Chúa Nhật IV Mùa Vọng - 24/12/2023
Lời Chúa - Lc 1,26-38:
Khi bà Êlisa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ, bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Khi suy niệm mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta thường nghĩ tới biến cố Chúa sinh ra ở Bêlem. Thật ra, mầu nhiệm này đã bắt đầu từ sau tiếng Xin Vâng của Ðức Maria ở Nadarét. Sau tiếng Xin Vâng ấy, Ngôi Lời đã thành một thai nhi, lớn lên trong lòng mẹ như hàng tỉ con người khác, cần chín tháng mới có thể cất tiếng khóc chào đời. Ngôi Lời không lẫm liệt từ trời bước xuống. Ngài muốn là người trăm phần trăm, nên Ngài cần một người mẹ. Ngài đi ra từ lòng mẹ: mong manh, yếu đuối. Ngôi Lời đã thành một người như chúng ta, chia sẻ trọn vẹn phận người như chúng ta, trừ phạm tội.
Ngôi Lời đã là người và mãi mãi là người. Ngài đã đi hết hành trình cuộc sống với tất cả nỗi buồn vui, âu lo và trăn trở. Chẳng ai hiểu chúng ta bằng Ngài. Ngài không xa lạ với những gánh nặng của cuộc sống. Hôm nay, Ngôi Lời vẫn là người, ngự bên hữu Chúa Cha. Có một người được tôn vinh ở giữa lòng Thiên Chúa.
Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu trái đất. Trái đất chỉ là một trong số hàng tỉ tỉ vì sao, nhưng nó vẫn có thế đứng ưu việt, vì là nơi Con Thiên Chúa đã đặt chân, đã sống. Bầu trời, rừng xanh, mạch nước, biển khơi,... tất cả phải được gìn giữ cho thanh khiết. Trái đất là nhà của con người, nhà của mọi sinh vật, nhưng cũng là ngôi nhà của Con Thiên Chúa.
Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu cuộc đời, yêu mảnh đời nhỏ bé của mình. Có lắm người dễ dàng tìm đến cái chết vì thấy bế tắc, tuyệt vọng, vì thấy đời vô nghĩa. Mảnh đời của Ðức Giêsu đâu phải chỉ màu hồng: long đong với phận nghèo, ê chề vì thất bại, bị tước đoạt đến tột cùng trên thập giá. Nhưng Ngài đã sống mảnh đời ấy cho đến cùng, vững tin đến cùng vào tình Cha, ngay giữa vực sâu và tăm tối.
Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu mọi người. Từ khi Con Thiên Chúa mang khuôn mặt của con người, thì mọi người đều mang khuôn mặt của Thiên Chúa. Nơi khuôn mặt mới hình thành của một thai nhi, hay của một em nhỏ ngơ ngác vì mất mẹ ở dải Gaza, nơi khuôn mặt của hàng trăm ngàn anh lính trẻ nằm xuống, của cả hai bên thù nghịch nhau và giết nhau ở Ukraina, nơi khuôn mặt có màu da đen, trắng hay vàng, khác nhau về tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm,... Tất cả đều mang khuôn mặt của Chúa Giêsu. Xúc phạm con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Nhờ tiếng Xin Vâng đầy phó thác của Mẹ Maria, Con Thiên Chúa đã đi vào thế giới loài người. Sau hai ngàn năm, tuy đạt được tiến bộ về mọi mặt, thế giới ấy vẫn mang đầy thương tích đớn đau, đầy những xung đột và bất ổn. Thế giới hôm nay vẫn cần Đấng Cứu Độ. Như Đức Maria, chúng ta có nhiệm vụ trao Chúa Giêsu. Nhưng trước khi có thể cưu mang và hạ sinh Chúa một cách thiêng liêng trong trái tim tha nhân, chúng ta phải để cho Chúa được sinh ra một cách thiêng liêng trong tâm hồn mình.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan