Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên - 24/09/2022
Lời Chúa - Lc 9,43b-45:
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai. Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai. Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43). Chính vào giây phút thành công vẻ vang này, Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44). Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác. Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua. Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối. Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45). Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực. Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46). Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22,27). Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh. Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ, nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi, con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy. Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang, họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã. Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19,11), và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24,21). Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1,6): “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy, thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ. Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang, nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu. Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24,25-27). Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này. Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình. Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên. Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi. Kitô Giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá. Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung, lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
Nơi thập giá, chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha, và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại. Nơi thập giá, chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người, và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa. Như thế, ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ. Thật ra, các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh. Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa. Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này, chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài, cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi. Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan