Chương 16 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 1. Một nhà phú hộ kia có một người quản gia - Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy biết thực thi những công việc của lòng thương xót đối với người nghèo, song song với những việc đền tội; đồng thời, Ngài cũng gợi ra cách thức sử dụng phù hợp mà mỗi người phải có đối với của cải Chúa ban.
Nếu như trong ba dụ ngôn trước, Ngài khuyến khích lòng ăn năn sám hối của các tội nhân để được hưởng ơn cứu độ, thì trong dụ ngôn này, Ngài dạy những người đã được ơn hoán cải, tùy theo ơn gọi, phải hết sức cẩn trọng trong việc gìn giữ ân huệ vô giá ấy.
Theo cha Calmet, hình ảnh “viên quản gia” trong dụ ngôn cũng nhắc nhở chúng ta rằng ở đời này, cho dù con người có giàu có hay quyền thế đến mức nào đi chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn là chủ nhân của họ; họ chỉ là những đầy tớ của Ngài và phải chịu trách nhiệm trước nhan Ngài về cách họ quản lý những ân huệ Ngài ban, tức là tất cả những gì họ đã có.
Câu 2. gọi anh ta đến - Đó là tiếng gọi mà Chúa vẫn gửi đến cho chúng ta mỗi ngày. Mỗi ngày, chúng ta đều thấy những người khỏe mạnh và sống bình thường, như bất cứ ai trong chúng ta, bỗng dưng bị triệu tập bằng cái chết bất ngờ để đi trình bày về công việc quản lý mình đang đảm nhận. Phúc thay cho người nào được triệu tập, nếu người ấy là một đầy tớ trung tín, kẻ có lý do để hy vọng vào công việc quản lý trung tín của mình. Và đáng buồn thay cho người nào được triệu tập, nếu người ấy là một đầy tớ bất trung, kẻ chỉ dành chức vụ quản gia để theo đuổi những gì thuộc về trần thế. Người ấy sẽ ra đi với sự lo lắng buồn phiền, và khi đột nhiên có tiếng phán rằng “từ nay anh không được làm quản gia nữa”, người ấy hẳn sẽ tự nói với mình: “Mình sẽ làm gì đây?”
Câu 8. khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo - Ở đây, ông chủ không khen viên quản gia vì chuyện gian lận và bất công của anh ta, nhưng khen sự khôn khéo mà anh ta sử dụng nhằm mưu tìm tư lợi. Vậy nếu sự khôn khéo trong một hành vi bất công như thế còn được Thiên Chúa khen ngợi, hẳn Người sẽ vui mừng biết bao nếu chúng ta biết vâng nghe các mệnh lệnh Người truyền và lấy các việc bác ái, bố thí để đền tội.
Trong việc mưu tìm lợi lộc thế gian, quả thực con cái đời này khôn khéo hơn những gì mà con cái ánh sáng, những người tự tuyên bố mình là các tôi tớ của Thiên Chúa, thực hiện vì những mối lợi vĩnh cửu. Họ chú tâm và lao nhọc vì những việc đời này nhiều hơn những gì mà con cái ánh sáng bỏ ra để đạt tới thiên đàng.
Câu 9. hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè - Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể lấy việc giúp đỡ tha nhân hay bố thí cho người nghèo làm động cơ và lý do để biện minh cho việc kiếm chác tiền của bất chính: đừng làm bất cứ điều xấu nào ngay cả khi nó có thể nảy sinh những điều tốt. Thay vào đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy biến những người nghèo trở nên bạn hữu qua việc giúp đỡ họ bằng của cải thực sự thuộc về mình. Ở đây, chúng được gọi là tiền của, hay của cải (mammon) bất chính, bởi lẽ chỉ những người bất chính mới coi chúng là của cải quý giá và là nơi họ đặt để tâm hồn, còn những người công chính thì coi của cải là những gì hoàn toàn thiêng liêng và thuộc về thiên giới. Bản thân tiền của không có gì bất chính, nhưng nó thường tạo dịp cho những hành vi bất chính và đủ thứ nết xấu của con người. Nó không bao giờ là của cải đích thực của một Ki-tô hữu.
phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu - Nhờ những giáo huấn này, chúng ta cũng có thể thấy rằng qua lời chuyển cầu của các tôi tớ nghèo khổ của Thiên Chúa, mà những người từng làm phúc, bố thí cho họ ở trần gian được đưa lên thiên đàng. Đó quả là niềm an ủi lớn lao cho những người giàu, nhất là khi hành trình trần thế của họ gần tới hồi kết thúc. Khi ấy, họ biết rằng những người nghèo mà mình từng kết làm bạn hữu trước đây qua việc giúp đỡ họ trong các mối lo toan ngắn ngủi, lại trở nên những người chuyển cầu trước tòa Chúa để giúp mình được vào nơi an nghỉ đời đời. Người giàu chia sẻ của cải trần thế cho người nghèo, và người nghèo đền đáp lại bằng hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế, chúng ta phải thấy rằng lợi ích hoàn toàn thuộc về người cho; và theo lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận (Cv 20,35).
Câu 10. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn - Đây dường như là kiểu nói theo lẽ thường, rằng người ta đánh giá tính trung thực của kẻ làm tôi qua sự trung tín của họ trong các công việc nhỏ. Chẳng hạn, khi một ông chủ thấy đầy tớ của mình không ăn cắp những thứ nhỏ nhặt, sẽ phán đoán rằng anh ta cũng sẽ không ăn cắp những thứ lớn hơn.
Câu 11. ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em - Bởi lẽ trong việc phụng sự Chúa, những người không biết sử dụng của cải đời này một cách đúng đắn, cũng sẽ không thể sử dụng tốt của cải thiêng liêng được tặng ban, tức là các ân sủng, đúng theo những gì mà lẽ ra chúng nên được sử dụng.
Câu 12. của cải của người khác - Bởi lẽ của cải trần gian chỉ được truyền từ người này qua người khác, nó khó có thể được coi là thuộc riêng về một cá nhân nào.
của cải dành riêng cho anh em - Tức là của cải tinh thần, hay các ân huệ, là những thứ mà nếu được quản lý đúng cách, sẽ mãi mãi thuộc về người được trao ban.
Theo cha Robert Witham, sở dĩ của cải đời này chỉ được coi là của người khác là vì chúng đều thuộc về Chúa, trong khi chúng ta chỉ là những kẻ có nhiệm vụ phân phát. Vậy nếu của cải của người khác mà chúng ta còn không muốn bố thí cho người nghèo, thì làm sao chúng ta có thể cho đi những gì mình sở hữu?
Câu 13. Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ - Chúa Giê-su bổ sung những lời này nhằm giúp chúng ta thấy rằng để sử dụng của cải đời này theo ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta tất yếu phải cắt mình khỏi bất cứ sự ràng buộc nào với chúng.
Câu 14. cười nhạo Đức Giê-su - Người Pha-ri-sêu coi tiền bạc là của cải đích thực và là phần thưởng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai tuân giữ Lề Luật; do đó, họ cười nhạo giáo lý của Chúa Giê-su, vốn đề cao sự rộng rãi và các việc bố thí.
Câu 15. điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa - Tức là những việc tuy bề ngoài có vẻ đạo đức nhưng thực chất chỉ được thực hiện bằng những động cơ vụ lợi và dụng ý xấu xa. Những việc làm đó có thể đánh lừa người phàm, nhưng không thể qua mắt được Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng thấu suốt những gì trong thâm tâm con người.
Câu 16. dùng sức mạnh mà vào - Xem Chú giải Mt 11,12.
Câu 19-31. Qua dụ ngôn viên phú hộ và anh La-da-rô, Chúa Giê-su tuyên bố rằng những người giàu có sẽ tự kết án mình nếu họ khoanh tay làm ngơ trước cảnh túng thiếu của người anh em đồng loại. Trong 1 Ga 3,17, Thánh Gio-an cũng khẳng định: Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?
Về nhân vật La-da-rô trong dụ ngôn, một truyền thống được chấp nhận bởi người Do-thái cho biết rằng vào thời Chúa Giê-su, thực sự có một người ăn xin có tên như vậy từng sống tại Giê-ru-sa-lem trong hoàn cảnh nghèo khổ và bệnh tật đến cùng cực. Có lẽ Chúa chúng ta đã lấy câu chuyện của anh nhằm minh họa rõ nét hơn cho những gì Ngài muốn nói. Bên cạnh đó, trong dụ ngôn này, dụ ngôn mà Thánh Ambrôsiô coi là một câu chuyện lịch sử có thật ngoại trừ những chi tiết không được hiểu theo nghĩa đen, chúng ta thấy có tên của người ăn xin nghèo khổ, trong khi không có tên của ông nhà giàu; điều này có thể là vì tên của ông đã bị xóa khỏi Sách sự sống, hoặc vì Chúa Giê-su muốn giữ lại danh dự cho những người thân còn đang sống của ông, hoặc vì cái tên “ông nhà giàu” ở đây được dùng chung cho những người giàu có và giới thượng lưu trong xã hội.
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên hiểu lầm rằng mọi sự nghèo nàn đều thánh thiện, hay việc sở hữu của cải luôn luôn là tội ác. Thay vào đó, nếu xa hoa bị coi là nỗi hổ thẹn của sự giàu sang, thì đời sống thánh thiện chính là niềm vinh dự của sự nghèo khó.
Câu 22. lòng ông Áp-ra-ham - Đó là chốn an nghỉ, là nơi mà linh hồn của các thánh cư ngụ cho đến khi Đức Ki-tô mở cửa thiên đàng bằng cái chết của Ngài. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, trong truyền thống cổ xưa của người Do-thái, linh hồn của những người công chính sẽ được các thiên thần đưa lên thiên đàng. Lòng ông Áp-ra-ham (“cha của mọi kẻ tin”) là nơi mà linh hồn các thánh, cùng với các tổ phụ đã qua đời, chờ đợi sự viếng thăm của Đấng giải thoát họ. Đó là nơi mà Đức Ki-tô đã đến sau khi chết, giống như những gì Kinh Tin Kính tuyên bố, rằng Ngài “xuống ngục tổ tông” để giải thoát các vong linh bị giam cầm, những người có thể bước vào thiên đàng khi Chúa thăng thiên.
Câu 24. xin thương xót con - Dựa vào ghi chép của Philo (De Execratione p. 9, 37 b), có vẻ như người Do-thái không chỉ nhìn nhận sự hiện hữu của các linh hồn, trạng thái hạnh phúc và đau khổ của các linh hồn ở đời sau, nhưng còn tin rằng linh hồn của các thánh và các tổ phụ có thể cầu thay nguyện giúp cho con cháu họ trước nhan Thiên Chúa, đồng thời, những người ấy có thể nhận được từ họ sự trợ giúp cần thiết.
Câu 27. xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con - Qua dụ ngôn này, chúng ta nhận được một chân lý quan trọng, rằng đừng mất công mong đợi có thể học được điều gì từ kẻ chết sống lại, hay từ bất cứ phương thế phi thường, lạ lùng nào, nhưng hãy học từ—sự mặc khải các chân lý—mà chúng ta đã được biết đến trong Thánh Kinh, cũng như từ những người mà truyền thống Hội Thánh bảo đảm. Hãy coi đó như là kho tàng thiêng liêng quý giá nhất. Theo các Giáo phụ, đó chính là những thầy dạy giúp chúng ta học biết những điều mình phải tin và phải thực hành.
Câu 31. Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin - Chúng ta nghĩ rằng khi thấy kẻ chết sống lại và nghe kể về những gì anh ta đã thấy, đã trải qua ở thế giới bên kia, chúng ta sẽ có ấn tượng hơn so với những điều lạ lùng từng được nghe, được báo trước và được cảnh tỉnh trong Kinh Thánh bởi các ngôn sứ, các tông đồ và bởi chính Chúa Giê-su; nhưng đó chỉ là quan niệm sai lầm và là lời bào chữa vô ích. Thậm chí khi đó, những kẻ gian ác, những người không tin cũng có thể tìm ra đủ thứ bằng cớ và luận điểm phản bác để biện minh cho sự cứng tin của mình. Họ có thể bảo rằng người chết đó chỉ là một bóng ma, rằng sự sống lại của anh ta chỉ là chuyện hão, rằng lời chứng của người ấy không đáng tin cậy. Khi Chúa Giê-su làm cho anh La-da-rô sống lại, phép lạ đó đã được nhiều người biết đến, được thực hiện một cách tỏ tường và công khai; nhưng nó chẳng giúp người Pha-ri-sêu nào hoán cải. Các thượng tế thậm chí còn lên kế hoạch giết anh La-da-rô, người mà họ coi là chứng nhân khiến nhiều người Do-thái tin Chúa. Và còn bao nhiêu phép lạ nhãn tiền Chúa làm, nhưng lại bị họ gán cho quỷ vương và coi như những trò ma thuật bịp bợm. Khi Chúa trỗi dậy từ cõi chết, sự kiện này đã được chứng thực bởi nhiều nhân chứng chắc chắn. Nhưng các thượng tế đã làm gì? Sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,12-23). Lòng dạ con người ta, một khi đã bị nộp cho các đam mê, dục vọng, thì không sao có thể lay chuyển được. Mỗi ngày, có biết bao người phải công khai chịu án tù, án chết vì tội lỗi mà họ gây ra, nhưng những gương đó cũng không thể cản được những vụ phạm tội mới.
Vậy, thay vì trông đợi chứng từ của kẻ chết sống lại, anh em phải ngày “càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ... và chú tâm vào đó..., vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2 Pr 1,19).
Qua dụ ngôn này, những người giàu có thể biết được hậu quả mà họ có thể chuốc lấy vì sự giàu sang, nếu họ để bản thân bị khuất phục bởi các dục vọng, bởi lòng tham và lối sống xa xỉ; đồng thời, những người nghèo có thể học cách biến sự nghèo khó và đau khổ của mình, dù ở mức độ nào đi chăng nữa, thành khí cụ đạt tới hạnh phúc tương lai, bằng cách kiên nhẫn chịu đựng theo thánh ý Chúa. Trong khi người giàu được dạy rằng: để chịu đau khổ vĩnh viễn, anh ta không cần làm gì hơn ngoài việc tận hưởng mọi mối lợi của thế gian theo ý mình; thì với người nghèo, họ biết rằng bất chấp mọi sự khinh thường và chối bỏ từ phía tha nhân, họ vẫn có thể sống can đảm, khi biết cuộc đời phù du ngắn ngủi này, cùng với tất cả những sự dữ bề ngoài của nó, sẽ sớm có ngày chấm dứt; và rằng ngày vĩnh cửu đang đến rất nhanh, ngày mà mỗi người sẽ nhận lấy phần của mình tùy theo các việc lành dữ họ đã làm khi còn sống trong thân xác.