Chúa Nhật II Thường Niên - 15/01/2023
Lời Chúa - Ga 1,29-34:
Khi ấy, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
Suy niệm:
Khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Ngài với hai môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Một lời giới thiệu không dễ hiểu chút nào, dù chiên là con vật không xa lạ gì với người Do Thái. Người ta nuôi chiên trên đồng cỏ, để ăn thịt, lấy lông. Chiên để dâng lễ toàn thiêu ban sáng và chập tối, mỗi ngày hai con trong Đền thờ (Ds 28,3-4). Chiên còn đóng một vai trò quan trọng trong lễ Vượt Qua. Cả nhà quây quần ăn một con chiên vô tỳ tích (Xh 12,5).
Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên của Thiên Chúa. Ngài là Con Chiên có khả năng xóa bỏ tội trần gian. Đây là lời vị linh mục vẫn đọc trước khi hiệp lễ. Xóa bỏ tội của cả trần gian là điều người phàm không ai làm được, nhưng đây lại là sứ mạng của Chiên Thiên Chúa. Ngài sẽ xóa tội trần gian bằng cái chết trên thập giá, sẽ được giương cao để kéo mọi người lên (Ga 12,32-33). Vào giờ Đức Giêsu hấp hối trên thập giá, tại Đền thờ Giêrusalem, người ta đang giết các con chiên để chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua vào buổi tối. Giống như các con chiên đang bị đâm để làm thịt, Đức Giêsu cũng bị đâm ở cạnh sườn khiến máu và nước chảy ra (Ga 19,34). Ngài trở thành Chiên Vượt qua bị sát tế trên thập giá để cứu loài người khỏi ách tội khiên và giao hòa họ với Thiên Chúa.
Để giúp chúng ta nhận ra Đức Giêsu là Con, Thiên Chúa Cha đã làm việc một cách bài bản. Ngài cần đến sự cộng tác của Gioan Tẩy Giả, và đã sai ông đi làm phép rửa trong nước, để Người Con “được tỏ ra cho dân Ítraen” (Ga 1,31). Gioan không biết Người Con này (Ga 1,31.33), nên chính Thiên Chúa lại phải lên tiếng và cho ông một dấu hiệu để nhận ra: “Khi nào ông thấy Thần Khí ngự xuống và ở lại trên ai, thì chính là Đấng ấy” (Ga 1,33). Thiên Chúa Cha đã sai Thần Khí xuống trên Đức Giêsu khi Người chịu phép rửa trong nước bởi Gioan. Gioan đã thấy, nhờ đó, ông làm chứng cho toàn dân: “Tôi đã thấy nên xin làm chứng” (Ga 1,32.34). Sau này, Maria Mácđala cũng sẽ làm chứng sau khi chị thấy Chúa phục sinh: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18). Các môn đệ cũng sẽ làm chứng trước ông Tôma: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25).
Làm chứng là hành vi quan trọng của đời Kitô hữu. Có thể nói, truyền giáo đơn giản là làm chứng. Kitô giáo thành tôn giáo lớn nhất thế giới nhờ dòng người Kitô hữu làm chứng không ngừng. Người trước làm chứng cho người sau. Người cao tuổi làm chứng cho người trẻ tuổi. Ai cũng nhận được kinh nghiệm từ người khác, đồng thời, cũng trao đi kinh nghiệm của cá nhân mình. Kinh nghiệm càng phong phú, lời chứng càng đáng tin. Muốn làm chứng một cách xác tín và mạnh mẽ, mỗi người cần có kinh nghiệm “thấy” Chúa Giêsu. Không phải thấy bằng mắt như các tông đồ xưa, nhưng bằng kinh nghiệm đức tin, qua cuộc sống.
Hôm nay, Chúa Cha vẫn cần các Kitô hữu như xưa Ngài đã cần Gioan Tẩy Giả (Ga 1,6.33) Ngài vẫn sai chúng ta đi, thì thầm với chúng ta, và cho chúng ta dấu hiệu để nhận ra Chúa Giêsu, Đấng vẫn đang đứng chung với các tội nhân nghèo khó.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan