Chương 19 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 1-10. Qua câu chuyện của ông Da-kêu, không tội nhân nào còn có thể tuyệt vọng khi thấy Đấng Cứu Độ nhân loại tìm cách cứu mình. Từ vị trí của một người thu thuế giàu có, với nghề nghiệp và tình trạng mà Chúa Giê-su từng nói rằng rất khó để hoán cải, ông đã được đưa tới ánh sáng đức tin và bước vào một cuộc đổi đời thực sự. Đáp lại lời mời gọi sám hối của Chúa vang lên trong nội tâm, ngay lập tức, ông đã được thấy, được trò chuyện, được đón rước Ngài vào nhà và cùng ăn uống với Ngài. Và đây là ba bước trong hành trình hoán cải của ông: 1. Khao khát mãnh liệt được gặp Chúa Giê-su; 2. đón tiếp Ngài một cách long trọng tại nhà mình; 3. hoàn trả toàn bộ tài sản bất chính đã có được trước đây.
con cháu tổ phụ Áp-ra-ham - Như ông Áp-ra-ham đã rời bỏ quê hương xứ sở và lên đường tới Ca-na-an theo tiếng gọi của Đức Chúa, Da-kêu cũng từ bỏ của cải và tài sản của mình để bố thí cho người nghèo. Theo một truyền thống không được chấp nhận rộng rãi, sau này, ông đã trở thành Giám mục tiên khởi của Xê-da-rê.
Câu 41. Đức Giê-su khóc thương - Thánh Ephipahnius cho biết rằng vào thời của ngài, có những người cảm thấy xấu hổ vì chi tiết này và đã loại bỏ nó khỏi các bản sao Kinh Thánh của riêng họ. Họ cho rằng khóc lóc là hành vi yếu đuối không xứng hợp với Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, những gì mà nhà truyền giáo thuật lại vẫn được giữ nguyên trong tất cả các bản sao khác và được toàn thể các tín hữu đón nhận.
Ở đây, phải hiểu rằng việc Chúa Giê-su khóc không có gì mâu thuẫn với sự uy nghi vô hạn của Ngài. Đấng Cứu Độ của chúng ta đã mang lấy tất cả mọi nỗi đau của con người và giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Những người thuộc phái Khắc kỷ, vốn lên án hành vi đau khổ nơi các nhà hiền triết, đã làm việc không ngừng chỉ để biến mình trở ra những pho tượng hay máy móc, chứ không phải các triết gia. Triết gia thực thụ là người biết tiết chế và kiểm soát những nỗi đau khổ; trong khi những người Khắc kỷ làm việc để diệt khổ mà không thể đạt tới mục đích của mình. Và khi tìm cách vượt qua đau khổ, anh ta buộc phải cầu cứu sự trợ giúp tới từ người khác.
Đấng Cứu Độ của chúng ta được thuật lại đã có sáu lần khóc. Đó là: 1. Khi Ngài ra đời, theo quan điểm của nhiều vị Tiến sĩ Hội Thánh; 2. Khi Ngài chịu phép cắt bì, theo Thánh Bênađô và các vị khác; 3. Khi Ngài hoàn sinh anh La-da-rô (Ga 11,35); 4. Khi Ngài tiến lên Giê-ru-sa-lem, như chúng ta đang đọc thấy; 5. Khi Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi trong vườn Ghết-sê-ma-ni, nơi mà Thánh Lu-ca nói rằng mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất (Lc 22,44); Và 6. Khi chịu khổ hình trên thập giá vì tội lỗi chúng ta.
Như Chúa Giê-su đã khóc thương dân thành Giê-ru-sa-lem, những người sẽ đẩy Ngài tới chỗ chết trong ít ngày tới, chúng ta cũng hãy than khóc vì tội lỗi không chỉ của bản thân và bạn hữu, nhưng còn của kẻ thù, và hàng ngày dâng lời cầu nguyện cho họ.
Câu 43. đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm tư bề - Đó chính xác là những gì đã xảy ra khi đạo quân Rô-ma do Ti-tô chỉ huy tiến lên san bằng thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70.