Chương 17 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 1. Không thể không có - Vì thế gian đã ra hư hỏng từ trong chính hiện hữu của nó và sự dữ đã lan tràn khắp nơi, nên không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã.
Câu 2. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển - Đây là hình phạt mà người Do-thái áp dụng cho những tội nhân khét tiếng. Như vậy, Chúa dạy chúng ta rằng thà phải chịu những cực hình đau đớn nhất, còn hơn là làm cớ cho anh em mình vấp ngã. Tuy nhiên, theo Thánh Bê-đa, nếu có người anh em vấp ngã vì một việc tốt của chúng ta, thì cũng đừng vì thế mà thôi làm điều tốt hay từ bỏ sự thật.
Trong phần đầu chương này, bốn lời dạy của Chúa Giê-su được Thánh Lu-ca thuật lại tương đối rời rạc. Chúng có thể được sắp xếp mạch lạc hơn trong Mt 18,14 tt.
Câu 5. xin thêm lòng tin cho chúng con - Để họ có thể đủ sức tuân theo những giáo huấn mà Chúa Giê-su vừa công bố.
Câu 14. Hãy đi trình diện với các tư tế - Qua việc truyền cho những người bị phong hủi được sạch đi trình diện tư tế, Chúa Giê-su muốn (1) tỏ cho các tư tế về việc chữa lành của Ngài, để họ có thể nhận biết Ngài là Đấng Mê-si-a; (2) để những người được sạch có thể tái hòa nhập cộng đồng, sau khi đã tuân thủ những gì luật Mô-sê quy định và được chứng thực là khỏi bệnh. Ngoài ra, theo Thánh Augustinô, Ngài muốn truyền cho những người bị phong hủi tội lỗi hãy đến trình diện các linh mục. Vì vậy, đừng có ai trong anh em bỏ qua lệnh truyền này và nói rằng chỉ cần xưng tội với Chúa là đủ.
Câu 19. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh - Như vậy, người Sa-ma-ri này chẳng những được sạch về thân xác, nhưng còn được sạch cả về tâm hồn, điều mà chín người phong hủi khác không được Tin Mừng nói tới.
Câu 20-21. bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến - Người Do-thái thời bấy giờ quan niệm về Đấng Mê-si-a hoàn toàn khác với những gì mà họ thấy nơi Đức Giê-su; đồng thời, Triều Đại Thiên Chúa mà họ mong chờ cũng mang nghĩa là một vương quốc hùng mạnh trên trần gian. Nhưng Đức Giê-su khẳng định “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”, triều đại ấy đã được khai mạc với sự hiện diện của Đấng Mê-si-a là chính Ngài. Triều Đại ấy không đến như một điều có thể quan sát được.
Câu 22. Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy - Ở đây, Chúa Giê-su tiên báo cho các môn đệ rằng sẽ tới ngày họ không còn được thấy sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Ngài nữa. Họ sẽ phải chịu bắt bớ, bách hại; và trong những ngày ấy, họ không còn cơ hội được gặp mặt và trò chuyện trực tiếp với Ngài. Điều này thôi thúc các ông biết tận dụng và quý trọng hơn từng giây phút mình đang sống.
Câu 24-30. Qua hình ảnh ánh chớp cùng với những sự kiện trong thời ông Nô-ê và ông Lót, Chúa Giê-su muốn nêu bật tính chất đột ngột và bất ngờ của ngày Người quang lâm. Ngày ấy, người ta vẫn mải mê những sự thế gian và hoàn toàn quên mất sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính vào giây phút họ không ngờ, vào giờ họ không hay, thì Người trở lại trong vinh quang như “ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia”. Ánh chớp ấy soi chiếu mọi ngõ ngách, làm lộ ra những gì còn ẩn khuất trong thâm tâm con người, đến nỗi mọi điều, dù là nhỏ nhất, cũng sẽ bị phơi bày.
Câu 32. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót - Trong câu chuyện này, ông Lót đã thoát khỏi sự hủy diệt bằng cách bỏ lại mọi sự và chạy khỏi thành Xơ-đôm, trong khi vợ ông, vì lưu luyến những thứ mình đã bỏ lại và ngoái nhìn, nên đã hóa thành cột muối (St 19,26); vậy những ai trong lúc hoạn nạn mà quên mất phần thưởng đang chờ đợi mình trên thiên đàng để nhìn lại những thú vui trần thế, thì chắc chắn sẽ bị diệt vong.
Câu 34-36. Qua những hình ảnh minh họa khác nhau này, Chúa Giê-su ngụ ý rằng trong mọi bậc sống đều có cả người lành và kẻ dữ.
Câu 37. Xem Chú giải Mt 24, câu 28.