Chúa Nhật XI Thường Niên - 16/06/2024
Lời Chúa - Mc 4,26-34:
Một hôm, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”
Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Suy niệm:
Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng, Hội Thánh ở Rôma, nơi Ngài đang sống, bị bách hại dữ dội. Thiên Chúa như vắng mặt hay khoanh tay. Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mở nay có vẻ chững lại trước sự tấn công của đế quốc Rôma. Nước Thiên Chúa liệu có tồn tại được chăng? Liệu các Kitô hữu có mất lòng tin trước nghịch cảnh? Hai dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay đem lại niềm hy vọng cho các Kitô hữu đang xao xuyến.
Dụ ngôn đầu là dụ ngôn về Hạt Lúa tự mình lớn lên. Có người gieo vãi hạt giống trên đất. Không thấy nói đến chất lượng của đất hay hạt giống, cũng không thấy nói đến nỗ lực của người gieo trồng, dù hẳn người này có tưới nước, bón phân. Điều dụ ngôn nhấn mạnh là sự tăng trưởng của hạt giống. Hạt giống cứ tự mình lớn lên qua nhiều giai đoạn. Trước hết, nó mục nát đi để mầm nhú lên, thành cây lúa vươ khỏi mặt đất. Sau đó, có những lá lúa non đầu tiên, rồi trổ đòng đòng. Cuối cùng là những bông lúa mang hạt nặng trĩu. Người gieo hạt không sao hiểu được tiến trình này. Anh ta chỉ biết hạt lúa đã đi con đường của nó, con đường mầu nhiệm, âm thầm, không dễ nhận ra, từ một hạt lúa thành rất nhiều hạt lúa. Bất chấp đêm hay ngày, anh thức hay ngủ, hạt lúa vẫn cứ lớn lên không ai cản nổi. Và kết cục là một mùa lúa chín vàng chờ ngày gặt hái.
Đối với Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa cũng giống hạt lúa, cũng lớn lên từ từ theo một cách thức lạ lùng mà chúng ta không hiểu được, không thấy được. Trong lịch sử, có lúc Nước Thiên Chúa như bị vỡ vụn bởi chia rẽ bè phái, bởi sức ép của bạo quyền, hay bởi sự hư hỏng của chính những nhà lãnh đạo. Nhưng thật ra, Nước Thiên Chúa vẫn lớn lên, được thanh luyện qua sóng gió và nhờ sóng gió, được Chúa dắt đi an toàn trên nẻo đường chông gai. Chúng ta phải đóng góp cho Nước Thiên Chúa, nhưng không được quên lời thánh Phaolô (1 Cr 3,6-7): “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Như thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.” Với đức tin, nhìn lại hai ngàn năm qua từ thời Đức Giêsu, ta không thể phủ nhận sự tăng trưởng của Nước Chúa. Vì Nước này là công trình của Thiên Chúa, nên chúng ta không thất vọng khi gặp khó khăn, cũng không coi Nước ấy lớn lên là do công của mình. Chúng ta vẫn phải khiêm tốn đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày: “Xin Cha làm cho Nước của Cha mau đến” (Mt 6,10).
Dụ ngôn thứ hai cũng đem lại niềm hy vọng lạc quan. Nước Thiên Chúa được ví như như một hạt cải nhỏ xíu được gieo xuống đất, sau này trở thành bụi cây cao to cho chim trời đến làm tổ. Đàn chim tượng trưng các dân tộc trên mặt đất (x. Đn 4,9). Bụi cải cao to là hình ảnh của Nước Thiên Chúa. Nước này sẽ thành nơi trú ngụ bình an cho mọi người. Chúng ta tin vào kết cục viên mãn của Nước Chúa. Thiên Chúa có cách đưa Nước ấy đến với con người. Ngài thường dùng những con đường khó hiểu, khó chịu, dùng thất bại để dẫn đến thành công. Ngài cứu nhân loại bằng cái chết của Con trên thập giá.
Khi nhìn Hội Thánh hôm nay, với bao thách đố liên tục, với bao vấn đề mới mẻ không dễ có câu trả lời, với những đổ vỡ và thất bại, sai lầm và yếu đuối, chúng ta không được nản lòng, mất kiên nhẫn, mất đức tin. Chúng ta tin Thiên Chúa là chủ dòng lịch sử. Ngài đang “bắt muôn loài phải quy phục Đức Kitô”, để rồi “Thiên Chúa là tất cả cho mọi người” (1 Cr 15,28).
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan