Chương 2 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Gio-an
Câu 1-3. Có ý kiến cho rằng Đức Ma-ri-a lúc này đã là một góa phụ. Vì chưa biết tới quyền năng của Con mình, phần vì cảm thông với đôi vợ chồng mới cưới, Đức Ma-ri-a đã đưa ra thỉnh cầu theo cách nhẹ nhàng và khiêm tốn: “Họ hết rượu rồi.”
Câu 4. Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? - Câu này nghe có phần nghiêm trọng. Hầu hết các Giáo Phụ và các nhà chú giải uy tín đều hiểu rằng ở đây, Chúa Giê-su nói với Mẹ mình không phải dưới tư cách là con người và Con của Đức Ma-ri-a, nhưng dưới tư cách là Thiên Chúa; với tính chất hội thoại như vậy, Ngài nói với mẹ mình: tôi không có điểm nào chung với bà. Bà không có quyền ra lệnh xem khi nào các phép lạ sẽ được thực hiện, chúng không được liệu trước bởi bất cứ sự tôn kính, vị nể nào dành cho con người. Tôi biết khi nào quyền năng của tôi sẽ được biểu lộ vì vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa.
Giờ của tôi chưa đến - Tức là chưa tới lúc Ngài thấy cần phải thực hiện phép lạ.
Câu 15. xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ - Làm sao một Người trong tư cách là con của bác thợ mộc Giu-se, Người mà thiên tính của Ngài vẫn chưa được mọi người biết đến, lại có thể thành công trong việc xua đuổi một đám đông lớn như vậy ra khỏi Đền Thờ? Chắc hẳn đã có một điều gì đó thần linh được biểu lộ nơi hành vi và vẻ bề ngoài của Đấng Cứu Độ, đến nỗi đám đông xung quanh không dám chống cự. Đối với học giả Ôrigiênê, phép lạ này của Chúa, thứ chế ngự được khuynh hướng chống đối, ngỗ nghịch của rất nhiều người, là một sự biểu lộ quyền năng vượt trên những gì mà Người đã thực hiện khi biến đổi bản tính của nước trong tiệc cưới Ca-na. Ở đây, Chúa Giê-su cho dân chúng thấy sự tôn trọng mà Người đòi hỏi người ta phải có đối với Đền Thờ của Thiên Chúa; và Thánh Phao-lô, khi nhắc đến những người làm ô uế Hội Thánh Chúa, đã nói rằng: “Ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy” (1 Cr 3,17). Theo nghĩa thiêng liêng, nó có thể được hiểu là linh hồn con người, là đền thờ sống động của Thiên Chúa Hằng Sống.
Câu 23-24. có nhiều kẻ tin vào danh Người... Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy - Người biết sự yếu đuối, bất ổn và thất thường của họ. Người biết họ sẽ từ bỏ Người ngay khi có dịp; và rằng Cuộc Khổ Nạn, thập giá và giáo lý của Người sẽ khiến họ vấp ngã. Thánh Augustinô đã so sánh những tín hữu đầu tiên này với những người dự tòng. Mặc dù họ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, tuyên xưng danh Người và làm dấu thánh giá trên trán mình, nhưng Người không hoàn toàn tin tưởng họ; Người không tin chắc về sự hiểu biết của họ đối với các mầu nhiệm của Người và không tiết lộ cho họ những điều kín ẩn trong Đạo. Vì thế, trước đây, những người dự tòng không được phép có mặt khi Hội Thánh cử hành các mầu nhiệm của hy tế thánh lễ, họ ra về sau khi đã được hướng dẫn bằng Tin Mừng, khi ấy, phần đầu của thánh lễ thường được gọi là thánh lễ của những người dự tòng. Ngày nay, sau những đổi mới về phụng vụ được thực hiện dưới triều đại Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, chúng ta gọi phần đầu của thánh lễ là Phụng vụ Lời Chúa.