Chúa Nhật Lễ Lá - 02/04/2023
Lời Chúa:
Rước Lá - Mt 21,1-11.
Bài Thương Khó - Mt 26,14-27,66.
Suy niệm:
Tuần Thánh giúp ta tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa. Thế giới hôm nay cũng như hôm qua, vẫn sống trong cuộc thương khó của chính mình. Thế giới thời nào cũng bị tan nát bởi các cuộc chiến. Càng văn minh thì vũ khí hủy diệt càng khốc liệt. Nhân loại vẫn phải đối diện với nghèo đói, dịch bệnh, thiên tai, với những đổ vỡ nội tâm hay trong gia đình, không sao hàn gắn. Con người tự hào với trí tuệ nhân tạo, với bao phát minh, nhưng lại bất an với hậu quả tồi tệ do sản phẩm của mình. Thế giới hôm nay cũng đầy những nạn nhân của bất công. Nước mắt loài người như dòng sông không bao giờ cạn.
Con Thiên Chúa đi vào thế giới này cách đây hai mươi thế kỷ. Ngài đón lấy toàn bộ thế giới đau thương đó, và chia sẻ trọn vẹn những giới hạn của phận người. Ngài đã bị kết án tử trên thập giá, dù Ngài vô tội. Cần chiêm ngắm Đức Giêsu bị treo giữa trời và đất. Tay chân Ngài bị đóng đinh, máu chảy ra từ những vết thương, trận roi đòn làm rách da thịt khiến Ngài kiệt sức. Khuôn mặt của Ngài vẫn còn nguyên những vết khạc nhổ. Ngài bị khạc nhổ ở nhà thượng tế Caipha và ở dinh Philatô. Ngài luôn phải nghe những lời tố cáo của các nhà lãnh đạo. Nhưng Ngài vẫn chẳng đáp lại một lời (Mt 26,63; 27,12-24). Như con chiên trước lò sát sinh, Ngài hiền lành đón nhận mọi sự.
Đức Giêsu trên thập giá là Đức Giêsu chịu cám dỗ. Cám dỗ này tương tự như cám dỗ trong hoang địa. “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27,40.42). Đức Giêsu đã không xuống và không xin Cha đưa xuống. Ngài biết rõ Cha muốn Ngài ở đây, chịu cơn thử thách này. Ngài biết Cha muốn Ngài uống chén đắng, nên Ngài đã để cho mình bị bắt mà không kháng cự. Cha sẽ giải thoát Ngài theo cách và vào lúc Cha muốn. Đức Giêsu là Con, ở lại trên thập giá, tùy Cha định liệu.
Đức Giêsu trên thập giá là Đức Giêsu giang tay. Và đây là hai bàn tay trắng. Ngài không mang theo điều gì khi về với Cha, trừ tình yêu. Ngài chấp nhận mất tất cả: mạng sống, danh dự, môn đệ... Giuđa đã phản bội, Phêrô đã chối Thầy, các môn đệ khác đã bỏ chạy. Ngài nặng tội hơn Baraba, bị đóng đinh giữa hai tên cướp. Cả đến y phục Ngài mặc cũng đã bị tước đoạt. Bây giờ, cái chết đang từ từ nuốt chửng Ngài. Hơi thở của Ngài trở nên khó khăn và ngắt quãng. Nhưng điều kinh khủng hơn cả mà giờ đây Ngài mất, đó là niềm an ủi đỡ nâng mà Ngài vẫn có từ Cha. “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Vào lúc Ngài cần Cha hơn cả thì Ngài lại thấy như bị bỏ rơi. Nhưng Đức Giêsu vẫn gọi Cha và trò chuyện với Cha. Ngài cảm thấy Cha để mình bơ vơ, nhưng chưa bao giờ mối dây của Ngài với Cha bị cắt đứt.
Đức Giêsu đã trút hơi thở cuối cùng như mọi người. Trước khi chết, Ngài đã lớn tiếng gọi tên Thiên Chúa. Ngài ra đi một mình như nhiều người trong chúng ta. Cái chết của Ngài không có vẻ nhẹ nhàng êm ả, nhưng là cái chết của một chiến binh đã thắng trận. Ngài đúng là một người công chính (Mt 27,19), đúng là Con Thiên Chúa như lời viên đại đội trưởng (Mt 27,54).
Tuần Thánh mời ta đồng cảm với cuộc Thương Khó chẳng những của Chúa Giêsu, mà của cả nhân loại. Chúng ta không chỉ đau nỗi đau của Chúa, mà còn đau nỗi đau của anh chị em xung quanh mình. Chúng ta chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa và cái chết vô lý của biết bao người mỗi ngày. Tuần Thánh mời chúng ta làm ông Simôn người Kyrênê, vác giùm ai đó thánh giá nặng quá sức họ. Tuần Thánh mời ta bắt chước các phụ nữ vùng Galilê đi cùng và ở với một tử tội bị đóng đinh đang hấp hối. Cuộc Thương Khó Chúa không kết thúc bằng nấm mồ. Chúng ta không thất vọng khi thế giới còn nhiều bóng tối, vì tin rằng cuộc thương khó của thế giới sẽ kết thúc bằng Phục sinh.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.