Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên - 29/08/2023
Thánh Gioan Baotixita chịu trảm quyết, lễ nhớ
Lời Chúa - Mc 6,17-29:
Hồi ấy, vua Hêrôđê đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philíp-phê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
Suy niệm:
Ngày sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác. Nếu sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Thánh Máccô nhận được và ghi lại thì thật là khủng khiếp. Ai có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, một cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người, máu còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở? Cô bưng ra và vui vẻ trao cho mẹ. Mẹ cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê. Trước hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu. Hêrôđê Antipa đã bắt ông Gioan Tẩy Giả và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với bà Hêrôđia. Dù vậy, Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện, vẫn sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20). Hêrôđê còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.
Kế đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa. Cái gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê: “Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)? Bầu khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn, hay rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực, hay sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên? Có những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.
Cuối cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định. Khi cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng. Ông buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26). Ông có thể rút lại lời đã nói không? Dĩ nhiên là có. Nhưng nỗi sợ đã khiến ông không dám làm. Sợ từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận, sợ bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ. Nói chung, ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác. Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái, ông vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình. Cần can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cũng cần can đảm hơn để không giữ lời. Danh dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.
Hêrôđê đã can dự vào cái chết của Gioan. Ông chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con Hêrôđia. Philatô đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu. Ông này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế. Cả hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội. Cả hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình. Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan. Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định đưa ra đều phù hợp với ý Chúa.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan