Chúa Nhật XI Thường Niên - 18/06/2023
Lời Chúa - Mt 9,36-10,8:
Khi ấy, Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philíp-phê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”
Suy niệm:
Về tình trạng ơn gọi linh mục, tu sĩ giảm sút nhiều tại một số nơi, người ta tìm thấy một số lý do như sau: Lý tưởng của đời tu ít hấp dẫn người trẻ. Người trẻ hôm nay không muốn bị gò bó, mất tự do. Hội Thánh bị mất uy tín vì có những vị lãnh đạo bất xứng. Gia đình ít con nên cũng ít người đi tu. Ơn gọi giảm sút dẫn đến chuyện thiếu mục tử cho đoàn chiên. Nhiều nhà thờ, trường học, cơ sở từ thiện phải đóng cửa. Gia đình, giới trẻ, bệnh nhân thiếu người chăm sóc.
Đây là một mối lo có thật về một nguy cơ có thật. Mà nguy cơ này đã có từ hai ngàn năm nay. Khi thấy đám đông bơ vơ như chiên không mục tử, Đức Giêsu nhận ra ngay nhu cầu cấp bách của họ. Khi thấy dân chúng như đồng lúa chín mênh mông, Ngài biết cần có nhiều thợ gặt. Đối với Đức Giêsu, để có mục tử cho đàn chiên, để có thợ gặt cho đồng lúa chín vàng, cần phải nài xin Thiên Chúa là Ông Chủ của vụ mùa. Chính Ông Chủ sẽ sai thợ ra đồng gặt lúa. Như thế, ơn gọi tu trì không do nỗ lực của con người, nhưng là quà, là ơn của Thiên Chúa, dù chúng ta vẫn phải tích cực cộng tác và chuẩn bị.
Từ rất sớm, Đức Giêsu đã nhận ra giới hạn của mình. Ngài cần thợ gặt cho vụ mùa, cần mục tử cho đàn chiên. Một mình Ngài không làm xuể hết mọi việc. Chính vì thế, Ngài đã kêu gọi Nhóm Mười Hai, cho họ quyền trên các thần ô uế và quyền chữa lành, rồi sai họ đến với dân Ítraen là đàn chiên lạc. Thầy Giêsu không giữ cho riêng mình quyền lực Cha ban. Ngài chia sẻ tất cả cho các môn đệ, vì Ngài muốn họ làm được những gì Ngài làm. Ngài sai họ lên đường như Cha đã sai Ngài. Họ sẽ giảng cùng một Tin Mừng như Ngài: “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7; 4,17). Họ sẽ làm cho đám đông mọi việc Ngài đã làm: chữa lành bệnh nhân, hoàn sinh kẻ chết, thanh tẩy người phong, xua trừ ma quỷ (Mt 10,8; 11,5). Chính qua những phép lạ họ làm mà người ta tin Nước Trời đến thật rồi.
Có sự liên tục giữa sứ mạng của Chúa Giêsu và môn đệ, giữa sứ mạng của các môn đệ đầu tiên và chúng ta. Hôm nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục sai đi những người thợ mới cho cánh đồng, cho vườn nho, những mục tử mới cho đàn chiên, những ngư phủ mới cho những vùng biển rộng. Chúa Giêsu phục sinh đã mở ra một thế giới, gồm mọi dân tộc, không có ranh giới hay biên cương. Ngài kêu gọi chúng ta rao giảng Tin Mừng, và minh chứng Tin Mừng bằng hành động. Thế giới hôm nay cũng như hôm xưa. Một thế giới bị thương tích cần được chữa lành, một thế giới bị cái chết tàn phá và thống trị, một thế giới ô uế cần được thanh tẩy, một thế giới bị trói buộc, cầm tù, cần được giải thoát.
Ai cũng được Chúa mời gọi, ban quyền và sai đi. Bạn có thể là ngư phủ ít học như Simôn hay Anrê, cứng lòng tin như Tôma, hay nhiều tham vọng như Giacôbê và Gioan; bạn có thể là người thu thuế cho Rôma như Mátthêu, hay là người chống Rôma như Simôn nhiệt thành. Dù bạn là ai và lý lịch thế nào, Chúa cũng mời bạn cộng tác vào sứ mạng lớn lao đó. Chúng ta đã nhận không, nên cũng phải cho không.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Bài viết liên quan