Thứ Ba Tuần III Thường Niên - 24/01/2023

Suy Niệm Lời Chúa

Ngày Mồng Ba Tết: Xin Chúa Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Lời Chúa - Mt 25,14-30:

Bấy giờ, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Suy niệm:

Lao động đúng là vinh quang của con người, Thiên Chúa vẫn cần con người cộng tác cho công cuộc sáng tạo còn dang dở... Ngài vẫn muốn nhờ con người mà làm cho thế giới này đẹp hơn, dễ sống hơn, làm cho trái đất này trở thành một ngôi làng ấm áp, xinh xắn, gần gũi cho hơn bảy tỉ người sống như anh chị em. Từng ngày, bao người vẫn cộng tác với Thánh Thần để biến đổi bộ mặt trái đất. Có một lời nguyện rất hay trong Phụng vụ Giờ Kinh tóm kết về giá trị của lao động: “Ước gì những công việc chúng con phải làm, vừa nuôi dưỡng chúng con, vừa mưu ích cho những người chúng con chịu trách nhiệm, lại vừa làm cho triều đại Chúa mau đến.” Như thế, lao động là một bổn phận của người Ki-tô hữu.

Lao động không phải là một hình phạt của tội nguyên tổ. Thống trị mặt đất và làm bá chủ mọi loài (St 1,28) là sứ mạng Thiên Chúa trao cho con người ngay sau khi được tạo dựng. Trước khi phạm tội, con người đã được Đức Chúa “đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Làm việc với đất, với vườn, với đủ thứ cây trái là một vinh hạnh lớn. Thánh Phao-lô cũng thấy cái thú trong việc “làm lụng vất vả” để nuôi thân và để “giúp đỡ những người đau yếu” (Cv 20,35). Pha một chút tự hào, vị tông đồ lừng danh này khoe: “Những gì cần thiết cho tôi, và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20,34). Chẳng biết từ đâu, Phao-lô nghe được câu này mà ông bảo là của chính Chúa Giê-su: “Cho thì có phúc hơn là nhận.” Làm việc chính là “cho”, và “cho” thật là một hồng phúc.

Đầu tư là vấn đề nóng bỏng của mọi nền kinh tế. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su dám ví đời sống Ki-tô hữu với chuyện làm ăn. Ông chủ Giê-su đi vắng một thời gian dài (c. 19), giao của cải cho tôi tớ đầu tư sinh lợi. Chẳng phải ai cũng được số nén bạc như nhau, nhưng mỗi người phải cố gắng tối đa với những gì mình đã lãnh nhận. Hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi tương xứng, được ông chủ coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín.” (cc. 21.23). Người thứ ba lại đào lỗ đưới đất và chôn giấu nén bạc duy nhất của mình. Nén bạc của anh thứ ba còn nguyên, không sinh lợi, vì thế, anh bị coi là “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng” (cc. 26.30).

Trong khi chờ Chúa trở lại, chúng ta nỗ lực sử dụng tài năng Chúa ban. Làm sao sinh lợi được nhiều nhất và hiệu quả nhất từ số vốn mình nhận? Làm sao để Thiên Chúa được vinh danh hơn trên mặt đất này? Đầu tư đòi sáng tạo của khối óc và đam mê của trái tim. Đầu tư đòi chấp nhận liều lĩnh, nỗ lực và căng thẳng. Nhưng chúng ta dám chấp nhận sự dấn thân này chỉ vì yêu Giê-su.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Bài viết liên quan