Thứ Hai Tuần III Thường Niên - 22/01/2024
Lời Chúa - Mc 3,22-30:
Khi ấy, các kinh sư từ Giêrusalem xuống nói rằng Đức Giêsu bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”
Suy niệm:
Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21), nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám, dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám. Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều. Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám, không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bêendêbun. Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22). Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng, vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.
Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà. Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này. Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương, đó là Xatan hay Bêendêbun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22). Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người. Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai. Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước: từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo, rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142). Như thế, Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người. Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới. Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan, phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11,20). Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.
Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà. Tiếc thay, ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt. Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27). Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1,7). Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm. Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ. Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan. Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12,28), nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bêendêbun thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30). Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế ở nơi mình. Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm. Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó. Mọi tội lỗi đều có thể được tha(c. 28), trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội?
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan