Chương 10 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 1. bảy mươi hai - Đa số các bản sao Kinh Thánh bằng Tiếng Hy-lạp, hay phiên bản Tiếng Syriac, cũng như bản dịch của người Tin Lành, đều ghi là bảy mươi. Mặc dù vậy, không có gì phải nghi ngờ về con số này, bởi lẽ trong Kinh Thánh, số bảy mươi hai cũng có thể được gọi là bảy mươi, trong khi ngược lại thì không. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua Xh 24,1 và Ds 11,16; cả hai câu này đều nói về bảy mươi người trong hàng kỳ mục Ít-ra-en được chọn để đi với ông Mô-sê tới Lều Hội Ngộ, nhưng nếu ông chọn ra từ mười hai chi tộc, mỗi chi tộc sáu người, thì con số đúng phải là bảy mươi hai. Điều tương tự như vậy cũng xảy ra với số lượng các thông dịch viên đã hoàn thành bản Kinh Thánh Septuagint (bản Bảy Mươi), hay số các thành viên trong Thượng Hội Đồng (Sanhedrim) của người Do-thái.
từng hai người một - Như thế, mỗi người trong số họ có thể trợ giúp, đồng thời, làm chứng cho công việc của người đồng hành với mình.
Câu 4. đừng chào hỏi ai dọc đường - Tức là hãy lên đường với tư thế của người mau chóng thi hành sứ vụ, tránh mất thì giờ trò chuyện hay vướng bận vào những việc trần thế gặp ở dọc đường. Đây cũng là một câu châm ngôn mà ông Ê-li-sa đã nói với Giê-kha-di khi sai anh ta đi hoàn sinh con trai bà Su-nêm: “Hãy thắt lưng, cầm gậy của ta mà đi! Gặp ai thì đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại” (2 V 4,29).
Câu 18. Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống - Câu này có thể hiểu theo hai nghĩa khác nhau, (1) hoặc Chúa Giê-su muốn nói rằng Người đã thấy Xa-tan và các thiên thần sa ngã, cùng với vinh quang của chúng, từ trời sa xuống. Vì thế, các môn đệ nên biết e sợ và cảnh giác mặc dù họ đã nhận được ân huệ Chúa ban để thực hiện các phép lạ. (2) Hoặc Chúa Giê-su muốn nói rằng đã tới giờ ma quỷ bị hạ bệ, giống như những gì Người khẳng định ở Ga 12,31: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!”
Chú giải của cha Robert Witham: Đâu là mối liên hệ giữa câu này và câu trước đó? (Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”) Một số người hiểu rằng, như vậy, triều đại của ma quỷ đã tới ngày tàn, tên hoàng tử bóng tối sắp bị lật đổ, hắn sẽ sa xuống từ trời như một tia chớp, thứ xuyên qua những đám mây và mau chóng tắt ngấm... Trong khi một số khác cho rằng Đức Giê-su đang muốn nói đến sự sa ngã của Lu-xi-phe vào lúc khởi đầu công trình sáng tạo (Lu-xi-phe, hay Lucifer, là danh xưng mà bản Kinh Thánh La-tinh Vulgate sử dụng cho nhân vật được nhắc tới đầu Is 14,12; trong khi bản Bảy Mươi dịch là ἑωσφόρος - kẻ mang lại ánh sáng, hay tinh tú rạng ngời, hay con của bình minh). Qua trường hợp của Lu-xi-phe (một thiên thần sáng láng đầy quyền năng nhưng sự kiêu ngạo đã biến y thành thủ lãnh của ma quỷ), Chúa Giê-su muốn dạy cho các môn đệ một bài học về sự khiêm nhường, bởi có thể Người đã thấy một sự tự mãn nào đó nơi các ông về những phép lạ do tay mình thực hiện. Người muốn nói với các ông rằng: Hãy coi chừng về sự kiêu ngạo, thứ đã đẩy thiên thần đầu tiên sa xuống từ trời: “Thầy đã thấy hắn trong vinh quang sáng láng và Thầy cũng đã thấy hắn sa xuống tận vực thẳm. Hãy biết run sợ, vì e rằng điều tương tự cũng sẽ xảy ra với anh em.” Cách giải thích thứ nhất có vẻ đơn giản và ngả theo nghĩa đen nhiều hơn.
Câu 19. rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù - Đối với người Do-thái, bệnh tật, nọc độc, và những thứ tương tự, đều do ma quỷ gây ra.
Câu 21. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất - Lời chúc tụng này của Chúa Giê-su bác bỏ chủ trương của Marcion thành Sinope (85-160) rằng Thiên Chúa không phải là Đấng dựng nên trời đất hay bất cứ sự vật nào tồn tại trên trái đất. Theo Thánh Epiphanius, trong cuốn “phúc âm” biên soạn cho những người theo phái ngộ đạo của mình (vốn dựa trên Phúc Âm Lu-ca), Marcion đã hoàn toàn bỏ qua hai chữ “Cha” và “trời đất”.
Câu 25. sự sống đời đời - Trên thực tế, Luật Mô-sê không đưa ra lời hứa rõ ràng về sự sống đời đời cho những người tuân giữ, nhưng chỉ giới hạn những lời hứa của nó trong phúc lành cho cuộc sống ở trần gian. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng người Do-thái luôn hy vọng vào một đời sống mai hậu. Quan điểm này có thể được thấy rất rõ trong các Thánh thư được viết cả trước và sau thời Lưu đày, cũng như trong các tác phẩm của Josephus và Philo.
Câu 29. ai là người thân cận của tôi? - Có vẻ một cuộc tranh luận đã xảy ra giữa các nhà thông luật về ý nghĩa của cụm từ “người thân cận”, một số có lẽ cho rằng nó chỉ bao gồm những người Do-thái, trong khi số khác giới hạn là chỉ riêng những người bạn của mình.
Câu 36. ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp - Nếu chỉ đọc những câu văn của dụ ngôn này cách đơn thuần, chúng ta có thể sẽ hiểu lầm rằng chỉ những ai đối xử tốt với mình mới được coi là người thân cận, chẳng hạn, đối với người bị rơi vào tay kẻ cướp, chỉ có người Sa-ma-ri nhân hậu là người thân cận, vì ông đã cứu chữa anh, trong khi thầy tư tế và thầy Lê-vi thì không phải, vì họ đã bỏ mặc khi thấy anh nửa sống nửa chết. Tuy nhiên, theo quan điểm của hầu hết các giáo phụ, dụ ngôn này chỉ có mục đích ngụ ý rằng bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của chúng ta đều là người thân cận của chúng ta.
Qua dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân hậu, Chúa Giê-su muốn chỉ ra sự phi lý của những người mặc dù thực hiện cách nghiêm chỉnh và tỉ mỉ các hành vi tôn giáo bên ngoài, nhưng lại hoàn toàn bỏ bê những công việc của lòng đạo đức, lòng thương xót và các nghĩa vụ khác cần thiết hơn. Mặc dù người Do-thái luôn cho người Sa-ma-ri là quân vô đạo, phường tội lỗi, nhưng có những khi, chính họ lại là những người thực hành đức ái thua kém hơn và sai lệch về ý nghĩa so với người Sa-ma-ri.
Theo học giả Origênê, Thánh Giêrônimô, Thánh Ambrôsiô, Thánh Augustinô và những người khác, trong dụ ngôn này, người bị cướp tượng trưng cho A-đam và dòng dõi nhân loại; Giê-ru-sa-lem là bình an và tình trạng công chính nguyên thủy; Giê-ri-khô là tình trạng bất an, hỗn loạn và tội lỗi; bọn cướp đại diện cho ma quỷ, kẻ đánh cắp những ân huệ siêu nhiên của con người và gây cho họ những thương tích trên các khả năng tự nhiên; thầy tư tế và thầy Lê-vi tượng trưng cho Lề Luật Cựu Ước; người Sa-ma-ri là Đức Ki-tô, con lừa là nhân tính của Người. Quán trọ là hình ảnh của Giáo Hội; rượu là bửu huyết của Chúa Ki-tô, dầu là lòng thương xót Chúa; trong khi người chủ quán trọ biểu thị cho Thánh Phê-rô và những người kế vị ngài, cùng với các Giám mục và linh mục trong Hội Thánh.
Câu 38-42. Từ câu chuyện của hai thánh Mác-ta và Ma-ri-a, Thánh Augustinô chỉ ra hai trạng thái của đời sống người Ki-tô hữu bao gồm hoạt động và chiêm niệm (Sermon XXVII, De verbis Domini).
Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi - Đó chính là học hỏi và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa.