VI. CUỘC THƯƠNG KHÓ
Âm mưu hại Đức Giê-su. Giu-đa tìm cách nộp Thầy.
1 Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt Qua, đã đến gần.2 Các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giê-su, vì họ sợ dân.
3 Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai.4 Hắn đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Người cho họ.5 Họ rất mừng và đồng ý sẽ cho hắn tiền.6 Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Đức Giê-su cho họ, lúc không có đám đông.
Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua
7 Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua.8 Đức Giê-su sai ông Phê-rô với ông Gio-an đi và dặn: “Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua.”9 Hai ông hỏi: “Thầy muốn chúng con dọn ở đâu?”10 Người bảo họ: “Này, khi vào thành, các anh sẽ gặp một người mang vò nước. Cứ đi theo người đó, người đó vào nhà nào,11 thì các anh vào thưa với chủ nhà: ‘Thầy nhắn ông: Căn phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?’12 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã được trang bị: các anh hãy dọn ở đó.”13 Các ông ra đi, thấy mọi sự y như Người đã nói, và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
Ăn tiệc Vượt Qua
14 Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn cùng với các Tông Đồ.15 Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.16 Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.”
17 Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau.18 Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.”
Đức Giê-su lập phép Thánh Thể
19 Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”20 Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.
Đức Giê-su tiên báo Giu-đa sẽ nộp Thầy
21 “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy.22 Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.”23 Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy.
Kẻ làm đầu phải hầu thiên hạ
24 Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.25 Đức Giê-su bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân.26 Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.27 Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.
Phần thưởng dành cho các Tông Đồ
28 “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan.29 Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy,30 để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.”
Đức Giê-su tiên báo: ông Phê-rô sẽ chối Thầy, nhưng sẽ trở lại.
31 Rồi Chúa nói: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo.32 Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.”33 Ông Phê-rô thưa với Người: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.”34 Đức Giê-su lại nói: “Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy.”
Giờ chiến đấu quyết liệt
35 Rồi Người nói với các ông: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” Các ông đáp: “Thưa không.”36 Người bảo các ông: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua.37 Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất.”38 Các ông nói: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây.” Người bảo họ: “Đủ rồi!”
Tại núi Ô-liu
39 Sau đó, Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người.40 Đến nơi, Người bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”
41 Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng:42 “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.”43 Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người.44 Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
45 Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền,46 Người liền nói với các ông: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”
Đức Giê-su bị bắt
47 Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giê-su để hôn Người.48 Đức Giê-su bảo hắn: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”49 Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không?”50 Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải.51 Nhưng Đức Giê-su lên tiếng: “Thôi, ngừng lại.” Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.
52 Sau đó Đức Giê-su nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến?53 Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm.”
Ông Phê-rô chối Thầy
54 Họ bắt Đức Giê-su, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa.55 Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phê-rô đến ngồi giữa họ.56 Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”57 Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!”58 Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” Nhưng ông Phê-rô đáp lại: “Này anh, không phải đâu!”59 Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê.”60 Nhưng ông Phê-rô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy.61 Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.”62 Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Đức Giê-su bị đánh đập
63 Những kẻ canh giữ Đức Giê-su nhạo báng đánh đập Người.64 Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: “Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?”65 Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.
Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng
66 Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng67 và hỏi: “Ông có phải là Đấng Mê-si-a thì nói cho chúng tôi biết!” Người đáp: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin;68 tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời.69 Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.”70 Mọi người liền nói: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?” Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.”71 Họ liền nói: “Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói!”
Mt 26,2-5; Mc 14,1-2; Ga 11,45-53
Mt 26,14-16; Mc 14,10-11; Ga 13,2.27
Mt 26,26-29; Mc 14,22-24; 1 Cr 11,23-25
Mt 26,20-25; Mc 14,17-21; Ga 13,21-30
Lc 9,46; Mt 20,25-27; Mc 10,42-45
Mt 26,30.36-46; Mc 14,26.32-42
Mt 26,47-56; Mc 14,43-50; Ga 18,3-11
Mt 26,69-75; Mc 14,66-72; Ga 18,15-18.25-27
l. Ở đây như ở c. 20 và 1 Cr 11,24, Đức Giê-su nói với những người đang dự tiệc với Người (trong Mt và Mc, máu Đức Giê-su đổ ra cho muôn người). Cách nói của Lc có thể nhằm những người tín hữu tham dự tiệc Thánh Thể, giúp họ hiểu thêm phần phụng tự này.
m. Câu này thánh Phao-lô cũng ghi lại ở 1 Cr 11,24-25, còn trong Mt và Mc thì không có. Nó định nghĩa tiệc Thánh Thể là lễ tưởng niệm cuộc hiến tế của Đức Giê-su, cũng như tiệc Vượt Qua của dân Ít-ra-en là lễ tưởng niệm cuộc xuất hành ra khỏi Ai-cập (x. Xh 12,14; 13,19; Đnl 16,3).
n. Tuần rượu, ds: chén. So sánh với chén ở c. 17.
o. Chỉ có Lc ở đây và 1 Cr 11,25 ghi lại chữ mới, nhắc đến Gr 31,31-34. Cuộc hiến tế của Đức Giê-su (máu của Người: Xh 24,8; x. Mt 26,28; Mc 14,24) khai mở kỷ nguyên cứu độ.
p. Lc đặt lời tiên báo Giu-đa phản bội sau khi Đức Giê-su ban bánh và rượu, khác với Mt và Mc. Có thể Lu-ca muốn tập trung tất cả các lời của Người sau hành động tối cao của Người. Vị trí của đoạn này cũng cho thấy Giu-đa đã dự bữa tiệc Giao Ước Mới như các Tông Đồ khác trong Nhóm Mười Hai.
q. Lc dùng lối nói này (x. Cv 2,23; 10,42; 17,31) để chuyển vào tiếng Hy-lạp khái niệm Do-thái về việc ứng nghiệm lời Kinh Thánh.
r. Khác với Mt và Mc, nhưng giống như Ga, Lc ghi lại sau bữa Tiệc Ly một loạt những lời của Đức Giê-su như những lời từ biệt môn đệ. Một số ngôn từ là của riêng Lc, một số lớn cũng gặp trong Mt và Mc, nhưng trong những văn cảnh khác.
s. Có thể những lời dạy của Đức Giê-su ở đây giúp giải quyết các vấn đề tôn ty trật tự và việc phục vụ bàn ăn, là những vấn đề được đặt ra trong các buổi bẻ bánh thời sơ khai. X. Cv 6,1; 1 Cr 11,17-19; Gc 2,2-4.
t. Nhiều thế kỷ trước Đức Giê-su, từ này đã được thế giới Hy-lạp dùng để nói về các thần linh, các đấng anh hùng và bậc vua chúa.
u. Trong thế giới Pa-lét-tin, người nhỏ tuổi nhất là người đứng cuối trong phẩm trật xã hội. Trong Giáo Hội sơ khai cũng vậy (x. Cv 5,6; 1 Pr 5,5). C. 7: ngồi, ds: nằm (x. 7,36+).
v. Những chữ có nghĩa chung chung, khái quát này có thể hiểu là những tấn công của loài người (x. 11,16; Cv 20,19) hoặc của Xa-tan (x. 4,13).
x. Từ này hàm ý có một Giao Ước (c. 20), đồng thời là một di chúc (x. Hr 9,16).
y. Sự kiện các Tông Đồ được tham dự vào Vương Quyền của Đức Giê-su là một đề tài đã có trong Cựu Ước (Xh 19,6), được Tân Ước lấy lại và triển khai (1 Pr 2,9; Kh 5,10; 22,5).
a. Như ở c. 16, Đức Giê-su phác họa vương quốc dưới hình ảnh một bữa tiệc, bữa tiệc mà Đấng Mê-si-a thết đãi (x. 13,28+). Vương Quốc đó chính là Vương Quốc của Người (x. 1,33; 19,12-15; 23,42).
b. Đọc tiếp sau câu trên, câu này như cho hiểu rằng các môn đệ sẽ tham dự vào Vương Quyền của Đức Giê-su đối với dân Thiên Chúa (trong ngôn ngữ Kinh Thánh, xét xử cũng có nghĩa là cai trị, lãnh đạo (Tl 3,10...). Nhưng bản song song trong Mt (x. 19,28) thì cho hiểu là các ông được tham dự vào cuộc xét xử cánh chung (x. 1 Cr 6,2; Kh 20,4).
c. Câu này, tuy không có trong vài bản, nhưng có nhiều chứng cứ vững chắc và phù hợp với cách hành văn của Lu-ca để bắt đầu một phần mới trong thân diễn từ (cc. 31-34).
d. Trong Lc, thánh Phê-rô không được gọi bằng tên này nữa từ ngày Đức Giê-su chọn Nhóm Mười Hai (x. 6,14+). Tên này ở đây cho thấy Lc đã mượn một nguồn tư liệu nào đó.
đ. Hình ảnh sàng gạo chỉ cuộc thử thách cam go (như ở Am 9,9). Câu tiếp theo cho hiểu đây là cuộc thử thách đức tin của các môn đệ.
e. Trước khi tiên báo ông Phê-rô chối Thầy (c. 34), Đức Giê-su cho biết tại sao vụ sa ngã này không phải là vô phương cứu chữa.
g. Chữ này có thể mang nhiều nghĩa: trở về cùng Thiên Chúa, tức là trở lại, hoặc trở lại Giê-ru-sa-lem, sau khi các môn đệ tản mác, hoặc nâng dậy, hoặc nữa đưa anh em trở lại. Dù sao, câu này cho thấy ông Phê-rô có một vai trò quan trọng; theo Lc 24,34 cũng như 1 Cr 15,5, ông là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra cho thấy. Câu này cũng như Mt 16,15-19 và Ga 21,15-17 cho thấy đức tin của ông có vai trò quyết định trong việc hình thành cộng đoàn sơ khai.
h. Một giai đoạn mới sắp bắt đầu: thử thách và chiến đấu, như các câu tiếp theo sẽ nói rõ.
i. Một túi tiền và một thanh gươm phải mang theo: cách nói tượng hình gợi ý có một sự chống đối quyết liệt, có kẻ thù khắp nơi (x. 12,4).
k. Trong bốn tác giả sách Tin Mừng, chỉ có Lu-ca nói cuộc Thương Khó của Đức Giê-su ứng nghiệm lời sấm Is 53,12. Tư tưởng này còn gặp ở Cv 8,32-33, và ông sẽ gọi Đức Giê-su là Người Tôi Tớ Cv 3,13.26; 4,27.30.
l. Ứng nghiệm lời Kinh Thánh ở đây có nghĩa là Đức Giê-su thực hiện lời ngôn sứ, đồng thời đạt mục tiêu của sứ mệnh Người.
m. Các Tông Đồ đã hiểu lầm những lời Đức Giê-su nói, chỉ hiểu theo nghĩa đen. Đủ rồi! là để chấm dứt sự hiểu lầm đó.
n. Bài này của Lc có nhiều nét đặc thù. Khác với Mt và Mc, Lc không nói ba điều: ba môn đệ tâm phúc được tách riêng ra khỏi Nhóm Mười Hai, ba lời cầu nguyện của Đức Giê-su, các lời cuối cùng nói với môn đệ về giờ đã tới. Ngược lại, Lc đưa vào thêm hai yếu tố: thiên sứ đến hầu hạ Đức Giê-su, và mồ hôi máu; hơn nữa, lời nhắn nhủ liên quan đến cám dỗ (cc. 40 và 46) được Lc đặt ở đầu và cuối đoạn này, làm nổi bật bài học mà người tín hữu phải rút ra từ thái độ của Đức Giê-su.
p. Lời khuyên này còn được nhắc lại ở c. 46 song song với Mt và Mc. Ý câu gợi lại lời xin cuối cùng trong kinh Lạy Cha (11,4).
q. Nhiều cổ bản chép: Nếu Cha muốn cất khỏi con chén này...
s. Lời xin này gợi nhớ lời xin thứ ba trong kinh Lạy Cha Mt 6,10, mà Lc 11,2 không ghi lại.
t. Nhiều cổ bản có giá trị không ghi lại hai câu 43-44; nhưng thật ra, ngay từ thế kỷ II đã có những bản sao hai câu ấy, và cả hai đều rất hợp với lối văn của tác giả Lu-ca. Có lẽ các người chép sách bỏ hai câu này vì thấy không xứng hợp với thần tính uy nghi của Đức Giê-su.
