Thứ Hai Tuần XIX Thường Niên - 12/08/2024
Lời Chúa - Mt 17,22-27:
Khi thầy trò Đức Giêsu tụ họp ở miền Galilê, Người nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.
Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giêsu hỏi đón ông: “Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giêsu liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta không khỏi mỉm cười, khi nghĩ đến việc anh Phêrô đi ra hồ Galilê để thả câu bắt cá, một chuyện bắt cá rất bất thường, vì một mục đích cũng bất thường. Thầy Giêsu dặn anh hãy túm lấy con cá đầu tiên câu được, bắt lấy, mở miệng nó ra, thấy ngay một đồng tiền trị giá bốn quan, vừa vặn để nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.
Đây là thứ thuế mà hàng năm, theo sách Xuất hành (30,14), những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi phải nộp để lo việc tu bổ Đền Thờ và việc tế tự trong đó. Ta không thấy kể chuyện anh Phêrô đã vâng lời Thầy ra sao, và phép lạ đã xảy ra như thế nào. Chỉ biết chẳng khi nào trong Tân Ước Thầy Giêsu lại có ý làm một phép lạ vì lợi ích cho mình như vậy.
Nhưng chuyện bắt cá để lấy tiền nộp thuế lại không phải là chuyện quan trọng của đoạn Tin Mừng này. Điểm chính yếu nằm ở những câu nói của Thầy Giêsu. Ai cũng biết con cái của vua chúa trần gian thì được miễn thuế, vì các vua chỉ đánh thuế người ngoài thôi (c. 26). Đức Giêsu chính là Người Con tuyệt hảo của Vị Vua thiên quốc. Và những Kitô hữu cũng là con cái của Đức Vua tối cao. Họ là những người đã mở lòng đón nhận Nước Trời (Mt 13,38), và đã gọi Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng con (Mt 6,9). Như thế, Thầy Giêsu và các môn đệ của mình đều được miễn thuế. Thầy trò không phải nộp thuế Đền Thờ như những người Do Thái khác. Tuy Thầy trò có quyền không nộp thuế, nhưng Thầy Giêsu lại không muốn làm cớ cho người khác vấp phạm.
Khi về đến nhà anh Phêrô ở Caphácnaum, Thầy Giêsu bày tỏ ý muốn nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò. Thầy chấp nhận giữ luật mà các người đàn ông Do Thái đều giữ. Thầy biết mình có tự do, nhưng Thầy cũng dám hy sinh tự do ấy vì lợi ích cho người khác. Thánh Phaolô cũng sẽ nói về nguyên tắc này khi bàn tới việc ăn đồ cúng. “Đã hẳn, mọi thức ăn đều thanh sạch; nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rm 14,20). Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu” trong cộng đoàn. Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc điều mình được phép làm. Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu lộ tình yêu.
Thế giới hôm nay ca ngợi tự do, nên cũng đầy cớ gây vấp phạm. Bao sa ngã của giới trẻ là do sự phóng túng của người lớn. Con người hôm nay quá gần nhau bởi các phương tiện truyền thông, nên ảnh hưởng xấu lan đi vừa nhanh lại vừa rộng. Nếu chúng ta tự ý làm hay tránh làm một điều gì đó chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người khác, thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép lạ thật ngỡ ngàng.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan