, thoát khỏi một tình thế khó khăn hay để đạt được những lợi ích chính đáng.

2481

Khoe khoang hoặc khoác lác là một lỗi phạm nghịch với chân lý. Cũng phải nói như vậy về châm biếm, khi có ý làm mất uy tín một ai đó, bằng cách diễu cợt, với ý xấu, một điều gì trong cách hành động của người đó.

2482392

Nói dối là nói điều sai, với ý định đánh lừa kẻ khác.”239 Chúa tố giác sự nói dối là công việc của ma quỷ: “Cha các ngươi là ma quỷ... Sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).

2483

Nói dối là sự xúc phạm trực tiếp nhất đến chân lý. Nói dối là nói hay hành động nghịch với chân lý để dẫn đến sự sai lầm. Nói dối, vì làm hại cho tương quan của con người với chân lý và với người lân cận, nên xúc phạm đến tương quan nền tảng giữa con người và lời nói của con người với Chúa.

24841750

Tính nghiêm trọng của tội nói dối được đo lường tùy theo bản chất của chân lý mà tội đó đã làm sai lạc, tùy theo các hoàn cảnh và các ý hướng của kẻ nói dối, và những thiệt hại mà các nạn nhân của nó phải hứng chịu. Nếu sự nói dối tự nó chỉ là tội nhẹ, thì cũng trở thành tội trọng, khi nó xúc phạm cách nghiêm trọng đến các nhân đức công bằng và bác ái.

24851756

Sự nói dối tự bản chất là đáng lên án. Nó làm mất giá trị của lời nói, vốn có mục tiêu là truyền thông cho kẻ khác chân lý mình đã biết. Chủ ý đưa người khác vào sai lầm, bằng những khẳng định nghịch với chân lý, là lỗi phạm đến công bằng và bác ái. Tính quy tội càng lớn hơn, khi ý hướng đánh lừa có nguy cơ gây ra những hậu quả tai hại cho những ai bị lìa xa điều chân thật.

24861607

Sự nói dối (bởi vì xúc phạm đến nhân đức chân thật), thật sự là một bạo lực đối với tha nhân. Nó làm tổn thương người đó về khả năng nhận thức, là điều kiện của mọi phán đoán và mọi quyết định. Nó là mầm mống sự chia rẽ giữa các tâm trí và mầm mống mọi điều xấu do chia rẽ gây ra. Nói dối là tai họa cho mọi xã hội; nó phá hủy sự tin tưởng giữa con người và cắt đứt các tương quan dệt nên xã hội.

24871459 / 2412

Bất cứ lỗi phạm nào nghịch với sự công bằng và chân lý đều đòi phải có bổn phận đền bù, mặc dù tác giả của nó đã được tha thứ. Khi không thể đền bù lỗi phạm cách công khai, thì phải làm cách kín đáo; nếu không thể đền bù cách trực tiếp cho người bị hại, thì phải đền bù cho người ấy một cách luân lý, vì lý do bác ái. Bổn phận đền bù này cũng liên quan tới những lỗi phạm nghịch với thanh danh của người khác. Việc đền bù này - đền bù luân lý (moralis reparatio) và có khi là đền bù vật chất (materialis reparatio), - phải được thẩm định theo mức độ sự thiệt hại đã gây ra. Sự đền bù bắt buộc theo lương tâm.

IV. Tôn trọng chân lý (2488-2492)

24881740

Quyền truyền thông chân lý không phải là tuyệt đối. Mỗi người phải sống phù hợp với giới luật yêu thương huynh đệ của Tin Mừng. Trong những trường hợp cụ thể, giới luật này đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận xem có phải tỏ bày sự thật, hay không tỏ bày, cho người yêu cầu.

24892284

Đức mến và sự tôn trọng chân lý phải quyết định câu trả lời cho mọi yêu cầu thông tin hay truyền thông. Lợi ích và sự an toàn của tha nhân, sự tôn trọng đời tư, công ích, là những lý do đủ để làm thinh không nói điều người khác không được biết, hay để dùng lời lẽ khôn ngoan. Bổn phận tránh gây gương xấu thường đòi buộc phải im lặng nghiêm ngặt. Không ai bị buộc phải tỏ bày một sự thật cho người không có quyền được biết.240

24901467

Bí mật của bí tích Giao Hòa là thánh thiêng và không được tiết lộ bất cứ vì lý do nào. “Ấn tín bí tích là điều bất khả xâm phạm; vì thế, tuyệt đối cấm cha giải tội không được tiết lộ hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.”241

2491

Những bí mật nghề nghiệp - chẳng hạn, của các nhà chính trị, quân nhân, y sĩ, luật gia - hoặc chuyện tâm sự có lời thề giữ kín, phải được giữ bí mật, trừ những trường hợp ngoại lệ, là khi việc giữ bí mật sẽ gây ra cho người nói, người nghe, hoặc một đệ tam nhân, những thiệt hại rất nghiêm trọng, và chỉ có thể tránh được những điều đó bằng việc nói ra sự thật. Những chuyện riêng tư, mặc dầu không có lời thề giữ kín, cũng không được tiết lộ nếu có hại cho tha nhân, trừ khi có lý do nghiêm trọng và tương xứng.

24922522

Mỗi người buộc phải giữ sự thận trọng chính đáng đối với đời tư của các nhân vị. Những người có trách nhiệm về truyền thông phải giữ sự quân bình chính đáng giữa các đòi hỏi của công ích với sự tôn trọng các quyền cá nhân. Sự xâm phạm của thông tin vào đời tư của những người hoạt động chính trị hoặc hoạt động công cộng là đáng lên án, tùy theo mức độ nó phạm đến sự riêng tư và sự tự do của họ.

V. Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (2493-2499)

2493

Trong xã hội hiện đại, các phương tiện truyền thông xã hội có một vai trò khá quan trọng trong việc thông tin, việc thăng tiến văn hóa và việc đào tạo. Vai trò này gia tăng vì các tiến bộ kỹ thuật, vì lượng thông tin phong phú và đa dạng, vì ảnh hưởng của nó trên dư luận.

24941906

Việc thông tin nhờ các phương tiện truyền thông nhằm phục vụ công ích.242 Xã hội có quyền được biết những thông tin dựa trên sự thật, sự tự do, đức công bằng và tình liên đới.

“Việc thực thi đúng đắn quyền này đòi hỏi nội dung của việc truyền thông phải luôn xác thực và, vẫn giữ đức công bằng và bác ái, phải luôn đầy đủ; ngoài ra, về cách thức, truyền thông phải lương thiện và thích hợp, nghĩa là, phải tuyệt đối tuân giữ các luật luân lý, các quyền hợp pháp và phẩm giá của con người, cả trong việc săn tin lẫn việc loan tin.”243

2495906

“Điều cần thiết là mọi thành phần của xã hội cũng phải chu toàn các bổn phận công bằng và bác ái của mình trong lãnh vực này; vì vậy, họ cũng phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để góp phần làm nên và truyền bá những dư luận lành mạnh.”244 Tình liên đới xuất hiện như hiệu quả của sự truyền thông chân thật và công bằng, và của việc tự do lưu hành các ý tưởng, là những điều cổ võ sự hiểu biết và tôn trọng tha nhân.

24962525

Những phương tiện truyền thông xã hội (đặc biệt những phương tiện thông tin đại chúng) có thể làm phát sinh một tâm hồn thụ động nào đó nơi những người tiếp nhận, khiến họ trở thành những người tiêu thụ thiếu cảnh giác đối với những thông tin và hình ảnh được phổ biến. Bởi vậy, những người tiếp nhận phải giữ điều độ và kỷ luật đối với các phương tiện thông tin đại chúng. Họ phải tạo cho mình một lương tâm sáng suốt và ngay thẳng, nhờ đó họ có thể chống lại những ảnh hưởng thiếu lương thiện một cách dễ dàng hơn.

2497

Chính vì nhiệm vụ của mình, những người có trách nhiệm về việc thông tin, khi phổ biến thông tin, có nghĩa vụ phục vụ chân lý và không được xúc phạm tới đức bác ái. Họ cũng phải cố gắng để vừa tôn trọng bản chất các sự kiện, vừa tôn trọng những giới hạn của việc phê phán các nhân vị. Họ phải tránh phỉ báng.

2498

Quyền bính dân sự có những bổn phận đặc biệt trong vấn đề này vì công ích... Vì nhiệm vụ của mình, họ phải bảo vệ và bênh vực sự tự do đích thực và chính đáng trong việc thông tin.”245 Bằng cách ban hành các luật lệ và xem xét việc áp dụng các luật lệ đó, công quyền phải bảo đảm “kẻo việc sử dụng sai các phương tiện truyền thông khiến gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho phong hóa và cho những tiến bộ của xã hội.”246 Họ phải trừng phạt việc vi phạm quyền giữ thanh danh và bí mật đời tư của mỗi người. Chính quyền phải thông báo kịp thời và đúng đắn những thông tin liên hệ đến lợi ích của đại chúng hoặc giải đáp những bận tâm chính đáng của dân chúng. Không gì có thể biện minh cho việc dùng những phương tiện truyền thông để đưa ra những thông tin sai lạc nhằm lèo lái dư luận. Những can thiệp của chính quyền không được làm tổn thương sự tự do của các cá nhân và các nhóm.

24991903

Ý thức luân lý tố giác tai họa của các Nhà Nước độc tài, xuyên tạc chân lý một cách có hệ thống, dùng các phương tiện truyền thông để thống trị dư luận về chính trị, “giật dây” các bị cáo và chứng nhân trong các vụ án công khai và cho rằng họ củng cố được ách chuyên chế của họ bằng cách ngăn chặn và đàn áp những gì họ coi như “trọng tội về tư tưởng.”

VI. Chân lý, vẻ đẹp và nghệ thuật thánh (2500-2503)

25001804 / 341 / 2129

Niềm vui tinh thần và vẻ đẹp luân lý, đi đôi với việc thực thi điều thiện. Cũng vậy, chân lý mang lại niềm vui và ánh huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Chân lý, tự nó, là đẹp. Chân lý được diễn tả bằng lời nói, sự diễn tả hữu lý của nhận thức về thực tại được tạo dựng và không được tạo dựng, là cần thiết cho con người đã được phú ban trí tuệ, nhưng chân lý cũng có thể được con người diễn tả bằng những hình thức khác nhau, để bổ túc cho nhau, nhất là khi vấn đề phải gợi lên lại bao hàm điều khôn tả, những điều sâu thẳm của trái tim con người, những điều cao vời của linh hồn và mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngay trước khi Ngài tự mặc khải cho con người bằng những lời chân lý, Thiên Chúa đã được mặc khải cho họ qua ngôn ngữ phổ quát là công trình tạo dựng, tác phẩm của Ngôi Lời của Ngài, của Đức Khôn Ngoan của Ngài: qua trật tự và sự hài hòa của vũ trụ - cả trẻ thơ lẫn nhà khoa học đều khám phá được -, “vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ, thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13,5), “vì chính Đấng Tạo hóa mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13,3).

Thật vậy, Đức Khôn Ngoan “tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố; Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Ngài” (Kn 7,25-26). “Đức Khôn Ngoan rực rỡ hơn mặt trời, trổi vượt muôn tinh tú; so với Đức Khôn Ngoan, ánh sáng còn kém xa. Bởi trước màn đêm, ánh sáng đành phải lui bước. Còn Đức Khôn Ngoan, chẳng gian tà nào thắng nổi” (Kn 7,29-30). “Vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm” (Kn 8,2).

2501339

“Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”,247 con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Sáng Tạo bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn tả chỉ riêng con người mới có; vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn những nhu cầu sinh tồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo hóa ban, và từ nỗ lực của chính con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo,248 để tạo hình thể cho chân lý của một thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận được bằng mắt thấy và bằng tai nghe. Như vậy, nghệ thuật bao hàm một sự tương tự nào đó với hoạt động của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, theo mức độ nghệ thuật được gợi hứng bởi chân lý về vạn vật và lòng yêu mến vạn vật. Cũng như bất cứ hoạt động nào khác của con người, nghệ thuật không có mục đích tuyệt đối nơi chính nó, nhưng được quy hướng về con người, và trở nên cao quý nhờ mục đích tối hậu là con người.249

25021156-1162

Nghệ thuật thánh sẽ thật và đẹp, khi nhờ hình thức thích hợp, nó đáp ứng với ơn gọi riêng của nó: trong đức tin và trong sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Kitô, Đấng “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3), “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9), Người là vẻ đẹp thiêng liêng đang tỏa chiếu nơi Đức Trinh Nữ rất thánh Mẹ Thiên Chúa, nơi các Thiên thần và các Thánh. Nghệ thuật thánh đích thực đưa con người đến việc tôn thờ, việc cầu nguyện và việc yêu mến Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa và Cứu Độ, Đấng Thánh Thiện và Thánh Hóa.

2503

Vì vậy, các Giám mục, hoặc chính các ngài hoặc qua các vị đại diện, phải lưu tâm cổ võ nghệ thuật thánh, cổ truyền cũng như hiện đại, trong mọi hình thức của nó, và, cũng với sự lưu tâm đạo hạnh đó, loại trừ khỏi phụng vụ và những nơi thờ phượng mọi điều không phù hợp với chân lý đức tin và với vẻ đẹp đích thực của nghệ thuật thánh.250

Tóm lược (2504-2513)

2504

“Ngươi không được làm chứng gian hại người” (Xh 20,16). Các môn đệ của Đức Kitô đã “mặc lấy con người mới là con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24).

2505

Chân lý hoặc sự chân thật là một nhân đức, cốt tại việc con người tỏ ra mình thành thật trong các hành vi của mình, và thành thật trong các lời nói của mình, tránh xa lối sống hai mặt, dối trá và đạo đức giả.

2506

Kitô hữu không được “hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa” (2 Tm 1,8) bằng việc làm cũng như bằng lời nói. Sự tử đạo là việc làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tin.

2507

Sự tôn trọng thanh danh và danh dự của các nhân vị cấm mọi thái độ và mọi lời nói nhằm nói xấu hay vu khống.

2508

Nói dối là nói điều sai sự thật, với ý định đánh lừa người lân cận.

2509

Ai lỗi phạm nghịch với chân lý thì buộc phải đền bù.

2510

“Khuôn vàng thước ngọc” (“Regula aurea”), trong những trường hợp cụ thể, giúp chúng ta phân định xem có phải tỏ bày sự thật, hay không tỏ bày, cho người yêu cầu.

2511

“Ấn tín bí tích là điều bất khả xâm phạm.”251 Các bí mật nghề nghiệp phải được giữ kín. Không được tiết lộ những chuyện tâm sự có thể làm hại cho những người khác.

2512

Xã hội có quyền được biết những thông tin dựa trên sự thật, sự tự do, đức công bằng. Phải giữ điều độ và kỷ luật khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.

2513

Mỹ thuật, nhưng chủ yếu là nghệ thuật thánh, “tự bản chất, nhằm diễn tả vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, được cảm nghiệm một cách nào đó qua những tác phẩm của con người; nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác, ngoài sự góp phần tối đa để quy hướng tâm trí con người sốt sắng về cùng Thiên Chúa.”252


Chú thích

214 X. Cn 8,7; 2 Sm 7,28.

215 X. Tv 119,142.

216 X. Lc 1,50.

217 X. Tv 119,30.

218 X. Ga 1,14.

219 X. Ga 14,6.

220 X. Ga 12,46.

221 X. Ga 8,31-32.

222 X. Ga 17,17.

223 X. Ga 14,17.

224 X. Ga 14,26.

225 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 2: AAS 58 (1966) 931.

226 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 109, a. 3, ad 1: Ed. Leon. 9, 418.

227 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 109, a. 3, c: Ed. Leon. 9, 418.

228 X. Ga 18,37.

229 X. Mt 18,16.

230 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes, 11: AAS 58 (1966) 959.

231 Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, Epistula ad Romanos, 4, 1: SC 10bis, 110 (Funk 1,256).

232 Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, Epistula ad Romanos, 6, 1: SC 10bis, 114 (Funk 1,258-260).

233 Martyrium Polycarpi, 14, 2-3: SC 10bis, 228 (Funk 1,330-332).

234 X. Cn 19,9.

235 X. Cn 18,5.

236 X. Bộ Giáo Luật, điều 220.

237 X. Hc 21,28.

238 Thánh Inhaxiô Lôyôla, Exercitia spiritualia, 22: MHSI 100,164.

239 Thánh Augustinô, De mendacio, 4, 5: CSEL 41,419 (PL 40,491).

240 X. Hc 27,17; Cn 25,9-10.

241 Bộ Giáo Luật, điều 983,1.

242 X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Inter mirifica, 11: AAS 56 (1964) 148-149.

243 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Inter mirifica, 5: AAS 56 (1964) 147.

244 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Inter mirifica, 8: AAS 56 (1964) 148.

245 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Inter mirifica, 12: AAS 56 (1964) 149.

246 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Inter mirifica, 12: AAS 56 (1964) 149.

247 X. St 1,26.

248 X. Kn 7,17.

249 X. ĐGH Piô XII, Nuntius radiophonicus (25/12/1955): AAS 48 (1956) 26-41; Id., Nuntius radiophonicus sociis sodalitatis iuvenum operariorum christianorum (J.O.C.) (3/9/1950): AAS 42 (1950) 639-642.

250 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 122-127: AAS 56 (1964) 130-132.

251 Bộ Giáo Luật, điều 983,1.

252 CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 122: AAS 56 (1964) 130-131.

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)