u. Điểm này gợi lại cảnh ông Ê-li-a chán nản và được một thiên sứ đến bồi bổ (1 V 19,4-8). Cũng có thể đối chiếu với Mt 4,11 và Ga 12,29.
v. Tác giả Lu-ca tế nhị tìm cách bào chữa cho các môn đệ như ở 24,41; trừ phi ông muốn nhấn mạnh rằng các ông chia sẻ nỗi buồn phiền của Thầy.
x. Đây là cách chào hỏi thông thường của một môn đệ đối với thầy mình, nói lên sự kính trọng hơn là lòng cảm mến.
y. Có thể dịch: Cứ để yên cả chuyện này! Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ chấp nhận để Người bị bắt, vì đó là điều đã được ấn định (c. 22), như cũng ghi ở Mt 26,54 và Ga 18,11.
b. Là chiến thắng nhất thời của Xa-tan: x. Cv 26,18 và Cl 1,13.
c. Khác với Mt và Mc, Đức Giê-su trong Lc bị giữ lại cả đêm trong sân dinh thượng tế. Chính ngay khi Đức Giê-su đang có mặt ở đó, ông Phê-rô đã chối Người.
d. Cũng khác với Mt và Mc, ông Phê-rô trong Lc chối Thầy trước khi Đức Giê-su bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng.
đ. ds: Hỡi người! X. 5,20+.
e. Mt 26,73 cắt nghĩa tại sao ông Phê-rô bị nhận diện: giọng nói của ông.
g. Ở đây, ông Phê-rô không thề như ở Mt và Mc: Lc giảm nhẹ tội chối Thầy cho ông Phê-rô.
h. Chỉ có Lc ghi lại cái nhìn của Đức Giê-su, hợp với c. 54+. Cái nhìn này nhắc cho ông nhớ cc. 31-34.
i. Mt và Mc cũng ghi lại những ngược đãi này, nhưng đặt vào lúc Đức Giê-su đứng trước Thượng Hội Đồng.
k. Bài trình thuật này đại khái tương tự các bản song song trong Mt và Mc (các lời khai của nhân chứng không được ghi lại, nhưng được ám chỉ ở c. 71). Các điểm khác biệt là về thứ tự thời gian (phiên tòa buổi sáng khác với Mt và Mc diễn ra ban tối), về cách trình bày mầu nhiệm Đức Giê-su (là Con Thiên Chúa được đăng quang trong Vương Quốc Người), và Thượng Hội Đồng không có lời tuyên án.
l. Từ này có thể chỉ hội nghị hay nơi hội họp (x. Cv 4,15). Trong Lc, chỉ có một phiên họp vào buổi sáng, còn Mt và Mc ghi hai phiên: một vào buổi tối và một vào buổi sáng.
m. Nhiều cổ bản thêm: và cũng chẳng thả tôi ra. Dù sao, Lc muốn cho thấy Đức Giê-su không có ảo tưởng gì về kết quả cuộc tra hỏi này.
n. ds: bên hữu sự toàn năng của Thiên Chúa. Ở đây, Đức Giê-su dùng câu Tv 110,1 để loan báo Triều Đại của Người sắp khai mở. Điều này, Giáo Hội đã tin nhận rất sớm (Cv 2,36; x. Lc 19,12; 24,26). Trong hai bản song song Mt 26,64 và Mc 14,62, Đức Giê-su còn tiên báo cuộc Quang Lâm của Người ngày tận thế.
o. Ở đây, tước hiệu Con Thiên Chúa có một nghĩa sâu hơn tước hiệu Ki-tô – Mê-si-a (c. 67), trong lúc ở Mt 26,63 và Mc 14,61, hai tước hiệu được nêu như đồng nghĩa với nhau. Việc phân biệt này, trong Lc, cho thấy mức sung mãn của mầu nhiệm Đức Giê-su (cũng x. 1,32.35+ và Ga 10,24.36).
p. Có người dịch là chính các ông nói..., có nghĩa là Đức Giê-su chối từ danh phận đó (x. 23,3+). Ở đây, Lc chắc chắn không có nghĩa đó (x. 1,35 và 3,22).
r. Đây là những thành phần thuộc các gia đình tư tế quý tộc (Cv 4,6), hoặc là những người nắm những chức vụ lớn trong hàng tư tế.
s. Các nhà cầm quyền Do-thái muốn giết Đức Giê-su nhưng lại sợ dân (x. 20,19+). Lc đã cho thấy dân ủng hộ Đức Giê-su (x. 19,48+).
t. Xa-tan đã rời Đức Giê-su sau lần cám dỗ khởi đầu (x. 4,13). Bây giờ nó tái xuất để tấn công lần cuối, một cách quyết liệt, như Ga 13,2.27 cho thấy (x. Lc 22,53).
u. Chỉ có Lc nêu tên thành phần này ra: họ là những người có trách nhiệm giữ an ninh trong khuôn viên Đền Thờ. Có thể họ thuộc hàng Lê-vi.
v. Động từ nộp thường mang nghĩa xấu, nhưng được các sách Tin Mừng dùng nhiều trong cuộc Thương Khó Đức Giê-su, làm nổi bật tính chất hiến tế trong cái chết của Người.
x. Chỉ có Lc ghi lại tên của hai người môn đệ này (x. 8,51+).
y. Trong Lc, chính Đức Giê-su có sáng kiến cho dọn lễ Vượt Qua, cũng như các đối thủ của Người có sáng kiến tìm cách thủ tiêu Người (c. 2).
a. ds: đã được lót trải (thảm).
b. Trong trình thuật này, tác giả Lu-ca đưa ra nhiều yếu tố mà riêng ông đã thu thập: lòng khao khát của Đức Giê-su (c. 15), gợi nhớ lễ Vượt Qua thời Cựu Ước sắp hoàn tất trong Nước Thiên Chúa (cc. 16-18). Lời tạ ơn được ghi lại sát với lời thánh Phao-lô đã chép ở 1 Cr 11,23-25.
c. ds: ngả người xuống. X. 7,36+.
d. Đức Giê-su không bao giờ dùng từ này, trừ phi để chỉ cuộc Thương Khó của chính Người. Có thể đây là một cách quy chiếu về Is 53,4.8-12. Trong vài trường hợp, từ này có nghĩa chịu đau khổ nói khái quát, nhưng dưới ngòi bút của tác giả Lu-ca, nó cũng có nghĩa chịu chết (x. 24,26.46; Cv 1,3; 3,18; 17,3); ở đây, phải hiểu theo nghĩa thứ hai này. Vì thế, dịch ra là chịu khổ hình. Nghĩa này xuyên suốt thư Do-thái (x. 2,18) và cũng thường được dùng trong 1 Pr (x. 2,21).
đ. Không bao giờ: các chữ này thiếu trong nhiều bản có giá trị.
e. Ở đây Lc trình bày tiệc Vượt Qua (nghi thức tưởng niệm cuộc xuất hành ra khỏi Ai-cập: Xh 12) như hình ảnh báo trước bữa tiệc cứu độ mà Đấng Mê-si-a thết đãi dân Chúa, ngày cánh chung. Về bữa tiệc này, x. 13,28-29+.
g. Nước hay Vương quốc là cách nói cổ điển của Do-thái giáo và các sách Tin Mừng, để mô tả và phác họa ơn cứu độ như một nơi hạnh phúc và bình an, với sự hiện diện của Thiên Chúa.
h. Người ta trao chén cho Đức Giê-su vì Người chủ tọa bữa tiệc Vượt Qua. Chỉ có Lc nói đến chén thứ nhất (tuần rượu thứ nhất) này, bởi lẽ Mt và Mc không có bài trình thuật bữa tiệc Vượt Qua.
i. Mt và Mc đặt câu nói này sau khi Đức Giê-su lập phép Thánh Thể.
k. Nhiều cổ bản không ghi lại phần tiếp theo cũng như c. 20. Nhưng toàn bộ bản văn này có nhiều chứng cứ. Có thể người ta không chép lại vì không muốn nói có một chén thứ hai (tuần rượu thứ hai) sau chén nói ở c. 17.