Chúa Nhật XXXII Thường Niên - 12/11/2023
Lời Chúa - Mt 25,1-13:
Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” Bấy giờ, tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.” Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
Suy niệm:
Ở đời ai cũng muốn mình là người khôn. Ít ai muốn nhận mình là người dại, dù dại dột thì ai cũng có. Người dại thường bị coi khinh, còn người khôn thì được ca ngợi. Nhưng không dễ mà phân biệt được khôn với dại. Làm cho mình được tiếng tăm, giàu có, chưa hẳn đã là khôn. Chịu nhiều thất bại, nhục nhã, túng nghèo, chưa hẳn là dại. Đâu là tiêu chuẩn để đánh giá một người là khôn thật? Một người có đủ phúc lộc thọ ở trần gian chưa hẳn là người khôn, nếu người ấy không đem được gì qua bên kia sau khi nhắm mắt.
Bài Tin Mừng ở cuối năm phụng vụ nói với chúng ta về khôn và dại, cho chúng ta biết thế nào là thực sự khôn. Đức Giêsu kể cho ta chuyện mười cô trinh nữ, đóng vai trò phù dâu. Có năm cô dại và năm cô khôn. Tuy phân biệt dại và khôn, nhưng họ lại có nhiều điểm giống nhau. Cả mười cô đều háo hức mang theo đèn, để tham dự đám rước ban đêm, đưa cô dâu về nhà chồng. Vì chú rể đến chậm mà trời đã khuya, nên mười trinh nữ đang ở nhà cô dâu đều thiếp đi và ngủ cả. Khi nghe báo chú rể đến, cả mười cô đều thức dậy, sửa soạn đèn. Các cô dại nhận ra đèn của mình đã tắt, mà dầu thì không có. Họ xin các cô khôn cho vay dầu, nhưng bị chối từ. Trong đám rước về nhà chú rể, họ không có mặt, vì bận đi mua dầu. Khi có dầu rồi, họ xin được vào dự tiệc cưới, nhưng lại bị từ chối. Mọi sự đổ vỡ chỉ vì các cô dại không mang bình dầu dự trữ. Họ không tính đến chuyện chú rể đến muộn.
Dụ ngôn trên đây có những chi tiết khiến ta khó hiểu. Tại sao các cô khôn lại có thái độ ích kỷ không chịu chia sẻ dầu cho những cô bị tắt đèn? Tại sao chú rể lại đóng cửa không cho các cô dại vào dự tiệc? Sự hiện diện của mười cô trinh nữ hẳn sẽ làm bữa tiệc vui hơn chứ! Chú rể có thấy thiện chí của các cô dại khi họ vội vã đi mua dầu, có thấy lòng ao ước của họ muốn được dự tiệc cưới không? Tại sao chú rể lại khẳng định mình không biết các cô là ai?
Những chi tiết khó hiểu trên đây có thể không xảy ra trong thực tế, nhưng qua đó, dụ ngôn này lại có thể gửi cho ta một thông điệp. Vào ngày tận thế hay quang lâm của Đức Giêsu, mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về số phận của mình. Như các cô dại, tôi có thể tìm sự giúp đỡ nơi người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có thể ỷ lại, dựa dẫm: “Sợ không đủ dầu cho chúng em và cho các chị đâu” (Mt 25,9). Nếu các cô khôn chia sẻ số dầu dự trữ cho năm cô dại thì trên đường đến nhà trai, có lúc chẳng còn ngọn đèn nào sáng. Hình ảnh “cửa đóng lại” cũng nhắc ta về một bi kịch có thật. Dù Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ, nhưng không phải mọi người đều đương nhiên vào Nước Trời. Không phải cửa lúc nào cũng mở, để ai muốn thì cứ vào tự do. “Ta không biết các ngươi”; “Tôi không biết các cô là ai” (Mt 7,23; 25,12). Cần có tương quan với Đức Giêsu để được vào Nước Thiên Chúa. Cần biết Ngài thân thiết và cần được Ngài biết.
Xem ra, có “bình dầu” dự trữ là điều quan trọng. Muốn vào Nước Trời phải có đèn sáng khi Chúa quang lâm. Muốn có đèn sáng, cần có dầu để dùng trong thời gian lâu dài. “Dầu” tượng trưng cho cả một cuộc sống luôn thi hành ý Chúa. “Dầu” không phải chỉ là lời tuyên xưng: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà là những việc làm theo ý Cha kéo dài suốt cuộc đời. Những việc làm tốt đẹp là chất dầu làm cho đèn tỏa sáng (Mt 5,16).
Thật tiếc cho năm cô trinh nữ có sửa soạn, có đợi chờ, nhưng lại bị lỡ không được đi rước dâu và được vào dự tiệc. Các Kitô hữu chúng ta, ai cũng có thể là các cô dại trong dụ ngôn.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan