Chúa Nhật XX Thường Niên - 18/08/2024

Suy Niệm Lời Chúa

Lời Chúa - Ga 6,51-58:

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

Suy niệm:

Cả các Kitô hữu cũng ngỡ ngàng trước bí tích Thánh Thể. Ăn thịt và uống máu người mình yêu là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới. Nhưng Ðức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại bằng Thịt và Máu Ngài. Và thực sự, Ngài đã nuôi ta bằng cái chết thập giá - ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình. Ðúng hơn, Ngài nuôi chúng ta bằng sự sống của Ngài: sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện và sự sống được lấy lại qua phục sinh vinh quang.

Ðức Giêsu ban cho ta Tấm Bánh (c. 51). Ngài còn tự nhận mình là Tấm Bánh (cc. 48.51): Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống. Tôi là Tấm Bánh: đó là định nghĩa của Ðức Giêsu về mình. Ðịnh nghĩa này có làm ta ngạc nhiên không? Bánh là cái gì ăn được và đem lại sự sống. Bánh không sống cho mình, nhưng cho người khác. Chấp nhận là bánh có nghĩa là chấp nhận bị ăn, chấp nhận biến tan, chấp nhận như mất chính mình. Mà chỉ khi mất mình như thế, bánh mới thật là bánh, mình mới thật là mình. Thật ra, bánh vẫn hiện diện và nên một với người ăn. Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt. Khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài.

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (c. 56). Mỗi lần rước lễ, chúng ta thực hiện lời mời của Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4). Đó là sự ở lại hai chiều, giao lưu qua lại. Chúa Giêsu không chỉ mong “ở lại bên” hay “ở lại với”, Ngài còn mong ở lại trong từng người chúng ta, một sự ở lại thân thiết như Cha và Con ở lại trong nhau. “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Bí tích Thánh Thể sinh trái ngọt cho cây nho đời ta.

Mỗi lần rước lễ, chúng ta đón lấy dòng sự sống. Chúng ta chấp nhận sống nhờ Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu sống nhờ Cha thế nào, thì chúng ta cũng sống nhờ Chúa Giêsu như vậy (c. 57). Như cành nho sống nhờ thân cây nho, chúng ta cũng sống nhờ, nghĩa là sống trong và sống cho Chúa.

Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã từng có thái độ ngắm nhìn và thờ lạy Thánh Thể hơn là cầm lấy mà ăn. Ðộng từ ăn được nhắc đến tám lần trong bài Tin Mừng này, như một lời mời gọi tha thiết của Ðức Giêsu. Ngày nay, người ta rước lễ nhiều hơn trước. Tiếc thay, lắm khi cuộc gặp gỡ này khá vội vã, thiếu chuẩn bị và cũng thiếu đối thoại thân tình. Tôi lên rước lễ chỉ vì mọi người trong hàng ghế đã lên. Phút thinh lặng sau rước lễ cũng bị cắt ngắn. Tôi phải về ngay vì phải lấy xe, vì nhà thờ đóng cửa,... Chính vì thế, rước lễ chẳng gây được âm vang nào nơi tôi. Nó trở thành một thói quen, một nghi thức thuần túy. Tôi lên ăn một vật thánh, thay vì đón một Người. Ít khi có vị khách quý nào bị thường xuyên tiếp đón lạnh nhạt như thế! Rốt cuộc, chẳng có cuộc gặp gỡ nào xảy ra, nên tôi vẫn cứ là tôi như trước.

Hãy dự lễ như người đi dự tiệc Lời Chúa, Mình Chúa. Chỉ ai biết ăn, biết thưởng thức và nghiền ngẫm, người ấy mới gặp được sự sống và gặp được Giêsu.

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Bài viết liên quan