Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên - 09/11/2024
CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ, lễ kính
Lời Chúa - Ga 2,13-22:
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do Thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.
Suy niệm:
Hôm nay, chúng ta mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô. Ðây là vương cung thánh đường cổ kính nhất của Hội Thánh, là nhà thờ chính tòa của Ðức Thánh Cha, Giám mục Rôma, là Mẹ của mọi nhà thờ trên thế giới. Cung hiến thánh đường là dâng cho Chúa một ngôi nhà để dành riêng cho việc phụng tự. Khi được cung hiến để trở thành nhà của Thiên Chúa, thánh đường cũng trở nên nhà của các tín hữu. Nơi Thiên Chúa hiện diện và thi ân cũng là nơi con người họp nhau để tôn thờ, cảm tạ. Dù nguy nga hay nhỏ bé, cổ kính hay hiện đại, mọi nhà thờ đều là nơi Thiên Chúa hẹn gặp con người. “Hãy phá hủy Ðền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Ðức Giêsu không có ý nói đến đền thờ Giêrusalem, Ngài muốn nói đến chính thân thể Ngài, thân thể bị phá hủy và được xây dựng lại, thân thể bị giết chết và được phục sinh. Ðức Giêsu phục sinh trở nên Ðền Thờ của Giao Ước mới. Ai ai cũng được mời gọi bước vào Ðền Thờ này. Chỉ nơi đây, con người mới gặp được Thiên Chúa.
Hội Thánh cũng được ví như một Ðền Thờ thiêng liêng, mỗi tín hữu là một viên đá sống động (x. 1 Pr 2,4-8), và Ðức Kitô là viên đá góc tường, là nền (x. 1 Cr 3,11). Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định “Ðền thờ của Thiên Chúa chính là anh em” (1 Cr 3,17). Hơn thế nữa, ngài còn nói: “Thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần” (1 Cr 6,19). Như thế, cả Hội Thánh và từng Kitô hữu đều là Ðền Thờ. Ðền Thờ chủ yếu lại không phải là những tòa nhà có thể bị thời gian bào mòn, bị chiến tranh phá hủy. Ðền thờ là những con người sống động. Ðền thờ quan trọng nhất là con người Ðức Giêsu phục sinh, một con người đầy tràn sức sống của Thánh Thần, mọi Ðền thờ đều phải quy về Ðền thờ đó. Không gắn bó với Ðấng phục sinh và Thánh Thần của Ngài, chẳng Ðền thờ nào là Ðền thờ thực sự.
Khi thấy nhà Cha trở thành nơi buôn bán, Ðức Giêsu đã nổi giận, vì nhiệt tâm đối với Cha. Chúng ta thường thiếu một chút giận dữ hồn nhiên như vậy, vì chúng ta yêu quá ít và sợ quá nhiều. Chúng ta dửng dưng với những gì liên hệ đến Thiên Chúa. Có nhiều nhà thờ, đền thờ cần tu bổ. Nhà thờ đầu tiên là con người tôi. Xin Ðức Giêsu cứ thanh tẩy chúng ta bằng Thánh Thần, cứ tiếp tục lật đổ và trục xuất những gì ô uế. Ước gì chúng ta cung hiến lại bản thân mình cho Chúa để Hội Thánh thật sự là Ðền thờ, nhờ đó, cả thế giới cũng trở thành Ðền thờ của Chúa.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan