Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên - 25/06/2022
Lễ trái tim vô nhiễm Đức Mẹ Maria, lễ nhớ
Lời Chúa - Lc 2,41-51:
Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Suy niệm:
Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ, hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ. Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục và bảo vệ giữ gìn. Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện. Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy. Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ, cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua. Kể cũng lạ, khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết. Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con, vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc, nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm. Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ. Kinh nghiệm mất-tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ. Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình. Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ, thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng. Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo. Mẹ không nén được một lời trách móc: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (c. 48).
Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi, đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (c. 49). Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao? Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha. Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống. Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra, cha mẹ phải biết chuyện đó. Dĩ nhiên, hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c. 50). Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu. Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2,19.51b).
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn. Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ. Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình. Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất. Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay. Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2,40), từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2,52). Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng. Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày. Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ. Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá. Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con. Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan