Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng - 17/12/2022
Lời Chúa - Mt 1,1-17:
Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham:
Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em ông này; Giuđa ăn ở với Tama sinh Perét và Derác; Perét sinh Khétxơron; Khétxơron sinh Aram; Aram sinh Amminađáp; Amminađáp sinh Nácson; Nácson sinh Xanmôn; Xanmôn lấy Rakháp sinh Bôát; Bôát lấy Rút sinh Ôvết; Ôvết sinh Giesê; ông Giesê sinh Đavít. Vua Đavít lấy vợ ông Urigia sinh Salômôn; Salômôn sinh Rơkhápam; Rơkhápam sinh Avigia; Avigia sinh Axa; Axa sinh Giơhôsaphát; Giơhôsaphát sinh Giôram; Giôram sinh Útdigia; Útdigia sinh Giotham; Giotham sinh Akhát; Akhát sinh Khítkigia; Khítkigia sinh Mơnase; Mơnase sinh Amôn; Amôn sinh Giôsigia; Giôsigia sinh Giơkhongia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon.
Sau thời lưu đày ở Babylon, Giơkhongia sinh Santiên; Santiên sinh Dơrúpbaven; Dơrúpbaven sinh Avihút; Avihút sinh Engiakim; Engiakim sinh Ado; Ado sinh Xađốc; Xađốc sinh Akhin; Akhin sinh Êlihút; Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.
Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.
Suy niệm:
Chúng ta bước vào một giai đoạn mới để mừng lễ Giáng Sinh, mừng Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người cách trọn vẹn.
Làm người là có một gia phả. Thánh Mátthêu đã muốn viết một gia phả dài của Đức Giêsu Kitô, không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử, nhưng mang nặng ý nghĩa thần học. Mátthêu muốn cho thấy Đức Giêsu là con của tổ phụ Ápraham, và cuộc đời Ngài gắn kết với Ítraen, dân được tuyển chọn. Ngài cũng là Con của vua Đavít, nên Ngài có cơ sở để là Đấng Kitô.
Làm người là sống trong dòng lịch sử một dân tộc với tất cả những thăng trầm và biến động của nó. Mátthêu chia lịch sử dân Do Thái làm ba thời kỳ. Thời kỳ chuẩn bị cho bước đầu của vương triều vua Đavít (cc. 2-6a), thời kỳ trị vì của các vua thuộc dòng dõi Đavít (cc. 6b-11), và thời kỳ sau lưu đày, khi vương quyền Đavít đã mai một (cc. 12-16). Mỗi thời kỳ mười bốn đời, nghĩa là hai lần bảy, một con số linh thánh. Đức Kitô đã đằm mình trong dòng lịch sử này. Ngài là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (c. 16-17). Tất cả lịch sử của dân tộc Ítraen cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Ngài, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành tựu.
Trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ. Đó là chuyện lạ, vì người Do Thái thường chỉ để tên người cha. Trừ Đức Maria, bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại. Tama và Rakháp gốc Canaan, Rút gốc Môáp, vợ Urigia người Híttít. Các phụ nữ này đều có hoàn cảnh khác thường. Tama giả làm gái điếm để ngủ với cha chồng là Giuđa, hầu sinh con cho nhà chồng (St 38). Rakháp là một cô gái điếm ở Giêrikhô, đã giúp ông Giôsuê chiếm đất Canaan (Gs 2). Bát Seva, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (2 Sm 11-12). Rút đã lấy ông Bôát là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (R 1-4). Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này. Ngài cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại.
Cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường. Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (c. 16). Như thế, Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng dõi vua Đavít. Làm người cần được sống trong bầu khí gia đình để lớn lên. Gia phả của Đức Giêsu nhắc tôi về gia phả của chính mình. Cũng với những bóng tối của lưu đày, với bao bất thường và vấp ngã. Chỉ mong trong cuộc đời tôi, gia đình tôi, dân tộc tôi, có mặt Giêsu.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan