Chương 11 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 3. hàng ngày - Bản văn Hy-lạp sử dụng tính từ ἐπιούσιος [epiousios], tức là siêu bản thể, hay siêu vượt bản thể vật chất [supersubstantial]. Đây không phải là loại bánh (lương thực) đi vào thể xác, nhưng là bánh thuộc về đời sống vĩnh cửu giúp nâng đỡ sự sống của linh hồn.
Ở đây, nó được gọi là lương thực hàng ngày. Vậy hãy lãnh nhận hàng ngày, lương thực ấy sẽ hàng ngày đem lại lợi ích cho bạn; để tiếp tục sống như vậy, bạn cũng phải ở trong tình trạng xứng hợp với việc lãnh nhận nó. Tất cả những ai sống trong tình trạng tội lỗi đều mang thương tích và phải tìm một phương pháp chữa trị. Phương pháp đó chính Bí tích có tính thiên quốc và đáng kính bậc nhất này (x. Thánh Augustinô, On the Sermon on the Mount, Book II).
Câu 4. Chúa Ki-tô không dạy chúng ta cầu nguyện để giải quyết những nỗi ưu phiền của thân xác, nhưng luôn truyền cho chúng ta phải cầu nguyện để không sa chước cám dỗ. Vì thế, khi cơn cám dỗ đến, hãy cầu xin ân sủng của Thiên Chúa để chịu đựng nó, có như vậy, lời hứa trong Mt 10,22, “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát,” mới ứng nghiệm nơi chúng ta.
Câu 5. Dụ ngôn này chỉ xuất hiện duy nhất trong Tin Mừng Lu-ca. Ở đây, sau khi dạy các môn đệ cách thức cầu nguyện, Chúa Giê-su đã bảy tỏ tính hữu ích và hiệu quả của lời cầu nguyện nói chung. Ngài muốn khắc sâu vào tâm trí họ vai trò thiết yếu của sự kiên trì trong cầu nguyện. Như ta thấy trong dụ ngôn, anh bạn quấy rầy tới vay mượn bạn mình vào lúc không thích hợp và đã bị từ chối, nhưng nhờ kiên trì nài nỉ trước cửa nhà, anh đã đạt được điều mà lẽ ra chẳng được nếu không có sự kiên trì đó. Vì thế, Đấng Toàn Năng cũng mong được chúng ta quấy rầy, mong được thấy chúng ta cầu nguyện trong sự kiên trì và sốt sắng. Anh bạn trong dụ ngôn chính là hình mẫu để chúng ta noi theo. Thiên Chúa nhân lành hẳn không khuyên chúng ta cầu nguyện tha thiết như vậy nếu Ngài không sẵn sàng nhậm lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta hãy lấy làm xấu hổ trước sự lười biếng của mình: Thiên Chúa đã sẵn sàng ban cho hơn là chúng ta sẵn sàng đón nhận.
Câu 9. Xem Chú giải Mt 7,7.
Câu 24-26. Dụ ngôn này không chỉ dành cho người Do-thái, những người đã được Thiên Chúa cứu thoát khỏi cảnh lưu đày và sự chế ngự của ma quỷ nhờ chiên Vượt Qua và Luật Mô-sê; nhưng còn dành cho các Ki-tô hữu, là những người đã được giải thoát khỏi tình trạng ô uế của tội lỗi nhờ chịu phép Rửa. Do bỏ bê, trễ nải việc linh hồn và bất cẩn trước sự tấn công của ma quỷ, những nết xấu mà họ tưởng như đã bị dập tắt sẽ quay trở lại, kết quả là không chỉ những nết xấu đó, mà vô số những khuynh hướng xấu xa khác, dưới hình ảnh bảy quỷ, sẽ chiếm lấy tâm hồn họ. Tình trạng của họ sẽ tệ hơn trước vì phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn cho những tội phạm phải sau này.
Câu 27-28. Ở đây, Chúa Giê-su không bác bỏ câu nói của người phụ nữ, hay phủ nhận Đức Ma-ri-a là người được chúc phúc, nhưng nhấn mạnh đến lợi ích của những ai biết chú ý lắng nghe lời giảng của Ngài. Còn về Đức Ma-ri-a, thì như Thánh Augustinô đã nói, Mẹ hạnh phúc vì có Đấng Cứu Độ ngự trong tâm hồn hơn là cưu mang Ngài trong dạ.
Câu 45. Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa! - Việc được sửa dạy và phê bình luôn mang lại lợi ích cho cho những người hiền lành, nhưng trở nên không thể chịu nổi đối với những kẻ dữ. Ở đây, khi nghe Chúa Giê-su lên tiếng cảnh báo nhóm Pha-ri-sêu vì đã lạc xa chính lộ, các luật sĩ cảm thấy bị xúc phạm vì cho rằng những lời ấy cũng có thể áp dụng cho mình. Thật đáng buồn cho những lương tâm khi nghe lời Thiên Chúa lại thấy bị xúc phạm, khi nghe án phạt cho những kẻ bị ruồng bỏ lại thấy đó là những lời kết án dành cho chính mình.
Câu 52. cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết - Theo cha Robert Witham, chìa khóa của sự hiểu biết ở đây là đức tin, vì như lời ngôn sứ I-sai-a (Is 33,6 bản Kinh Thánh Douay-Rheims), đức tin giúp chúng ta hiểu biết các chân lý.