Thứ Hai Tuần III Thường Niên - 23/01/2023
Ngày Mồng Hai Tết: Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ.
Lời Chúa - Mt 15,1-6:
Bấy giờ, có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Đã có lúc người ta cho rằng theo đạo Công Giáo là bỏ ông bà, nhất là khi Hội Thánh chưa cho phép bày tỏ lòng hiếu thảo bằng cử chỉ vái lạy tổ tiên đã khuất. Ở đất nước ta, thờ cúng tổ tiên là chuyện quan trọng, đến độ người ta có thể nói đến đạo thờ ông bà, đạo hiếu. Ai không giữ đạo hiếu thật đáng khinh. Nhiều người tin khi chết thì con người đi về thế giới bên kia, và thế giới bên kia cũng không khác lắm với thế giới bên này, người chết cũng có những nhu cầu vật chất cần thỏa mãn. Tết là thời gian mời ông bà đã khuất về ăn Tết với con cháu. Như thế, ông bà và con cháu được gần nhau, thông hiệp với nhau.
Đạo Công Giáo tin có thế giới bên kia, nhưng không quan niệm thế giới ấy một cách vật chất. Người chết không cần ăn uống, không cần xài tiền vàng mã, nhưng lại rất cần lời cầu nguyện để sớm hưởng nhan thánh Chúa. Thảo kính cha mẹ là điều răn đặc biệt trong Mười điều răn, vì không cấm làm một điều xấu, nhưng buộc làm một điều tốt. Các sách Cựu Ước đều coi trọng mệnh lệnh này (Xh 20,12; Đnl 5,16). Thậm chí, một người con có thể bị xử tử bằng cách ném đá nếu không vâng lời hay nguyền rủa cha mẹ (Xh 21,17; Lv 20,9; Đnl 21,21). Còn ai hiếu thảo sẽ được Chúa cho sống thọ trên đất hứa (Xh 20,12).
Thảo kính cha mẹ là kính trọng và yêu mến người đã sinh dưỡng mình, thăm viếng khi khỏe mạnh, chăm sóc khi yếu đau, hầu hạ khi cao tuổi. Thảo kính cha mẹ cũng là làm cho cha mẹ được vinh danh. Nhờ con cháu mà “danh thơm mãi lưu truyền hậu thế” (Hc 44,14). Có thể nói, Đức Giêsu đã giữ điều răn này một cách nghiêm chỉnh. Khi nghe Ngài giảng, có người đã kêu lên để ca ngợi Mẹ Ngài: “Phúc cho người đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm” (Lc 11,27). Bà Êlisabét đã ca ngợi Mẹ Maria là người có phúc hơn mọi phụ nữ, vì Người Con mà Mẹ đang cưu mang là Đấng có phúc tuyệt vời (Lc 1,42). Đức Giêsu hằng vâng phục cha mẹ khi lớn lên ở Nadarét (Lc 2,51) và lo liệu cho Mẹ Ngài trước khi nhắm mắt (Ga 19,25-27).
Ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội mời ta nhớ lại nguồn cội tổ tiên đã xa ta, và cũng nhớ đến nguồn cội đang ở gần ta với lòng biết ơn. Đạo thờ ông bà, dù khác, nhưng cũng rất gần với đức tin Công Giáo. Thảo kính cha mẹ là “lời”, là “điều răn” của Thiên Chúa (Mt 15,3.6). Không ai được phép bỏ qua hay coi nhẹ. Qua tổ tiên, Thiên Chúa tạo dựng nên con người chúng ta. Qua ông bà cha mẹ, Thiên Chúa cho chúng ta nên người thành toàn. Tri ân tổ tiên là tri ân chính Thiên Chúa, Nguồn Cội của mọi nguồn cội.
Sách Nhị Thập Tứ Hiếu kể lại 24 gương hiếu thảo đối với mẹ cha. Lão Lai tuy đã già vẫn nhảy múa như con nít để giúp vui cho cha mẹ. Lục Tích là đứa bé ăn cắp quýt ở bữa tiệc để đem về, vì biết mẹ thích. Ngô Mãnh, tám tuổi, cởi trần cho muỗi đốt mình để khỏi đốt cha mẹ. Diễm Tử có cha mẹ già, thèm sữa hươu, nên ông khoác bộ da hươu, giả làm hươu con vào rừng, để đến gần hươu mẹ vắt sữa, nên suýt nữa bị các thợ săn nhắm bắn. Nếu không hiếu thảo đến mức cao như các gương trên đây thì ít là hôm nay chúng ta biết ngước lên trời cầu nguyện cho cha mẹ: “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan