Chúa Nhật XXIX Thường Niên - 22/10/2023
Lời Chúa - Mt 22,15-21:
Bấy giờ, những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy.
Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”
Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Khi Thượng Hội Đồng điệu Đức Giêsu ra trước mặt Philatô, họ tố cáo Ngài về tội sách động dân chúng nổi loạn, tội ngăn cản dân nộp thuế và tội xưng mình là vua (Lc 23,1-2.5.14). Philatô chẳng bao giờ tin vào những lời tố cáo ấy (Lc 23,4.14.22). Đối với ông, Đức Giêsu chẳng hề phạm tội chính trị. Dù Đức Giêsu có nói về Nước của Ngài, nhưng Nước ấy lại không thuộc về thế gian này (Ga 18,36). Cũng chẳng bao giờ Ngài nhận mình là vua một cách minh nhiên (Mc 15,2; Mt 27,11; Lc 23,3; Ga 18,37). Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài không chống lại chuyện nộp thuế.
Đế quốc Rôma cai trị xứ Giuđê từ năm 63 TCN. Mọi người Do-thái trưởng thành phải nộp thuế thân cho họ. Mỗi năm nộp một đồng tiền denarius [đênariô], bằng một ngày lương. Có một số người Do-thái phản đối mạnh mẽ chuyện nộp thuế, vì đối với họ, nộp thuế là tôn thờ các hoàng đế Rôma. Nhóm Pharisêu cũng không ưng thuận chuyện nộp thuế, nhưng họ phản ứng nhẹ nhàng hơn chứ không dùng bạo động. Còn nhóm Hêrôđê, vì thân với Rôma, nên ủng hộ chuyện này. Vậy mà hôm nay hai nhóm Pharisêu và Hêrôđê lại hợp lực để gài bẫy Đức Giêsu về chuyện nộp thuế.
Họ khéo léo nịnh Đức Giêsu là người nói thẳng, nói thật, để Ngài bộc trực mà trả lời câu hỏi của họ (Mt 22,16): “Có được phép nộp thuế cho Xêda không?” Đây là câu hỏi nóng vào thời đó và cũng khá nham hiểm vì đưa Ngài vào thế kẹt. Nếu trả lời được phép, thì Đức Giêsu là người chạy theo Rôma. Nếu trả lời không được phép, thì Ngài là người chống đối đế quốc. Đức Giêsu biết họ đang thử mình, nhưng Ngài thoát bẫy ra sao?
Ngài xin họ đưa cho Ngài một đồng tiền để nộp thuế. Họ đem đến cho Ngài một đồng denarius, trên đó có khắc hình và danh hiệu. Khi biết đó là hình và danh hiệu của Xêda, hoàng đế Rôma, Đức Giêsu nói ngay một câu làm họ kinh ngạc: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Câu trả lời này đã làm Đức Giêsu thoát khỏi cái bẫy họ giăng. Ngài không trả lời được phép hay không được phép, nhưng khi nói “của Xêda, trả về Xêda” Ngài có vẻ không phản đối chuyện nộp thuế cho Rôma và không coi đó là một tội phạm thượng. Ngài còn đi xa hơn khi nói: “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”
Lời của Đức Giêsu đã được đưa vào sách Giáo lý Công Giáo (số 2242). “Của Xêda, trả về Xêda”: mọi quyền hành hợp pháp đều đến từ Thiên Chúa, nên ta phải tôn trọng, phục tùng và cộng tác (Rm 13,1-7; 1 Pr 2,13-17). Chỉ khi quyền hành đó bị lạm dụng, đi ngược với đạo lý luân thường, ngược với Lời Chúa dạy, với những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, chúng ta mới phải từ chối tuân theo. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Chúng ta đang sống trong một thế giới cho phép làm nhiều điều, như phá thai, ly dị, án tử hình, an tử, hôn nhân đồng tính,... nhưng chúng ta không buộc phải theo.
“Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Nói cho cùng, không có gì lại không phải là của Thiên Chúa. Mọi người, dù là ai, cũng đều mang hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27). Mọi sự tôi có và mọi sự trên mặt đất là của Đấng Tạo Thành. Con người không được quyền lấy cắp của Ngài. Bổn phận của chúng ta là trả lại cho Thiên Chúa những điều thuộc về Ngài; là chỉnh lại hình ảnh của Ngài đã bị méo mó, dập nát; là đưa mọi thụ tạo trên trái đất về với Ngài là nguồn cội. Mong mọi người đều mang hình và danh hiệu Thiên Chúa trong tim.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan