Chúa Nhật II Phục Sinh - 16/04/2023

Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa - Ga 20,19-31:

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Suy niệm:

Chúng ta không rõ lý do khiến ông Tôma vắng mặt khi Chúa Giêsu phục sinh đến với Nhóm Mười Hai. Nhóm nay chỉ còn mười một người vì mất anh Giuđa. Cả nhóm sống trong tình trạng sợ hãi, bởi đó, họ đóng chặt các cửa (Ga 20,19.26). Hầu chắc họ không dám ra đường. Nếu vậy thì vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Tôma ở đâu khi Chúa Giêsu đến gặp các ông? Chúng ta không dám đoán là giữa Tôma và anh em đã có chuyện gì không ổn hay xích mích. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc, đó là khi mười ông nói: “Chúng tôi đã được thấy Chúa,” Tôma tỏ ra dửng dưng, không hề bị thuyết phục. Ông khẳng định chắc nịch như một tuyên ngôn: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Ông đòi thấy và sờ chạm như các môn đệ khác. Ông muốn có một kinh nghiệm riêng của mình. Có vẻ ông không tin vào lời chứng của các bạn. Thái độ của ông làm mọi người không vui. Bỗng nhiên có một khoảng cách giữa ông và cả nhóm: mười người đã thấy Chúa, còn một người chưa. Làm sao có sự hiệp nhất, hiệp hành giữa họ? Ai sẽ lấp đi khoảng cách này?

Một tuần sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu trở lại căn phòng, các cửa vẫn đóng kín. Lần này có mặt ông Tôma với các bạn của ông. Có vẻ Ngài trở lại đây chỉ vì ông, như thể Ngài nghe thấy những điều ông đòi hỏi. Đấng phục sinh nhắc lại rành mạch những đòi hỏi đó và mời ông thực hiện từng điều ông mong mỏi: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.” Ta có cảm tưởng Chúa phục sinh đứng rất gần Tôma, cầm lấy bàn tay ông và để ông chạm vào các vết thương. Mục đích của cuộc gặp gỡ là đưa ông đi từ vô tín đến tin. Ngài mong Tôma có cùng đức tin với các anh em khác, để cùng làm chứng như anh em, “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Chỉ khi cùng đức tin, cả nhóm mới có thể đi với nhau.

Chúa Giêsu khiêm tốn đến gặp Tôma để xây dựng tình anh em hiệp nhất. Ngài không bỏ rơi ông, không để mất một môn đệ nào. Ngài quý mến từng người, chấp nhận tính khí của Tôma: thực tế, thẳng thắn, cứng tin (Ga 11,16; 14,5; 20,25). Chúa chẳng ngại chiều Tôma để chinh phục ông. Ngài biết sự cứng lòng của ông lại là một bằng chứng để thế hệ tương lai vững tin vào phục sinh. Không chắc Tôma dám đặt tay vào cạnh sườn Thầy, nhưng ông đã thấy các vết thương và đã tin. Ông đã tuyên xưng một đức tin lớn hơn điều ông thấy: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Đồng hành hay hiệp hành là điều không dễ. Ngay giữa những môn đệ của Thầy Giêsu cũng vậy. Nếu Chúa phục sinh không khiêm hạ đến với Tôma, chắc Tôma và các ông khác sẽ khó chấp nhận nhau. Giáo Hội lúc nào cũng có những Tôma đầy cá tính, thường đi nhanh hơn hay chậm hơn cộng đoàn. Làm sao đừng để mất những Tôma như thế trên bước đường hiệp hành của Giáo Hội.

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Bài viết liên quan