Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên - 05/07/2022
Lời Chúa - Mt 9,32-38:
Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Suy niệm:
Phép lạ Đức Giê-su chữa người câm là phép lạ cuối của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mát-thêu. Mát-thêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết. Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được. Chúng ta không thấy Đức Giê-su đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ, nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ. Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33). Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần, thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên. Đức Giê-su đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a tiên báo: “miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,6). Nhưng những người Pha-ri-sêu lại nghĩ khác. Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giê-su, nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34). Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pha-ri-sêu.
Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược về các hoạt động của Đức Giê-su: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35). Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông. Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường. Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi. Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người. Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giê-su chạnh lòng thương (c. 36). Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình. Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giê-su trước đám đông. Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo. Chính vì thế, họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than. Đức Giê-su không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông. Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người. Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng. Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường. Đức Giê-su đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.
Cách đây hai ngàn năm, Đức Giê-su đã than về chuyện ơn gọi. Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít. Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa. Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến. Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt. Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu. Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời. Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương? Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giê-su?
Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan